Thuế ông Trump có khiến Việt Nam mất lợi thế trước các 'đối thủ' trong khu vực?

 
Thuế ông Trump có khiến Việt Nam mất lợi thế trước các 'đối thủ' trong khu vực?


Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay Mỹ sẽ áp thuế 19% đối với hàng nhập khẩu từ Philippines.
 
Trước đó vào hôm 16/7 giờ Việt Nam, tổng thống Mỹ thông báo đã "chốt" được thỏa thuận với Indonesia, theo đó, ông Trump đồng ý giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia vào Mỹ xuống còn 19% - thấp hơn đáng kể so với mức 32% trong cả hai lần mà ông đã thông báo trước đó vào tháng Tư và tháng Bảy.
 
Cả Philippines lẫn Indonesia, hai quốc gia được coi là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, đã có mức thuế đối ứng thấp hơn so với Việt Nam.
 
Đáng chú ý, thông báo hôm của ông Trump đối với cả Philippines lẫn Indonesia đều không đề cập đến con số cụ thể cho "hàng trung chuyển" - loại hàng hóa mà Việt Nam phải đối mặt mức thuế lên tới 40%.
 
Đổi lại, cả ba quốc gia gần như mở toang thị trường cho hàng nhập khẩu từ Mỹ.
 
Mức thuế mà ông Trump đánh lên hàng của các quốc gia Đông Nam Á sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?
 
Ông Marco Forster - giám đốc về ASEAN của công ty Dezan Shira & Associates, làm việc tại TP HHCM - nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng con số này có phải là thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc các thị trường khác trong chiến lược "Trung Quốc + 1" đạt thỏa thuận ở mức nào.
 
Dường như Việt Nam vẫn chưa hài lòng với con số 20% và đang đàm phán thêm về thỏa thuận với Mỹ trước ngày 1/8 - ngày mà ông Trump nói các mức thuế được cập nhật sẽ có hiệu lực, Bloomberg đưa tin hôm 17/7.
 
Cho đến nay, vẫn chưa có thêm các thông tin mới về việc liệu Việt Nam có đàm phán giảm mức thuế 20%, hay định nghĩa về hàng trung chuyển như thế nào.
 
Trong khi đó, cho dù được cho là sẽ chịu ảnh hưởng từ mức thuế của ông Mỹ, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vẫn quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 lên mức 8,3-8,5%, dù cho mức 8% trước đó - theo đánh giá của nhiều chuyên gia - đang bị cơn bão thuế quan đe dọa nghiêm trọng.
 
Việt Nam từng được xem là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất trong chiến lược "Trung Quốc + 1" và "friend-shoring", tức dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đến những quốc gia thân thiện.
 
Là nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong nhiều năm qua, với những con số bùng nổ từ khi ông Trump khơi chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018.
 
Các quốc gia đối thủ cạnh tranh trong khu vực Nam Á, Đông Nam Á cũng ghi nhận làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc đến nước mình trong thời gian qua.
 
"Việc Mỹ tăng thuế vào năm 2025 đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Điều này thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào ASEAN, đặc biệt là từ các công ty Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng xuất khẩu qua các khu vực có mức thuế thấp hơn," Tiến sĩ Lâm Vũ, chuyên gia về Đông Nam Á từ Đại học New South Wales (Úc), trả lời BBC News Tiếng Trung.
 
Ông Lâm Vũ cho hay tuy Việt Nam nhận được hàng trăm dự án mới do Trung Quốc hậu thuẫn trong nửa đầu 2025, thì các cảng và trung tâm logistics ở Malaysia, Thái Lan và Philippines cũng báo cáo mức tăng trưởng lưu lượng đáng kể trong cùng khoảng thời gian.
 
Dù chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico trong số các nước xuất khẩu qua Mỹ nhiều nhất trong năm 2024, việc bị áp thuế nhập khẩu cao khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ xói mòn đáng kể lợi thế cạnh tranh như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
 
'Tùy thuộc vào loại hàng hóa'
Giá trị xuất khẩu của Philippines và Indonesia sang Mỹ thấp hơn rất nhiều so với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, lần lượt là 14,2 tỷ USD, 28,1 tỷ USD so với 136,6 tỷ USD, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
 
Để đổi lấy mức giảm 13 điểm phần trăm thuế thương mại, ông Trump cho hay Indonesia sẽ cung cấp cho các công ty Mỹ sẽ có "quyền tiếp cận toàn diện" vào thị trường Indonesia, tương tự như thỏa thuận với Việt Nam mà ông đã thông báo trên mạng xã hội hồi đầu tháng Bảy.
 
Ngoài ra, Indonesia đã đồng ý mua 15 tỷ đô la năng lượng của Mỹ; 4,5 tỷ đô la nông sản Mỹ và 50 máy bay Boeing, theo Tổng thống Trump.
 
