Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ, vài ngày
sau khi Việt Nam công bố đường cơ sở
Chính quyền Trung Quốc cho biết họ đã bắt đầu các cuộc tập
trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ vào hôm 24/2, truyền thông quốc tế đưa tin.
Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo các cuộc tập trận sẽ tập trung
vào khu vực Vịnh Bắc bộ mà gần phía Trung Quốc hơn và sẽ kéo dài đến tối ngày
27/2.
Động thái từ phía Trung Quốc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Việt Nam công bố
đường cơ sở mới đánh dấu những gì nước này coi là lãnh thổ của mình trong vùng
biển giữa hai nước vào ngày 21/2.
Theo đó, đường cơ sở này là căn cứ để xác định ranh giới và phạm vi các
vùng biển của Việt Nam theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển
(UNCLOS) và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm
2000.
Điều này giúp tạo thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ và thực thi quyền chủ quyền,
quyền tài phán của Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế, quản lý biển và thúc đẩy
hợp tác quốc tế.
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản chính thức nào của Việt Nam định
nghĩa chính xác khái niệm đường cơ sở là gì.
Tuy nhiên, theo Luật Biển Việt Nam 1982 và UNCLOS, có thể hiểu rằng đường
cơ sở chính là đường giáp ngoài của nội thủy và là đường giáp trong của lãnh hải.
Đường cơ sở là ranh giới phân tách hai khu vực pháp lý khác nhau trên vùng biển.
"Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc
Bộ được xác định trên cơ sở các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển
1982 (UNCLOS), phù hợp với đặc điểm địa lý và tự nhiên của vịnh Bắc Bộ và không
ảnh hưởng đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành
viên," trích thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng ngày 21/2.
Đến sáng ngày 25/2, Việt Nam vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào đối với các cuộc
tập trận lần này của Trung Quốc.
Trung Quốc và Việt Nam từ lâu đã có một thỏa thuận hàng hải điều chỉnh Vịnh
Bắc Bộ, nhưng đang vướng vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gần đó đối với quần
đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các vùng biển khác.
Vào cuối tháng 9/2024, lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn
áp, đánh bị thương và tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg
95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) "trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam", theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 3/2024, Trung Quốc đã công bố đường cơ sở của mình ở
Vịnh Bắc Bộ. Đáp lại, Việt Nam nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế và quyền lợi của
các quốc gia khác phải được tôn trọng.
"Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân
định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh
Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc và UNCLOS 1982," người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói vào thời điểm đó.
Vịnh Bắc Bộ nằm ngoài khơi bờ biển Bắc Bộ của Việt Nam và Nam Trung Quốc.
Năm 2004, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận vạch ra ranh giới
lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ.
Cả hai bên đều coi thỏa thuận này là công bằng. Tuy thế, các xung đột
trên Biển Đông vẫn xảy ra giữa hai nước do vẫn còn mơ hồ về ranh giới ở khu vực
bên ngoài cửa vịnh.
Đường cơ sở là một vấn đề nhạy cảm ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Việt Nam
và các quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Malaysia, Brunei và Đài
Loan, có những yêu sách chồng chéo.
Phản ứng từ các nước trong khu vực
Việc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc trong những ngày gần đây đã khiến
các nước khác trong khu vực lên tiếng.
Vào hôm 22/2, Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật tại vùng biển quốc
tế giữa Úc và New Zealand.
Người đứng đầu cơ quan kiểm soát không lưu Úc phát biểu trước ủy ban quốc
hội rằng 49 chuyến bay đã bị buộc phải thay đổi lộ trình sau khi một phi công của
hãng máy bay Virgin Australia đã cảnh báo giới chức Úc về một cuộc diễn tập bắn
đạn thật của tàu hải quân Trung Quốc ở Biển Tasman, hãng thông tấn Reuters đưa
tin ngày 25/2.
Các hãng hàng không, bao gồm Qantas, Emirates, Air New Zealand và Virgin
Australia đã điều chỉnh lộ trình bay vào thứ Sáu 21/2 sau khi Trung Quốc cảnh
báo về cuộc diễn tập.
Trước đó, các nhà lãnh đạo Úc và New Zealand phàn nàn rằng Trung Quốc
đáng lẽ nên đưa ra cảnh báo sớm hơn trước khi hải quân nước này tiến hành một
loạt cuộc tập trận bắn đạn thật bất thường trên vùng biển giữa hai nước, buộc
các chuyến bay vào hôm 21/2 và hôm 22/2 phải chuyển hướng trong thời gian ngắn.
Các nhà lãnh đạo chính trị từ cả hai quốc gia nhấn mạnh rằng Trung Quốc
không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng cho biết họ chỉ được thông báo chỉ
"vài giờ" thay vì 12 đến 24 giờ như thường lệ.
Đáp lại, vào hôm 23/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm
nói rằng những lời phàn nàn này là "thổi phồng" và "không phù hợp
với thực tế".
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng có căng thẳng đặc biệt cao với Manila khi cả
hai thường xảy ra va chạm trên Biển Đông.
Gần đây nhất, hôm 18/2, một trực thăng hải quân Trung Quốc đã bay trong
phạm vi khoảng 3 mét với một máy bay tuần tra của Philippines trên Biển Đông, gần
Bãi cạn Scarborough đang xảy ra tranh chấp gay gắt giữa hai nước.
Chiếc trực thăng bay quá gần đã khiến phi công phải nói qua radio:
"Các bạn bay quá gần, rất nguy hiểm,'' theo lực lượng tuần duyên
Philippines.
Chính phủ Philippines tại thời điểm đó cho biết họ sẽ nộp đơn phản đối
chính thức về vụ việc này.
Nhận xét
Đăng nhận xét