Khai trừ Đảng cựu Bộ trưởng Kim Tiến: Đòn chống lãng phí của ông Tô Lâm

 
Khai trừ Đảng cựu Bộ trưởng Kim Tiến: 
Đòn chống lãng phí của ông Tô Lâm

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bị khai trừ Đảng. Đây là mức kỷ luật Đảng cao nhất.
 
Kỷ luật bà Tiến là một trong những nội dung của Hội nghị trung ương 12, khai mạc vào ngày 18/7.
 
Quyết định này được công bố vào ngày 19/7 khi Hội nghị trung ương 12 bế mạc, chỉ hai ngày sau khi Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật bà Tiến.
 
Trong cuộc họp ngày 17/7, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy bà Tiến trong thời gian giữ chức ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự Đảng, bí thư Đảng ủy, bộ trưởng Bộ Y tế, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
 
Theo Bộ Chính trị, bà Tiến đã vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
 
Các vi phạm của bà Tiến được đánh giá là gây hậu quả rất nghiêm trọng.
 
Đòn chống lãng phí của ông Tô Lâm
Trước đó, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã bị nêu tên trong kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan tới hai dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, hai công trình được coi là gây thất thoát, lãng phí lớn.
 
Chống lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng kể từ khi ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư.
 
Trước đó, dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, công cuộc chống tham nhũng tập trung vào hai lĩnh vực là tham nhũng và tiêu cực.
 
Việc phát động cuộc chiến chống lãng phí, bên cạnh tham nhũng và tiêu cực, được ông Tô Lâm gọi là bộ ba cần loại bỏ.
 
Vào tháng 10/2024, ông Tô Lâm đã nhắc tới dự án xây dựng hai cơ sở nói trên, coi đây là ví dụ điển hình của việc gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Theo đánh giá của ông Tô Lâm, nếu đây là dự án tư nhân thì đã hoàn thành việc thu hồi vốn.
 
Khi ấy, báo Thanh Tra đã dẫn lời Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng rằng "tổng bí thư yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của nhà nước, là tiền của nhân dân".
 
Tới tháng 4/2025, sau khi thanh tra hai dự án này, Thanh tra Chính phủ đã nhắc đích danh bà Tiến và hai cựu thứ trưởng Y tế khác.
 
Từ thời điểm ấy, đã có nhiều đồn đoán về số phận bị kỷ luật của bà Tiến, đặc biệt là khi ông Tô Lâm đang đẩy mạnh công cuộc chống lãng phí ở Việt Nam, điều mà ông từng nhiều lần đánh giá là có thể nghiêm trọng và gây tổn thất nặng nề hơn cả tham nhũng.
 
Như vậy, với việc kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng bà Nguyễn Thị Kim Tiến, thì bà Tiến là cựu quan chức cấp cao nhất đầu tiên bị xử lý kỷ luật, và ở mức nặng nhất trong cuộc chiến chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm.
 
Ngày 7/7, Bộ Công an đã công bố việc khởi tố vụ án và khởi tố năm người liên quan tới hai dự án nói trên, sau kết luận thanh tra về các vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu, có dấu hiệu gây lãng phí hơn 1.253 tỷ đồng.
 
Trong số năm người bị khởi tố, có một giám đốc, hai phó giám đốc và một trưởng phòng kỹ thuật dự toán thuộc Ban quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế. Người đáng chú ý nhất là ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án y tế trọng điểm.
 
Trước đây, tên của bà Tiến và ông Thắng đã hơn một lần bị nêu trong một loạt vi phạm liên quan đến hai cơ sở bệnh viện nói trên.
 
Chẳng hạn, tên của hai người đã được nhắc trong mục các tổ chức, cá nhân vi phạm trong nội dung cố ý trình phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập dự án đầu tư.
 
Tên bà Tiến và ông Thắng cũng được nêu trong phần tổ chức, cá nhân vi phạm đối với nội dung cố ý trình, phê duyệt kế hoạch tuyển chọn phương án kiến trúc khi không đủ cơ sở, không đảm bảo tính cạnh tranh.
 
Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, công tác tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn tại hai gói thầu và nhà thầu thi công tại bốn gói thầu đã xảy ra nhiều vi phạm quy định của pháp luật.
 
Đối với nội dung này, bà Tiến và ông Thắng tiếp tục bị nêu tên là cá nhân có trách nhiệm liên quan đến vi phạm.
 
Bà Tiến và ông Thắng cũng bị "điểm tên" trong phần tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan một số gói thầu "có nhiều vi phạm quy định về pháp luật" tại dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai.
 
Bà Tiến đã làm gì?
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến giữ chức bộ trưởng Bộ Y tế từ tháng 8/2011 tới tháng 11/2019.
 
Hai dự án xây dựng cơ sở bệnh viện nói trên, đều ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (nay là phường Phủ Lý, tỉnh Ninh Bình), được Bộ Y tế phê duyệt vào năm 2014.
 
Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, bà Tiến là người trực tiếp ký các quyết định liên quan đến cả hai dự án trong thời gian từ năm 2013-2017.
 
Thanh tra Chính phủ đã nhắc đích danh bà Tiến và hai cựu thứ trưởng Bộ Y tế liên quan đã có hành vi vi phạm trong nhiều khâu, từ phê duyệt chủ trương tuyển tư vấn nước ngoài đến buông lỏng quản lý.
 
Hai thứ trưởng ở đây là ông Nguyễn Viết Tiến, người phụ trách xây dựng cơ bản và đứng đầu Ban Quản lý dự án chuyên trách từ 2016-2019, và ông Nguyễn Trường Sơn, phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế từ ngày 27/3/2021.
 