Bà Esther Sri Astuti, Giám đốc điều hành Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) có trụ sở ở Jakarta, nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng cả Việt Nam lẫn Indonesia đều là hai cường quốc xuất khẩu ở Đông Nam Á cũng như dự báo sẽ có sự thay đổi trong chuỗi cung ứng ở khu vực.
 
Tuy nhiên, bà cho rằng đối với hai nước này, không có "xung đột" lẫn nhau quá nhiều về các mặt hàng chủ lực.
 
"Cách thức và trọng tâm xuất khẩu của họ lại khác nhau rõ rệt. Indonesia có cấu trúc xuất khẩu đa dạng hơn, bao gồm nông sản, khoáng sản và dệt may. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu vào hàng hóa sản xuất, chế biến, đặc biệt là điện tử và dệt may. Việt Nam cũng cho thấy khả năng vượt trội trong việc hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong ngành sản xuất điện tử," bà Astuti bình luận.
 
Chuyên gia này chỉ ra rằng thị trường nội địa lớn giúp Indonesia giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài và ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn so với Việt Nam.
 
Trước đó, không lâu sau khi ông Trump tuyên bố đã "chốt" thỏa thuận với Việt Nam, Tiến sĩ kinh tế Astuti cho rằng Việt Nam được chính quyền Trump giảm mức thuế vì các công ty Mỹ vẫn cần nguyên liệu thô hoặc sản phẩm đầu vào từ Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng của họ.
 
"Ngoài ra, chi phí kinh doanh ở Việt Nam cũng thấp hơn so với Indonesia. Vì vậy, các công ty Mỹ ưu tiên chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam hơn là Indonesia," bà nói với BBC hôm 9/7.
 
Trong số các quốc gia hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung trong khu vực, đối thủ của Việt Nam ở ngành điện, điện tử (tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất) có thể kể đến Thái Lan, Malaysia,... ngành may mặc có thể kể đến Campuchia, Bangladesh,...
 
Campuchia và Bangladesh đang đối mặt lần lượt mức thuế quan 36% và 35% từ Mỹ.
 
Đối với Malaysia, ông Stephen Innes - Giám đốc điều hành của SPI Asset Management - cảnh báo rằng nếu mức thuế 25% vẫn không đổi, vai trò lâu đời của nước này như một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á về các lĩnh vực giá trị cao như điện tử và kỹ thuật chính xác sẽ rơi vào tay các nước phải đối diện với mức thuế thấp hơn, trang The Star của Malaysia đưa tin.
 
Ông Kevin Khaw Khai Sheng, nhà phân tích nghiên cứu của iFAST Capital, nhận định vai trò của Malaysia như một cơ sở sản xuất sẽ vẫn được duy trì, nhờ sự ổn định chính trị, lực lượng lao động đa ngôn ngữ và lợi thế địa lý. Ông còn cho rằng động thái nhượng bộ của Việt Nam hay Indonesia sau cùng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế trong nước của họ, theo The Star.
 
'Phải ngang hoặc tốt hơn Việt Nam'
Với ông Bhima Yudhistira, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS) có trụ sở ở Jakarta, mức thuế được công bố vào "Ngày Giải phóng" 2/4 của ông Trump đối với Indonesia (32%) một mặt nào vẫn "có lợi" đối với nước này hơn vì vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 46% ban đầu của Việt Nam.
 
"Nếu sự khác biệt của chúng tôi (Indonesia) chỉ là một điểm phần trăm so với Việt Nam, thì khả năng cạnh tranh của chúng tôi trong ngành công nghiệp sản xuất sẽ kém hơn Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Việt Nam vẫn là người chiến thắng, các công ty vẫn sẽ chuyển địa điểm đến Việt Nam", ông Yudhistira nói.
 
Ông giải thích thêm với BBC rằng vấn đề không chỉ về thuế quan, mà chi phí sản xuất và chi phí logistics tại Việt Nam thấp hơn Indonesia.
 
"Điều đó có nghĩa là Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư muốn đến đó hơn."
 
Một quốc gia khác trong khu vực đang tích cực kiếm thỏa thuận trước ngày 1/8 là Thái Lan.
 
Vào hôm 16/7, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira đã họp trực tuyến với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, thảo luận về các biện pháp sửa đổi, trong đó có cả việc miễn thuế đối với một số hàng hóa Mỹ, theo Bangkok Post.
 
Các quan chức Thái Lan cho hay mục tiêu chính của nước này là đàm phán để đạt được một mức thuế cho phép họ duy trì khả năng cạnh tranh với các nước láng giềng trong khu vực.
 
Vào hôm 8/7, Thái Lan cũng nhận được "tối hậu thư" của ông Trump với mức thuế quan mà nước này phải đối mặt lên tới 36% - cao hơn đáng kể so với những "đối thủ" khác trong khu vực như Việt Nam (20%), Indonesia (19%) hay Malaysia (25%).
 
Sau khi có thông tin về bức thư từ tổng thống Mỹ, Tiến sĩ Pipat Luengnaruemitchai, Kinh tế trưởng của Kiatnakin Phatra Financial Group (KKP) và Tiến sĩ Piyasak Manason, Trưởng nhóm Nghiên cứu Kinh tế, Ban Chiến lược Đầu tư, InnovestX Securities chia sẻ với BBC News Tiếng Thái rằng họ đều "cảm thấy sốc".
 
Cả hai đều nghĩ Thái Lan sẽ đàm phán thành công chứ không nghĩ mức thuế quan (36%) vẫn giữ nguyên so với hồi đầu tháng Tư.
 
"Tôi nghĩ mức thuế có thể sẽ tương đương hoặc tốt hơn Việt Nam. Nhưng khi con số là 36%, thì khá sốc. Tôi cảm thấy chúng ta [Thái Lan] sẽ phải cố gắng nhiều hơn," Tiến sĩ Piyasak bình luận.
 
Ông Kongrit Chantrik, Giám đốc Điều hành của Hội đồng Vận chuyển hàng hóa Quốc gia Thái Lan (TNSC), nói với BBC rằng chi phí sản xuất của Việt Nam thấp hơn Thái Lan, do đó, đất nước này buộc phải tránh cảnh bị đánh thuế cao hơn.
 
Theo tìm hiểu của BBC Tiếng Thái, lương tối thiểu tại Thái Lan cao hơn Việt Nam 75%, khiến cho quốc gia này không có lợi thế nhân công giá rẻ.
 
"Ngay cả khi chúng ta [Thái Lan] cạnh tranh được, có thể sản xuất rẻ hơn, nhưng chúng ta lại phải chịu thuế cao hơn [16 điểm phần trăm], vì vậy chúng ta đang ở thế bất lợi," Tiến sĩ Pipat kết luận.
 
Nếu Bangladesh - đối thủ của Việt Nam ở ngành may mặc - phải chịu mức thuế cao hơn quốc gia Đông Nam Á 15 điểm phần trăm như hiện nay, thì đó sẽ là "thảm họa", Tiến sĩ Mostafizur Rahman từ Trung tâm Đối thoại Chính sách (Bangladesh) nói với BBC Tiếng Bengal.
 
Ông Rahman nhận định nếu Bangladesh đạt được thỏa thuận tương tự như mức 20% của Việt Nam mà ông Trump đã thông báo, quốc gia này có thể đảm bảo được lợi thế thương mại của mình.
 
Tuy nhiên, thỏa thuận "Trump-Tô Lâm" có chi tiết ít được đề cập đến hơn con số 20% kia: 40% cho hàng trung chuyển.
 
Vị tổng thống Mỹ không nhắc trực tiếp việc Việt Nam là "sân sau" trung chuyển cho nước nào, tuy nhiên nhiều lần các quan chức ở Washington như Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick hay Cố vấn thương mại Peter Navarro cáo buộc Việt Nam là điểm trung chuyển hàng Trung Quốc đến Mỹ.
 
Thời báo Hoàn Cầu cũng thừa nhận Trung Quốc có liên quan đến con số 40% trên.
 
Các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam là điện tử, may mặc phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Đến nay, vẫn chưa rõ chính quyền Trump sẽ định nghĩa một mặt hàng có hàm lượng bao nhiêu % từ nước thứ ba thì được coi là hàng trung chuyển.
 
Tiến sĩ kinh tế Zahid Hossain cũng chia sẻ chung quan điểm này khi trả lời BBC Tiếng Bengal. Ông nghĩ vì vấn đề hàng trung chuyển, Việt Nam sẽ không có lợi thế lớn so với các nước khác.
 
Tuy vậy, dường như đây cũng là nỗi lo chung của nhiều nước Đông Nam Á.
 
"Về lý thuyết, điều này [phi Trung Quốc hóa chuỗi cung ứng] có thể xảy ra, nhưng việc thực thi sẽ là phần khó khăn nhất. Sự liên kết sâu sắc của khu vực với Trung Quốc khiến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng trở nên 'nói thì dễ, làm thì khó'. Hơn nữa, việc ASEAN duy trì mối liên kết vững chắc với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nằm ngay sát cửa ngõ của họ, là điều hoàn toàn tự nhiên," Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang từ Việt ISEAS – Yusof Ishak (Singapore) trả lời BBC Tiếng Trung.
 
Khi thời gian để đạt thỏa thuận với Tổng thống Trump không còn nhiều, các quốc gia "Trung Quốc+1" gấp rút tìm cách để nước mình có mức thuế quan thấp nhất có thể. Bởi đối với các nền kinh tế mà có xuất khẩu, FDI là động lực chính - thì từng điểm phần trăm so với những đối thủ cạnh tranh đều mang ý nghĩa sống còn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến