Đại án Phúc Sơn:
Doanh nhân Hậu 'Pháo' hối lộ 132 tỷ cho những
lãnh đạo nào?
Năm cựu bí thư tỉnh ủy cùng hàng chục quan chức địa phương
bị cáo buộc đã nhận 132 tỷ đồng hối lộ từ ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu
"Pháo"), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.
Ông Hậu bị cáo buộc hối lộ 72,5 tỷ đồng và 2,62 triệu USD (tổng 132 tỷ đồng)
cho nhóm bị can là quan chức cấp lãnh đạo ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng
Ngãi và đưa tiền cho một số người khác, theo kết luận của Cục Cảnh sát điều tra
tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) hôm 17/3.
C03 cáo buộc bằng cách chi tiền thao túng lãnh đạo đứng đầu tỉnh, doanh
nhân thường được gọi là đại gia Hậu "Pháo" này đã thâu tóm các gói thầu
từ Bắc vào Nam để trục lợi, thu lợi hơn 963 tỷ đồng.
Sự thao túng này đưa năm cựu bí thư tỉnh ủy vướng lao lý gồm: bà Hoàng Thị
Thúy Lan và ông Phạm Văn Vọng - đều là cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Ngô Đức
Vượng và ông Nguyễn Doãn Khánh - cùng là cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; và ông Lê
Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Tính đến nay, tổng cộng có 41 người đã bị đề nghị truy tố về các tội nhận
hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án
liên quan đến Phúc Sơn.
Ngoài mức độ nghiêm trọng, đại án Phúc Sơn còn được dư luận quan tâm vì
có những nhận định cho rằng có mối dây liên kết giữa vụ việc và sự kiện Chủ tịch
nước Võ Văn Thưởng bị cho thôi chức hồi tháng 3/2024.
Theo cáo buộc, một số sai phạm của tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi xảy
ra thời ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh này từ năm 2011 tới năm 2014.
Đường đi của 132 tỷ hối lộ
Cơ quan điều tra kết luận rằng ông Hậu "Pháo" đã đưa hối lộ cho
hàng chục lãnh đạo, cựu lãnh đạo tại năm địa phương, trong đó hành vi này được
thực hiện ở bốn địa phương để được "ưu ái" trúng thầu, triển khai thực
hiện các dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng ở Vĩnh Phúc,
Phú Thọ, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.
Trong vụ án này, Vĩnh Phúc có nhiều cán bộ bị đề nghị truy tố nhất với 15
người, bao gồm hai cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và Phạm Văn Vọng; cựu
Phó bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành
và Phùng Quang Hùng.
Trong đó, bà Lan và ông Thành bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất, lần lượt
47,9 tỷ đồng và 49,8 tỷ đồng.
Vào tháng Ba năm ngoái, bà Hoàng Thị Thúy Lan đã bị Ban chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam khai trừ đảng, bị Quốc hội miễn nhiệm tư cách đại
biểu.
Khai trừ là mức kỷ luật nặng nhất trong thang bốn mức kỷ luật của Đảng,
theo thứ tự từ nhẹ đến nặng là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
C03 cho biết từ năm 2014, ông Hậu đã thiết lập quan hệ với bà Lan và ông
Thành. Sau các cuộc gặp, cả hai cựu lãnh đạo này đã "gật đầu" đồng ý
cho Công ty Phúc Sơn được tham gia dự án chợ đầu mối (quy mô 188ha đất).
Từ đó, dự án này đã được điều chỉnh kéo dài tiến độ thực hiện, không phải
qua đấu giá quyền sử dụng đất. Thêm vào đó, quá trình định giá đất cũng được giảm
từ hơn 708 tỷ đồng, xuống còn hơn 507 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá thị
trường.
Để "cảm ơn", ông Hậu đã nhiều lần trực tiếp hối lộ các lãnh đạo
tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Hậu khai rằng, vào tháng 3/2021, khi bà Lan nói "Chị có việc,
chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu Mỹ" và giơ ngón trỏ của bàn tay phải lên,
trong ngày hôm đó, đại gia bất động sản liền chuẩn bị 1 triệu USD để mang đến
nhà hối lộ nữ lãnh đạo.
Bà Lan bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng và 1 triệu USD, nhưng bà khai
chỉ được ông Hậu đưa tổng số tiền 10 tỷ và 500.000 USD.
Cùng với bà Lan, ông Lê Duy Thành, cựu chủ tịch tỉnh, bị cáo buộc nhận hối
lộ số tiền 1,3 triệu USD và 20 tỷ đồng - tổng cộng 49,8 tỷ.
Một số cựu lãnh đạo Vĩnh Phúc khác cũng bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền lớn
từ ông Hậu, trong đó có ông Phạm Hoàng Anh, cựu Phó bí thư Tỉnh ủy, nhận gần 6
tỷ đồng và hơn 500.000 USD; ông Nguyễn Văn Khước, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh,
Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, nhận hối lộ 3 tỷ đồng và
20.000 USD; và ông Chu Quốc Hải, cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
nhận hối lộ 20.000 USD và 100 triệu đồng.
Ngoài ra, chủ tịch Phúc Sơn còn bán đất với giá "ưu đãi" cho một
số cựu lãnh đạo, sau đó những người này tiếp tục bán đi để được hưởng tiền
chênh lệch hàng tỷ đồng.
Cũng với cách thức trên, tại tỉnh Phú Thọ, đại gia Hậu "Pháo"
đã gặp ông Ngô Đức Vượng, lúc bấy giờ là bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, và ông Nguyễn
Doãn Khánh, lúc đó là chủ tịch và về sau là bí thư, để nhờ tạo điều kiện cho
tham gia hai gói thầu liên quan khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Sau khi "tạo điều kiện" để Tập đoàn Phúc Sơn trúng các gói thầu
thi công trị giá hàng trăm tỷ đồng, ông Vượng được "cảm ơn" vào các dịp
lễ tết, dịp đầu năm với tổng số tiền 500 triệu đồng, trong khi ông Khánh nhận
được 1,5 tỷ đồng.
Sau "tỉnh nhà" Vĩnh Phúc, quê của ông Nguyễn Văn Hậu và nơi Tập
đoàn Phúc Sơn đóng trụ sở, Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều cán bộ lãnh đạo bị liên
lụy nhiều thứ hai trong đại án này.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, C03 cáo buộc Tập đoàn Phúc Sơn đã được tạo điều kiện
tham gia các dự án đầu tư xây dựng đường bờ Nam sông Trà Khúc và dự án cải tạo,
nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh này, gây thiệt hại hơn 105 tỷ đồng cho nhà nước.
Hàng loạt quan chức của tỉnh này đã bị khởi tố về tội "nhận hối lộ".
Ông Đặng Văn Minh, cựu Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cựu Chủ tịch UBND
tỉnh Quảng Ngãi, bị cáo buộc nhận 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD; ông Cao Khoa, cựu
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bị cáo buộc nhận 6 tỷ đồng và 20.000 USD và ông
Lê Viết Chữ, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bị cáo buộc nhận 6 tỷ đồng.
'Lãnh đạo cấp trên'
Việc lật lại các dự án đã triển khai từ lâu (có công trình từ năm 2012) tại
Quảng Ngãi có thể có những ngụ ý sâu xa hơn, theo một nhà quan sát am tường
tình hình chính trị-xã hội của Việt Nam chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào đầu
năm 2024, không lâu sau khi vụ án bị Bộ Công an Việt Nam chính thức khởi tố vào
tháng 2/2024.
Theo cáo buộc, một số sai phạm của tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi diễn
ra thời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh này từ năm 2011 tới năm
2014.
Khi ông Võ Văn Thưởng từ chức vào tháng 3/2024, đã có những đồn đoán về sự
liên quan tới ông đối với những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Quảng Ngãi là nơi ông Thưởng từng làm bí thư tỉnh ủy. Huyện Mang Thít, tỉnh
Vĩnh Long là quê hương của ông. Trong đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, cựu Bí thư Tỉnh ủy
Hoàng Thị Thúy Lan từng là ủy viên Trung ương Đoàn thời ông Thưởng công tác tại
cơ quan này.
Một số trang tin của chính quyền cấp địa phương hồi cuối tháng 3/2024
cũng có đăng bài viết Đừng thấy 'sóng cả' mà ngã niềm tin, trong đó nêu:
"Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu
rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát
chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh
đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân
dân."
Bài viết này không nêu rõ "một doanh nghiệp" là Phúc Sơn hay
doanh nghiệp nào.
Trong một bài viết trên trang Fulcrum xuất bản vào tháng 3/2024, nhà
nghiên cứu, phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS (Singapore) đã trích
dẫn "các nguồn không chính thức nhưng đáng tin cậy" rằng một người
thân ông Thưởng đã nhận 60 tỷ đồng từ Tập đoàn Phúc Sơn để xây nhà thờ tổ từ thời
ông Thưởng còn làm bí thư Quảng Ngãi.