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đánh giá rằng bà Tiến và các thứ trưởng Bộ Y tế được phân công phụ trách theo từng thời kỳ bị xác định "thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý", thiếu kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu thực hiện hợp đồng đối với chủ đầu tư.
 
Những việc bà Tiến làm, bao gồm việc lựa chọn một công ty là đơn vị lập dự án trước khi thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, được đánh giá là "vi phạm nghiêm trọng" hoặc trái quy định về đấu thầu.
 
Khi thông báo về việc khởi tố bắt tạm giam năm người liên quan tới hai dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, Bộ Công an nêu rằng sai phạm ban đầu được xác định là trong quá trình triển khai dự án, có việc điều chỉnh tổng mức đầu tư không đúng quy định, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, làm tăng chi phí đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, gây lãng phí lớn nguồn vốn đầu tư công.
 

Quá khứ kỷ luật
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, 66 tuổi, là tiến sĩ y khoa, phó giáo sư. Bà là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10 (dự khuyết), khóa 11; đại biểu Quốc hội khóa 13; thành viên Chính phủ duy nhất không phải ủy viên Trung ương ở khóa 12.
 
Sau tám năm làm bộ trưởng Y tế, vào đầu tháng 7/2019, bà được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ kiêm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
 
Bà Tiến đã từng bị kỷ luật vào năm 2021.
 
Lúc ấy, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm đối với bà Tiến chức vụ trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
 
Cảnh cáo là mức kỷ luật cao thứ hai trong bốn mức kỷ luật của Đảng, gồm (từ nhẹ đến nặng) khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
 
Theo kết luận lúc bấy giờ của Bộ Chính trị, bà Tiến, với cương vị bí thư Ban cán sự đảng, bí thư Đảng ủy, bộ trưởng Y tế, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 và Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015-2020.
 
Bà được đánh giá là đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của nhà nước.
 
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 19/11/2021, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Lúc ấy, thông báo của Bộ Chính trị không nhắc cụ thể tới một vụ việc nào.
 
Cũng trong cuộc họp này, Ban Bí thư đã quyết định khai trừ Đảng đối với cấp dưới của bà Tiến là ông Trương Quốc Cường, mức kỷ luật nặng nhất.
 
Lúc bấy giờ, ông Cường là ủy viên Ban Cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ Y tế (từ tháng 11/2016 tới thời điểm cuộc họp diễn ra) và bí thư Đảng ủy, cục trưởng Cục Quản lý dược các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, cục trưởng Cục Quản lý dược (từ tháng 8/2007 tới tháng 11/2016).
 
Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 và vi phạm của bà Tiến được xác định là nghiêm trọng; vi phạm của Thứ trưởng Trương Quốc Cường là rất nghiêm trọng.

Hai công trình siêu lãng phí
Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Phủ Lý được khởi công xây dựng. Tới tháng 10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành.
 
Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian (từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020), rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng Covid-19.
 
Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
 
Hai bệnh viện có quy mô 1.000 giường/bệnh viện; diện tích hơn 100.000m² sàn/bệnh viện. Tổng mức đầu tư khoảng gần 5.000 tỷ đồng/bệnh viện.
 
Sự chậm trễ này diễn ra trong bối cảnh cơ sở chính của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức đều đang bị quá tải.
 
Theo bài viết vào tháng 11/2024 trên báo Tuổi Trẻ, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận điều trị cho hơn 7.000 bệnh nhân ngoại trú, hơn 4.000 giường bệnh nội trú lúc nào cũng kín chỗ.
 
Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.000 lượt khám chữa bệnh, một năm mổ hơn 70.000 ca chủ yếu là chấn thương nặng, phức tạp, đa chấn thương.
 
Ở thời điểm hiện tại, một số nhà thầu khác đã được giao tiếp tục thực hiện hai dự án xây dựng. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ vẫn đang diễn ra.
 
Ngày 16/7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã tới kiểm tra tiến độ các dự án này.
 
Tại đây, ông Long đã đề nghị Bộ Y tế phải có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7, nêu rõ các nhóm việc, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp xử lý. Trước mắt, phải sớm phê duyệt điều chỉnh hợp đồng. Triển khai hoàn thành công việc về phòng cháy chữa cháy. Bộ Tài chính phải có giải pháp khả thi về cơ chế thanh toán để các nhà thầu sớm có tiền triển khai dự án. Các nhà thầu cố gắng vượt qua khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.
 
Cũng trong buổi này, Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận cho biết đối với những gói thầu thuộc dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, việc thiết kế và thi công công trình chính, nhà thầu đang triển khai chậm so với tiến độ yêu cầu, chưa tập trung huy động đủ nhân công, máy móc vật tư phục vụ thi công; thường xuyên chỉ huy động khoảng 120-140 công nhân, đáp ứng khoảng 70% yêu cầu nhân lực.
 

Đối với dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, về gói thầu thiết kế và thi công công trình chính, nhà thầu thường xuyên chỉ huy động khoảng từ 170 đến 210 công nhân, đáp ứng khoảng 65% yêu cầu về nhân lực.
 
"Nhà thầu cam kết chậm nhất là ngày 15/9 sẽ xong phần xây dựng đối với dự án Bệnh viện Việt Đức 2 và Bạch Mai, chậm nửa tháng so với kế hoạch ban đầu do Bộ Y tế đề ra," báo điện tử Chính phủ dẫn lời ông Luận.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến