Tái sinh là gì và Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo sẽ được chọn như
thế nào?
Đạt Lai Lạt Ma 14 đã tuyên bố người kế vị mình sẽ được sinh
ra bên ngoài Trung Quốc, bất chấp Bắc Kinh một mực khẳng định rằng người được
xác định là hóa thân của Lạt Ma phải được tìm thấy trong nước.
"Vì mục đích của sự tái sinh là để tiếp tục công việc của người tiền
nhiệm, nên Đức Đạt Lai Lạt Ma mới sẽ được sinh ra ở thế giới tự do," vị
lãnh đạo của Phật giáo Tây Tạng viết trong cuốn sách mới nhất của ông.
Tuy nhiên, Đạt Lai Lạt Ma không chỉ là một nhân vật tâm linh mà còn là một
nhân vật chính trị, và chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng họ phải phê duyệt tất
cả các sự tái sinh của các Lạt Ma (người giảng dạy giáo pháp) Phật giáo cấp
cao, bao gồm cả Đạt Lai Lạt Ma.
Vậy thì luân hồi diễn ra như thế nào trong Phật giáo Tây Tạng và Đạt Lai
Lạt Ma tiếp theo - người thứ mười lăm giữ vai trò này - sẽ được lựa chọn như thế
nào?
Đạt Lai Lạt Ma là ai?
Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, là khuôn mặt nổi
tiếng nhất của Phật giáo Tây Tạng và là hiện thân của vị thánh bảo trợ của Tây
Tạng, được gọi là Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) hoặc Chenrezig.
Danh hiệu tôn kính này có nghĩa là "đạo sư với trí tuệ như biển cả
". Đây là vai trò đã được truyền qua sự tái sinh trong nhiều thế kỷ.
Các phật tử tin rằng khi một người chết đi, họ sẽ được tái sinh một lần nữa.
Người ta tái sinh thành gì phụ thuộc vào hành động của họ trong kiếp trước (gọi
là kamma - nghiệp hoặc karma - nghiệp chướng - một khái niệm quan trọng trong
Phật giáo, Ấn Độ giáo và đạo Sikh).
Người Tây Tạng tin rằng những người đã đạt được trạng thái tâm linh cao
nhất - như Đạt Lai Lạt Ma - có thể quyết định họ sẽ tái sinh khi nào và ở đâu.
Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, Tenzin Gyatso, sinh ngày 6/7/1935 trong một gia
đình nông dân nghèo ở đông bắc Tây Tạng. Khi mới hai tuổi, ông đã được công nhận
là sự tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, Thubten Gyatso.
"Người Tây Tạng tin rằng linh hồn của Đức Đạt Lai Lạt Ma được tái
sinh mãi mãi. Chúng tôi tin rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại là sự tái sinh của
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13," Tiến sĩ Thupten Jinpa nói với BBC.
Tiến sĩ Jinpa là một cựu tu sĩ đã đạt được trình độ học vấn cao nhất
trong Phật giáo Tây Tạng. Ông là phiên dịch viên chính thức của Đạt Lai Lạt Ma
14 kể từ năm 1985.
Ông cho biết mặc dù truyền thống tin rằng tất cả các Đạt Lai Lạt Ma đều
là sự tiếp nối của một người duy nhất, nhưng người đương nhiệm dường như không
hiểu điều này theo nghĩa đen.
"Tôi đã nghe Đức Ngài nói trong một vài dịp rằng ngài không nhất thiết
tin rằng cả 14 người đều là cùng một người," Tiến sĩ Jinpa cho biết.
"Nhưng tất cả những người trong dòng dõi đó sẽ có một mối liên kết đặc biệt
với dòng dõi của các Đức Đạt Lai Lạt Ma."
Phật giáo ra đời trước Kitô giáo, nhưng thể chế Đạt Lai Lạt Ma lại xuất
hiện sau.
"Mặc dù Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên (theo cách nhìn nhận sau này) được
công nhận là ngài Gedundrup, sinh năm 1391, nhưng ý tưởng về một người giảng dạy
Phật giáo tái sinh, người sẽ thừa kế tài sản và các học trò của người tiền nhiệm,
đã có từ lâu hơn thế, ít nhất là ba trăm năm trước đó," Giáo sư Martin A
Mills, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Himalaya tại Đại học Aberdeen, Scotland,
cho biết.
"Hiện nay có hàng trăm dòng dõi lạt ma tái sinh như vậy, trong đó Đạt
Lai Lạt Ma là người nổi tiếng nhất," ông Mills nói thêm.
Đạt Lai Lạt Ma được chọn như thế nào?
"Quy trình chọn ra Đức Đạt Lai Lạt Ma rất nghiêm ngặt, phức tạp và
công phu," Tiến sĩ Jinpa giải thích, ngay sau khi gặp Đạt Lai Lạt Ma 14 tại
Dharamshala, Ấn Độ.
"Các Đức Đạt Lai Lạt Ma đến từ nhiều gia đình khác nhau và không ai
trong số họ từng có quan hệ họ hàng gần," Tiến sĩ Jinpa nói thêm.
Có thể mất nhiều năm để xác định được người kế nhiệm - trong trường hợp Đạt
Lai Lạt Ma 14 là bốn năm.
Các nhà sư cấp cao bắt đầu tìm kiếm một cậu bé sinh ra cùng thời điểm với
cái chết của Đạt Lai Lạt Ma trước đó, quá trình tìm kiếm được hướng dẫn bởi một
số manh mối tiềm năng.
Một trong những nhà sư có thể nhận được những gợi ý liên quan đến danh
tính của cậu bé trong giấc mơ, hướng khói từ giàn hỏa táng của Đạt Lai Lạt Ma
trước được coi là dấu hiệu cho biết nơi có thể xảy ra sự tái sinh, và cũng có một
hồ nước thiêng ở miền trung Tây Tạng có thể cung cấp những gợi ý cho cuộc tìm
kiếm.
Ngôi nhà và ngôi làng của Tenzin Gyatso đã được xác định trong một hình ảnh
từ hồ nước này.
Sau khi xác định được vị trí của cậu bé, đứa trẻ được đưa cho rất nhiều đồ
vật. Nếu cậu bé nhận diện được đồ vật nào là của Đạt Lai Lạt Ma trước, đó sẽ là
một dấu hiệu tốt về sự tái sinh.
Sau khi các Lạt Ma cấp cao hài lòng, cậu bé sẽ được lựa chọn và trải qua
nhiều năm đào tạo tôn giáo và nghiên cứu thần học.
Một số lựa chọn trước đây đã gây tranh cãi và làm dấy lên sự hoài nghi
trong và ngoài Tây Tạng.
"Sự tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên ban đầu không được các nhà
chức trách tu viện trong chính tu viện của ngài tại Tashilhunpo công nhận cách
đây hơn 500 năm. Đạt Lai Lạt Ma thứ năm (theo lời thừa nhận của chính ngài
trong nhật ký) đã không vượt qua các bài kiểm tra là một phần của quá trình
công nhận," Giáo sư Mills kể lại.
Chỉ có hai Đạt Lai Lạt Ma từng được sinh ra bên ngoài Tây Tạng: một người
ở Mông Cổ và một người ở Tawang, đông bắc Ấn Độ.
Đạt Lai Lạt Ma hiện tại đã hứa sẽ làm rõ hơn về lần tái sinh tiếp theo
khi ông bước sang tuổi 90 vào tháng 7/2025.
Kiểm soát của Trung Quốc
Trung Quốc tố cáo Đạt Lai Lạt Ma 14 là một người lưu vong chính trị tham
gia vào các hoạt động ly khai chống Bắc Kinh dưới vỏ bọc tôn giáo.
Trung Quốc đã quy định vào năm 2007 rằng Đạt Lai Lạt Ma mới - một
"Phật sống tái sinh" như các các phật tử gọi ông - phải thực hiện
"thủ tục xin phép và phê duyệt".
Năm 1950, Trung Quốc đã điều hàng ngàn lính đến để thực thi yêu sách chủ
quyền đối với Tây Tạng, và sau một cuộc nổi dậy chống Trung Quốc bất thành, Đạt
Lai Lạt Ma 14 đã chạy trốn vào năm 1959 để thành lập một chính phủ lưu vong ở Ấn
Độ.
Không có quốc gia nào tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng,
nhưng trong nhiều thập niên, Đạt Lai Lạt Ma 14 đã trở thành biểu tượng của sự
phản kháng đối với sự cai trị của Bắc Kinh, và Giáo sư Mills tin rằng tầm quan
trọng của Đạt Lai Lạt Ma 14 với tư cách là nhà lãnh đạo được người Tây Tạng chấp
nhận đã tăng lên trong thời kỳ lưu vong.
Mặc dù không giữ bất kỳ vai trò chính thức nào với tư cách là nhà lãnh đạo
Phật giáo Tây Tạng (sau khi từ bỏ quyền lãnh đạo chính phủ lưu vong vào năm
2011), Đạt Lai Lạt Ma 14 vẫn tiếp tục vận động hành lang cho Tây Tạng.Quyết định mới nhất của Đạt Lai Lạt Ma về việc tái sinh bên ngoài Tây Tạng
được coi là phản ứng thực tế đối với các điều kiện trong lãnh thổ do Trung Quốc
kiểm soát.
Nhân vật cao thứ hai của Phật giáo Tây Tạng là Ban Thiền Lạt Ma - một
nhân vật thường đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma tiếp
theo.
Một cậu bé đã được Đạt Lai Lạt Ma 14 bổ nhiệm làm Ban Thiền Lạt Ma vào
năm 1995, nhưng Trung Quốc đã bác bỏ và chọn ứng cử viên của riêng mình. Người
được Đạt Lai Lạt Ma 14 chọn đã biến mất, và cho đến nay vẫn không có thông tin
cậu bé năm đó đang ở đâu.
Có lẽ chính phủ Trung Quốc sẽ công bố Đạt Lai Lạt Ma do họ chọn trong
tương lai, nhưng liệu người Tây Tạng có đi theo người đó không?
"Mọi người sẽ lịch sự vì họ không muốn mất mạng, nhưng họ sẽ không
công nhận Đạt Lai Lạt Ma do chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm," Tiến sĩ Jinpa
nói.
"Trung Quốc có thể kiểm soát người dân về mặt vật chất, nhưng không
thể chiếm được trái tim và khối óc của người Tây Tạng."
Nhận xét
Đăng nhận xét