BBC chưa thể xác minh độc lập thông tin này, nhưng những công bố của cơ
quan điều tra cho thấy có một quan chức cấp huyện ở tỉnh Vĩnh Long từng nhận số
tiền lớn của Phúc Sơn.
Tại Vĩnh Long, ông Đặng Trung Hoành - cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang
Thít - là người duy nhất bị cáo buộc tội danh "Lợi dụng ảnh hưởng với người
có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" trong vụ án Phúc Sơn.
Ông Hoành bị cáo buộc nhận 75,6 tỷ đồng từ ông Hậu để hỗ trợ kinh phí cho
địa phương và mua đất cho "lãnh đạo cấp trên".
Theo kết luận điều tra, năm 2017, trong lần "lãnh đạo cấp trên"
thăm và làm việc với Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, có ông Hoành và ông Hậu
đi cùng. Tại buổi gặp mặt, ông Hậu đề nghị hỗ trợ kinh phí để giúp địa phương
xây dựng hạ tầng nông thôn, an sinh xã hội trong khi ngân sách chưa đáp ứng.
Qua đó, ông Hậu thống nhất kinh phí tài trợ cho Mang Thít không chuyển
cho tổ chức mà chọn một người có trách nhiệm và uy tín để tham mưu, báo cáo với
Ban Thường vụ Huyện ủy.
Ông Hậu còn yêu cầu không công bố, công khai danh tính của mình, không
yêu cầu chứng từ thanh, quyết toán các nguồn tài trợ chuyển vào, còn ông Hoành
được chọn làm đầu mối thực hiện nội dung này vì có quan hệ với "lãnh đạo cấp
trên".
Từ năm 2017 đến 2024, ông Hoành nhiều lần đề nghị và được ông Hậu chi tổng
số tiền 75,6 tỷ đồng.
C03 cáo buộc, lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng số tiền trên, ông
Hoành đã được chi tổng 810 triệu đồng trong số tiền trên để "báo cáo về
công sức" của ông Hậu với "lãnh đạo cấp trên". Từ đó "lãnh
đạo cấp trên" ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của ông
Hậu.
'Điển hình của sự thông đồng, móc ngoặc'
Theo C03, đại án Phúc Sơn là vụ án điển hình cho việc nhà thầu thi công
thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư dự án để được tiết lộ cung cấp thông tin,
dự toán gói thầu.
Chủ đầu tư dự án tiết lộ thông tin, dự toán gói thầu cho doanh nghiệp có
cơ hội trúng thầu với giá rất cao, sát bằng giá dự toán gói thầu.
Kể từ khi vụ án chính thức được khởi tố vào tháng 2/2024, Bộ Công an thường
xuyên cập nhật thông tin về tiến độ điều tra, và khi vừa hoàn tất kết luận điều
tra, truyền thông Việt Nam đã tốn nhiều giấy mực để đưa thông tin cụ thể và chi
tiết về từng vụ nhận hối lộ của từng cựu lãnh đạo.
Theo dư luận, đây là một vụ án hiếm hoi được cung cấp thông tin đầy đủ và
chi tiết về các quan chức nhận hối lộ.
Tập đoàn Phúc Sơn có xuất phát điểm là một công ty xây dựng nhỏ được
thành lập vào năm 2004 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến năm 2009, Tập đoàn Phúc Sơn ra đời, có trụ sở chính ở huyện Vĩnh Tường,
tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.
Thời gian đầu quy mô công ty ở mức vừa phải, hoạt động ở cấp huyện về xây
lắp. Nhưng từ năm 2015 công ty này bắt đầu nhận nhiều công trình từ Bắc vào
Nam.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Văn Hậu là người duy nhất bị cáo buộc ba tội:
Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định
về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, C03 đề nghị viện kiểm sát, tòa án đánh giá và xem xét các tình
tiết giảm nhẹ khi ông chủ tập đoàn Phúc Sơn "thành khẩn khai báo, ăn năn hối
cải, tích cực hợp tác, chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ, tố giác hành vi nhận
hối lộ giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án".
Ông Hậu cũng được ghi nhận có nhiều hoạt động an sinh xã hội, phụng dưỡng
Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ người nghèo, và gia đình có công với cách mạng.
Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, các cựu lãnh đạo như cựu Chủ tịch Vĩnh
Phúc Lê Duy Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, cùng cựu
Phó bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa, cựu
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn
Minh cùng gần 20 người đã "thành khẩn, tích cực hợp tác, tự nguyện nộp lại
tiền khắc phục hậu quả"...
Nhận xét
Đăng nhận xét