Việt Nam 'thất vọng và tức giận' khi ông Trump tuyên bố thuế 20%

 
Việt Nam 'thất vọng và tức giận' 
khi ông Trump tuyên bố thuế 20%

Lãnh đạo Việt Nam được cho là đã bị sốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế 20%. Họ tưởng rằng mức thuế mà Mỹ áp đối với hàng Việt Nam là 11%.
 
Thông tin trên do chuyên trang chính trị Politico đăng tải, dẫn bốn nguồn tin ẩn danh nắm vấn đề vào ngày 11/7.
 
"Ông Trump đã phớt lờ con số đó [con số 11%] trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm — người không tham gia vào quá trình đàm phán thuế ban đầu — và thay vào đó tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp mức thuế gần như gấp đôi con số này," bài viết nêu.
 
Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa chính thức xác nhận hay công bố bất kỳ mức thuế quan thương mại nào đã thống nhất với Mỹ.
 
Trong khi đó, thông tin từ phía Mỹ chủ yếu là các thông báo vắn tắt trên mạng xã hội của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và một số phát biểu của các quan chức chính quyền với báo chí. Theo các nguồn này thì Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với hàng Việt Nam, 40% đối với hàng trung chuyển qua Việt Nam và phía Việt Nam tính thuế 0% đối với hàng Mỹ.
 
Theo bài viết của Politico, phía Việt Nam chưa chính thức chấp nhận các mức thuế như thông báo phía trên của ông Trump.
 
Vài ngày sau khi công bố việc "chốt thỏa thuận" thuế quan với Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư tới 14 quốc gia, bao gồm nhiều quốc gia Đông Nam Á là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Lá thư nêu rõ các mức thuế mà Mỹ sẽ áp đối với các nước này từ ngày 1/8, trong đó mức thấp nhất là 25% và cao nhất là 40%, đều cao hơn so với mức 20% mà ông Trump nói đã đạt được với Việt Nam.
 
Sau khi ông Trump công bố trên mạng xã hội mức thuế quan 20% cho hàng Việt Nam và 40% cho hàng trung chuyển, đã có những nghi vấn về tính chính xác của những con số này.
 
Trong một bài viết đăng ngày 2/7, thời điểm ông Trump công bố các mức thuế đối với Việt Nam, Politico cho biết họ đã tiếp cận được bản dự thảo thỏa thuận thương mại Việt-Mỹ, trong đó không nêu chi tiết mức thuế cuối cùng là bao nhiêu.
 
Bản dự thảo này cũng nêu hai bên sẽ tiếp tục làm việc để hoàn tất một thỏa thuận cuối cùng "trong vài tuần tới," qua đó sẽ dẫn đến việc "giảm đáng kể" các mức thuế mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
 
"Giảm đáng kể" các mức thuế cũng là cụm từ mà phía Việt Nam sử dụng khi nói tới cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và ông Donald Trump vào ngày 2/7.
 

'Đánh úp' tất cả?
Theo Politico, cũng có một số người ở phía Mỹ bất ngờ, bao gồm cả các nhóm bên ngoài theo dõi tiến trình đàm phán - theo lời một nhà vận động hành lang ở Washington, người làm việc với chính phủ Việt Nam và các nước châu Á khác.
 
"Ông Trump đã đánh úp tất cả mọi người," nhà vận động này nói, đồng thời mô tả phản ứng của chính phủ Việt Nam là "ngạc nhiên, kèm theo thất vọng và tức giận".
 
Một trợ lý Nhà Trắng, yêu cầu giấu tên vì không được phép phát ngôn công khai, đã bác bỏ cách mô tả này và cho rằng phía Việt Nam đã biết trước về các mức thuế chính trước cuộc gọi.
 
"Hiểu biết của tôi là hai nhóm đàm phán thương mại đã cơ bản thống nhất với nhau, còn việc thông qua cuối cùng là chuyện giữa hai nhà lãnh đạo," vị trợ lý này nói.
 
Bà Wendy Cutler, quyền Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định rằng điều này càng làm gia tăng yếu tố bất định
 
"Ngay cả khi bạn nghĩ mình đã đàm phán xong một thỏa thuận, ông ấy vẫn có thể quay ngoắt và thay đổi các điều khoản.
 
"Và trong trường hợp này, có vẻ như ông ấy đã đơn phương và công khai hành động mà không có bất kỳ sự đồng thuận nào từ phía Việt Nam," Politico dẫn lời bà Cutler, hiện đang là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.
 
Không rõ hiện tại Việt Nam và Mỹ đã có thêm bước đàm phán nào hay chưa. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những động thái nhất định liên quan tới thuế quan.
 
Reuters ngày 8/7 cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc đã đồng thuận tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
 
Vào ngày 10/7, Reuters còn cho biết Việt Nam đang chuẩn bị áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn nhằm dẹp hành vi gian lận thương mại và trung chuyển hàng hóa trái phép, đồng thời tập trung kiểm tra hàng hóa từ Trung Quốc trong nỗ lực tuân thủ các cam kết đã đưa ra với Washington.
 
Dự thảo nghị định của chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các quy trình giám sát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tăng cường kiểm tra thực địa đối với hàng hóa thương mại, và giám sát chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, theo bản dự thảo không ghi ngày cụ thể mà Reuters thu thập được.
 
Gửi thư ấn định thuế
Tổng thống Donald Trump đã từng bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn trong việc đàm phán thuế quan, cho biết bản thân thích làm theo cách gửi thư để ấn định mức thuế hơn, thay vì trải qua quá trình đàm phán toàn diện.
 
"Tôi chỉ muốn các vị biết rằng, một bức thư có nghĩa là một thỏa thuận," ông Trump nói trong một buổi họp nội các vào hôm 8/7.
 
Tại cuộc họp trên, Trump cho biết ông dự định sẽ gửi Liên minh châu Âu một bức thư thông báo về mức thuế sẽ được áp dụng từ ngày 1/8, bất chấp những tiến triển trong đàm phán thương mại với khối này vào cuối tuần trước.
 
Ngoài đàm phán, việc điều chỉnh thuế quan cũng tương đối phức tạp.
 
Tiến sĩ Giang Phùng giải thích với BBC News Tiếng Việt vào ngày 7/7 rằng trong hệ thống pháp lý của Mỹ, việc điều chỉnh thuế quan là một quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi phải tuân thủ các quy định pháp luật và điều tra thương mại (ví dụ: theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại hoặc Mục 232 của Đạo luật Thương mại mở rộng).
 
Do đó, các tuyên bố đơn phương từ tổng thống, dù có trọng lượng chính trị và ảnh hưởng lớn đến thị trường, vẫn cần được thể chế hóa mới có hiệu lực thi hành.
 
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đang có chuyến làm việc với các quốc gia ASEAN.
 
Đông Nam Á - một tập hợp các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất - là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức thuế của ông Trump.
 
Thái Lan, Malaysia, Lào, Myanmar, Campuchia và Indonesia đã nhận được thư trong tuần này, cảnh báo rằng họ sẽ phải đối mặt với mức thuế từ 25% đến 40%, các mức thuế mà theo ông Rubio là Mỹ đang được thảo luận với các nước ASEAN.
 
"Tôi cho rằng khi mọi chuyện ngã ngũ, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á sẽ có mức thuế thực tế còn tốt hơn các nước ở những khu vực khác trên thế giới," ông Rubio nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến