Nước nhỏ, nước lớn trong Phòng Bầu dục
Hình ảnh có thể tóm tắt màn đấu khẩu nảy lửa ba bên Trump -
Zelensky - Vance là cảnh đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova đưa tay lên đầu
khi cuộc tranh cãi leo thang.
Cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Zelensky hôm 28-2 tại Phòng Bầu dục (Nhà Trắng)
được kỳ vọng sẽ thông qua thỏa thuận khoáng sản, qua đó giúp ngưng tiếng súng Aở
Ukraine trong hơn 3 năm. Tuy nhiên, nó đã kết thúc đầy thất vọng: không có họp
báo chung hay hiệp định nào được ký kết.
Ngoại giao thiếu cân bằng
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã
nói chuyện một cách lịch sự, thậm chí với sự ngưỡng mộ về nhau trong nửa giờ đầu
tiên của cuộc gặp. Tuy nhiên, 10 phút cuối cùng của cuộc họp đã trở thành cuộc
đấu khẩu qua lại đầy căng thẳng giữa ông Trump, Phó tổng thống J.D. Vance và
ông Zelensky.
Trong vòng 10 phút cuối, cuộc gặp đã trở thành một màn khiển trách công
khai khi ông Trump và Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance yêu cầu ông Zelensky thể hiện
sự biết ơn đối với sự hỗ trợ của Mỹ.
Cao điểm của căng thẳng bùng nổ khi nhà lãnh đạo Ukraine đã trực tiếp nói
với ông Trump rằng nếu ông tiếp tục xoa dịu Nga, và chiến tranh sẽ đến với ông.
Ông Zelensky ám chỉ rằng nước Mỹ đã may mắn về địa chính trị vì giáp giới hai đại
dương.
Tuy nhiên, điều này đã gây ra phản ứng dữ dội từ ông Trump. Tổng thống Mỹ
nói một cách gằn giọng: "Đừng nói cho chúng tôi biết chúng tôi sẽ cảm thấy
thế nào. Anh không có quyền nói điều đó".
Ông Trump nói tiếp: "Bây giờ anh không có con bài nào cả". Lời
nói thẳng thừng của nhà lãnh đạo Mỹ với ông Zelensky nhắc nhở chúng ta một sự
thật trần trụi của chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế rằng số phận của
các quốc gia nhỏ yếu không là gì cả trên bàn cờ quốc tế.
Dù cho chúng ta đã bước qua thế kỷ 21, nhưng các quốc gia yếu ớt về mặt sức
mạnh sẽ không có được một vị trí ngang bằng trong các cuộc đàm phán về xung đột.
Luật pháp quốc tế bị vi phạm, nhưng các cường quốc vi phạm không hề hấn gì.
Hơn 2.500 năm trước, sử gia Hy Lạp Thucydides có một câu bất hủ: "Kẻ
mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ
phải chấp nhận". Câu nói này vẫn còn đúng tới ngày nay.
Ông Trump cũng như ông Vance đã liên tục nhắc nhở ông Zelensky rằng ông
không có gì cả để mà thương lượng. Cuộc gặp ở Phòng Bầu dục rõ ràng cho thấy cuộc
đấu ngoại giao thiếu cân bằng giữa một nước nhỏ và nước lớn.
Khó khăn, cảm xúc, căng thẳng
Cuộc gặp Trump - Zelensky cũng cho chúng ta thấy nhiều điều về cuộc đàm
phán giữa Mỹ và Ukraine đã diễn ra như thế nào: đầy khó khăn, đầy cảm xúc và
căng thẳng.
Cuộc tranh cãi kéo dài 10 phút tại Phòng Bầu dục đã vượt xa mọi rạn nứt
ngoại giao thông thường và ra khỏi phạm vi cho phép mâu thuẫn giữa hai nhà lãnh
đạo quốc gia có thể được thể hiện công khai trước truyền thông.
Cách nhìn tư duy của hai nhà lãnh đạo về gói thỏa thuận khoáng sản Mỹ -
Ukraine cũng hoàn toàn khác nhau, nên sự đổ vỡ là điều dễ hiểu. Ukraine muốn sử
dụng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào mà nhiều quốc gia để mắt tới để kêu gọi
quốc gia đồng minh hỗ trợ.
Ông Zelensky đã nói rõ rằng ông muốn đảm bảo an ninh là một phần của thỏa
thuận. Tuy nhiên, ông Trump cho biết chỉ sẽ xem xét an ninh trong tương lai cho
Ukraine sau này. Cái mà ông Trump muốn chỉ là cố gắng đòi lại số tiền mà chính
quyền tiền nhiệm Joe Biden đã viện trợ cho Ukraine.
Ban đầu Mỹ đã yêu cầu Ukraine chia sẻ 500 tỉ USD đất hiếm và các khoáng sản
khác để đổi lấy viện trợ mà nước này đã cung cấp cho Kiev. Mỹ muốn thoát khỏi lệ
thuộc vào Trung Quốc, quốc gia thống trị thị trường đất hiếm, trong bối cảnh
căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang rơi vào các vòng xoáy mới.
Do đó, cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Zelensky tại Phòng Bầu dục
ngày 28-2 có thể chưa đánh dấu sự kết thúc của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và
Ukraine. Đây có thể chỉ là "lá bài" mà ông Trump muốn sử dụng để có
thể ép Ukraine chấp nhận các điều khoản trong thỏa thuận để sớm ngừng bắn.
Cuộc đấu khẩu Trump - Zelensky - Vance hôm 28-2 đã cho thấy triển vọng mờ
mịt về một giải pháp hòa bình cho Ukraine. Khi an ninh của Ukraine được xếp xuống
vị trí số 2 sau lợi ích kinh tế của chính quyền Trump, châu Âu đã nhận thức được
vai trò lớn hơn mà họ có thể sẽ phải đảm nhận.
Do đó, thời điểm này cũng mang tính quyết định một kỷ nguyên chiến tranh
và hòa bình ở châu Âu khi lục địa già phải tiếp tục đảm bảo Ukraine có thể tiếp
tục tự vệ trong cuộc xung đột với Nga.
Cũng trong ngày 28-2, các nhà lãnh đạo châu Âu và NATO đã nhắc lại sự ủng
hộ của họ đối với Ukraine trong các tuyên bố trên mạng xã hội.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh
Kaja Kallas viết trên X: "Ngày nay, rõ ràng thế giới tự do cần một nhà
lãnh đạo mới. Việc chấp nhận thử thách này tùy thuộc vào chúng ta, những người
châu Âu".
Có thể nói chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ được
ghi nhớ không phải nội dung của nó, mà vì nó nhắc nhở cho mọi người về tương
quan nước nhỏ - nước lớn và số phận của các quốc gia nhỏ trên bàn cờ quốc tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét