Hồi hộp với thuế của ông Trump
Một loạt động thái mới từ chính sách áp thuế của Mỹ và
chính quyền ông Donald Trump cùng các biện pháp trả đũa thương mại của các nước
khiến các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam đứng trước những rủi ro, thách thức mới.
Đây là những lo ngại được đưa ra tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại
của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được Bộ Công Thương tổ chức ngày
4-3.
Theo các chuyên gia và đại diện các hiệp hội ngành hàng, không chỉ đối diện
với rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, hàng Việt cũng sẽ chịu sức ép cạnh tranh
ngay tại thị trường nội địa khi hàng ngoại tràn vào khai thác thị trường mới.
Chi phí vận chuyển tăng, nguy cơ bị áp thuế
Là ngành chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế, ông Đinh Quốc Thái -
tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho hay trong ngắn hạn thép Việt Nam
vẫn có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ nhưng lợi thế này nhanh chóng mất đi vì các quyết
định điều tra phòng vệ thương mại khi các nhà sản xuất thép đang đối diện với
nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.
Về dài hạn, khi các nước lớn sản xuất thép bị áp thuế và điều tra phòng vệ
thương mại sẽ khiến các nước đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường tiêu thụ trong đó
có Việt Nam. Trong thực tế, do thép Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nên đã đẩy lượng lớn
hàng hóa của nước này vào Việt Nam, tạo sự cạnh tranh gay gắt cho thị trường nội
địa.
"Bối cảnh dư thừa công suất toàn cầu, các nước gia tăng biện pháp bảo
hộ khiến thép Việt Nam gặp khó trong thị trường nội địa và xuất khẩu. Chưa kể,
việc Mỹ điều tra các doanh nghiệp logistics và đội tàu Trung Quốc sẽ khiến gia
tăng chi phí, tăng giá vận tải do không thuê tàu của Trung Quốc" - ông
Thái nói.
Trong khi đó, ông Ngô Sỹ Hoài - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ
và lâm sản Việt Nam - cho biết xuất khẩu vào Mỹ là đồ mộc, nội ngoại thất tức
là sản phẩm đã qua chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Tuy vậy doanh nghiệp
vẫn rất băn khoăn, lo lắng, thậm chí là thấp thỏm trước sắc lệnh áp thuế, điều
tra của Mỹ với các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ nói chung và mặt hàng gỗ nói
riêng.
Theo tính toán, nếu áp thuế đối ứng vào tổng kim ngạch hàng hóa của Việt
Nam xuất khẩu vào Mỹ là vô cùng lớn, sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam không thể
trụ được vì biên độ lợi nhuận ngành gỗ không thể đủ bù đắp chi phí tăng thuế.
"Trong khi đó sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất chiếm 38 - 40% tổng kim
ngạch nhập khẩu của Mỹ nên nếu áp thuế sẽ thiệt hại rất lớn", ông Hoài bày
tỏ lo ngại.
Kiểm soát chặt xuất xứ, hạn chế nguy cơ bị áp thuế
Với ngành sản xuất chế biến chế tạo, bà Trương Thị Chí Bình - phó chủ tịch
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - cho hay nhu cầu nhập khẩu linh kiện
của Việt Nam vào Mỹ đang tăng cao. Cùng với đó doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư
vào Việt Nam rất nhiều.
Vì vậy lượng đơn hàng tăng có thể làm cho tăng trưởng xuất khẩu của ngành
trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Đây là tín hiệu tích cực nhưng nếu tăng trưởng
nhanh có thể dẫn tới nguy cơ bị áp thuế. Vì vậy bà Bình mong muốn có chính sách
về xuất xứ cho sản phẩm sản xuất, hàng hóa trong nước được chi tiết, kỹ lưỡng
hơn để tránh được các nguy cơ áp thuế.
Tham tán thương mại - trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc
Nông Đức Lai cho rằng việc hàng xuất khẩu Trung Quốc bị đánh thuế thêm 10% sẽ
tác động rất lớn đến nền kinh tế và thương mại Việt Nam. Bởi đây đều là những đối
tác thương mại quan trọng hàng đầu, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu
lớn thứ hai của Việt Nam.
Theo ông Lai, khi bị hạn chế sang Mỹ và các nước EU, hàng hóa Trung Quốc
sẽ phải tìm thị trường thay thế, trong đó có thể có Việt Nam. Điều này tạo ra sức
ép cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa nội địa. Cùng với đó, áp lực lên tỉ giá
đồng nhân dân tệ bắt buộc Trung Quốc phải có động thái điều chỉnh để hỗ trợ cho
xuất khẩu.
Nước này khi chuyển hướng ra thị trường khác sẽ sản xuất hàng hóa tiêu
chuẩn thấp hơn và tranh giành đơn hàng với các nước, tác động tới xuất khẩu của
chúng ta. Tuy vậy ông Lai kỳ vọng Việt Nam có thể tiếp tục đón nhận làn sóng dịch
chuyển đầu tư.
Doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng và trở thành trung
tâm sản xuất. Làn sóng này sẽ góp phần tạo việc làm và nâng cao trình độ tay
nghề. "Trung Quốc kích thích tiêu dùng trong nước sẽ giúp tăng nhu cầu nhập
khẩu, mở thêm cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường sâu rộng
hơn", ông Lai nói.
Phải nâng chất sản phẩm xuất khẩu
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định
sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tận dụng tối đa cơ hội thị trường, nâng
cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên với diễn biến thị trường, các địa phương, hiệp hội và doanh
nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu hỗ trợ thị trường, đề xuất giải
pháp kịp thời với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khi phát sinh khó
khăn, vướng mắc.
"Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng chuỗi cung ứng
bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng tốt hơn các
yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế", bà Thắng khuyến cáo.
Trung Quốc, Canada áp thuế trả đũa Mỹ
Khoảng 12h ngày 4-3 (giờ Việt Nam), mức thuế quan bổ sung 10% lên hàng
hóa Trung Quốc mà ông Trump trước đó tuyên bố đã chính thức có hiệu lực, nâng tổng
mức thuế nhập khẩu bổ sung mà Washington áp đặt lên hàng hóa của Bắc Kinh chạm
mức 20%.
Ngay sau đó, Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan trả đũa Mỹ, với mức tăng
thuế nhập khẩu 10-15% đối với một loạt sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của
Washington. Theo thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh từ ngày 10-3
sẽ áp thêm 15% thuế đối với thịt gà, lúa mì, ngô và bông nhập khẩu từ Mỹ, cũng
như tăng thuế thêm 10% đối với đậu nành, cao lương, thịt heo, thịt bò, sản phẩm
thủy sản, trái cây, rau và sữa.
Trước đó ngày 3-3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã ra thông báo
trả đũa thuế quan của Mỹ qua việc áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu
trị giá 155 tỉ đô la Canada (107 tỉ USD) của Washington, trong bối cảnh hàng
hóa Canada bị áp mức thuế 25% nhập khẩu vào Mỹ.
Cụ thể, Ottawa sẽ áp thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 30 tỉ đô la
Canada của Mỹ bắt đầu từ ngày 4-3, trong khi mức thuế đối với số hàng hóa trị
giá 125 tỉ đô la Canada còn lại sẽ có hiệu lực sau 21 ngày. Những sản phẩm bị
Canada áp thuế bao gồm nước cam, bơ lạc, rượu vang, bia, cà phê, đồ gia dụng,
quần áo, giày dép, xe máy, mỹ phẩm, bột gỗ, giấy...
Nhận xét
Đăng nhận xét