Nhà báo Huy Đức:
Không một người tự do nào lại chọn nhà tù
Nhà báo Trương Huy San hầu toà hôm nay, 27/2, với cáo buộc
'lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ Luật hình sự.
Trong phiên xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 27/2, Tòa án nhân
dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Trương Huy San, được biết đến với bút
danh Huy Đức, 30 tháng tù về tội 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi
ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân'.
Ông Trương Huy San, thường được biết đến với bút danh Huy Đức, bị bắt giữ
hồi tháng 6/2024.
Theo cáo trạng được giới truyền thông Việt Nam đăng tải, từ năm
2015-2024, ông Trương Huy San đã đăng 13 bài viết trên trang Facebook cá nhân với
nội dung bị cho là "xâm phạm lợi ích của Nhà nước".
Chính quyền Việt Nam không nêu bất cứ nội dung nào của các bài viết bị
coi là vi phạm pháp luật này.
Cáo trạng cũng nêu rằng ông San "nhận thức được nội dung 13 bài viết
này có gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một
số tổ chức, cá nhân, nhưng không có ý đồ chống Đảng, chống Nhà nước".
Ông Trương Huy San, với bút danh Huy Đức, từng là nhà báo của Báo Tuổi Trẻ
vào cuối những năm 1980 và những năm 1990, chuyên đưa tin nội chính.
Năm 2005, ông nhận được Học bổng Hubert H. Humphrey để học tại Đại học
Maryland ở Hoa Kỳ.
Trở về Việt Nam vào năm 2006, ông tiếp tục viết báo và bắt đầu viết blog,
trong đó có nhiều bài bình luận xã luận về các vấn đề xã hội và chính trị nóng
bỏng.
Năm 2009, báo Sài Gòn Tiếp Thị đăng bài có tựa đề "Chị Hai Thủ tướng"
của tác giả Huy Đức, viết về "một người thân của đương kim Thủ tướng cũng
đã bị áp giải ra khỏi hiện trường' khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình
Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây để làm
khu công nghiệp (KCN)".
Thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Chính quyền Việt Nam đã đóng cửa blog của ông năm 2010.
Năm 2012, nhà báo Huy Đức đã dành một năm tại Đại học Harvard theo Học bổng
Nieman. Trong thời gian đó ông đã viết tác phẩm có ảnh hưởng nhất của mình, Bên
Thắng Cuộc, được coi là cuốn sách phi hư cấu quan trọng nhất về lịch sử và
chính trị Việt Nam hậu chiến tranh.
Cuốn sách này, với hai tập gồm "Giải phóng" và "Quyền
Bính", chưa từng được bán công khai ở Việt Nam.
Ông đồng thời tiếp tục viết về các vấn đề xã hội và chính trị của Việt
Nam, bao gồm nạn phá rừng và các vấn đề môi trường khác.
Ông cũng là một trong những người khởi xướng chương trình Nhịp cầu Hoàng
Sa vào năm 2014 nhằm tri ân tới gia đình các tử sỹ Hoàng Sa thời Việt Nam Cộng
hòa.
Đến năm 2021, ông phát động dự án "Góp một cây để có rừng" nhằm
khôi phục rừng đầu nguồn ở các tỉnh miền Trung.
Với khoảng 370.000 người theo dõi trên Facebook, nhà báo Huy Đức được coi
là một trong những nhà bình luận chính trị Việt Nam có ảnh hưởng nhất trên nền
tảng này.
Trước khi bị bắt, ông đã đăng bài về những nguy hiểm do tập trung quyền lực
vào Bộ Công an Việt Nam, mà ông Tô Lâm, hiện là Tổng bí thư ĐCSVN, từng lãnh đạo.
Trong số các bài viết trên Facebook của ông, một bài mà ông gọi là
"Những suy nghĩ không rời rạc" vào ngày 28/5 bình luận về các vấn đề
pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn
Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư ĐCSVN, là "một bước lùi về chính trị".
Điều 331 'mơ hồ', 'bịt miệng người chỉ trích chính phủ'
Nhà báo Huy Đức sẽ bị xét xử theo Điều 331 Bộ Luật hình sự Việt Nam năm
2015, sửa đổi năm 2017 - một điều khoản đã từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của
nhiều luật sư và các trí thức trong nước.
Có hai đối tượng chính được nêu trong điều 331 Bộ Luật hình sự.
Thứ nhất, người lợi dụng các quyền tự do ngôn luận; tự do báo chí, tự do
tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội; và các quyền tự do dân chủ khác
xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mức
phạt cho tội danh này là từ cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm;
hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Thứ hai, là người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an
toàn xã hội, mức phạt tù từ hai đến bảy năm.
Năm 2022, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đã đồng soạn
thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015,
trong đó có Điều 331.
Là một trong những người ký tên và tham gia soạn thảo kiến nghị, luật sư
Lê Quốc Quân, nói với BBC News Tiếng Việt thời điểm đó:
"Tôi đã không hài lòng với ba điều luật đó từ lâu (Điều 109, 117 và
331) nhưng càng trở nên bức xúc hơn trong giai đoạn gần đây khi số người bị bắt
nhiều hơn và mức án được tuyên ngày càng nặng hơn. Lương tâm tôi thôi thúc việc
ký tên."
Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội từng nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn
trước đây rằng "Điều 331 vốn phát triển từ điều 258 bộ Luật Hình sự cũ.
Tôi đã tham gia nhiều vụ án tương tự như thế này, tôi biết rằng những yếu tố cấu
thành nên tội này rất mơ hồ."
Theo luật sư Tuấn, "với các tội phạm liên quan đến kinh tế thì còn
đo đếm được qua mức thiệt hại từ hành vi mà bị can, bị cáo gây ra, Còn những
trường hợp bị cáo buộc "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" thì gần như
không đo đếm được mà chỉ đưa ra nhận định chủ yếu dựa trên cảm quan cá nhân.
"Phải xem là ta đã dân chủ đến mức độ nào rồi, và việc lợi dụng quyền
này cụ thể là như thế nào," luật sư Tuấn nói.
"Đa số những người bị bắt với cáo buộc vi phạm điều 331 và một số điều
khác liên quan đến an ninh quốc gia, thực tế chỉ do việc họ 'gõ bàn phím', chứ
không có hành vi nào thực sự gây nguy hại cho an ninh quốc gia như cáo buộc của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền," vẫn theo luật sư Tuấn.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Kensington, California, năm 2013, ông Huy Đức
nói rằng "không một người tự do nào lại chọn nhà tù. Nhưng trong một số
trường hợp, để bảo vệ quyền tự do, không thể tránh được nhà tù. Nếu mọi người đều
tránh tù tội, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được tự do."
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng Điều 331 là điều khoản được
chính phủ Việt Nam tăng cường sử dụng "để bịt miệng những người chỉ trích
chính phủ."
"Chính phủ Việt Nam nên ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông
Huy Đức, trả tự do cho ông và tất cả những người bị truy tố vì bày tỏ quan điểm
chính trị một cách ôn hòa," thông cáo báo chí của HRW hôm 25/2 nêu.
Trước đó, các tổ chức nhân quyền như Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, Văn bút Hoa Kỳ
cũng đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức.
Dự án 88, một nhóm đa quốc gia giám sát nhân quyền ở Việt Nam bình luận vụ
bắt giữ nhà báo Huy Đức "thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền
tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào các
nhà cải cách".
Tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 đối với Việt Nam tại trụ
sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5/2024, bà Kelly Billingsley,
phó đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã bày tỏ sự
quan ngại về việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật hình sự đối với những
người bày tỏ quan điểm ôn hòa.
Trong các khuyến nghị với Việt Nam, bà Kelly Billingsley đề xuất sửa đổi
các Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự "để bảo vệ quyền tự do ngôn luận,
hội họp ôn hòa và tôn giáo, tín ngưỡng", cũng như tăng cường bảo vệ quyền
tự do lập hội bằng cách cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động mà không
phải chịu gánh nặng pháp lý quá mức.
Ông Simon Manley, đại diện thường trú của Vương Quốc Anh tại LHQ, cũng
khuyến nghị Việt Nam "thực hiện các biện pháp bảo đảm và bảo vệ quyền tự
do ngôn luận, lập hội và tôn giáo" thông qua việc sửa đổi Điều 117 và Điều
331 Bộ luật Hình sự.
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Điều 331 đã rất "rõ
ràng", "thể hiện được quyền bình đẳng, dân chủ, có tác dụng thúc đẩy
sự phát triển sáng tạo của xã hội". Tuy nhiên, trong một bài viết do các
trang chính thức của công an đăng năm 2023, chính quyền thừa nhận rằng các vụ xử
theo Điều 331 hàng năm là "rất thấp" "do tính chất nhạy cảm".
Bị khởi tố, bắt tạm giam trong cùng một vụ án với nhà báo Huy Đức là luật
sư Trần Đình Triển - người đã bị tuyên ba năm tù hôm 10/1 với cáo buộc 'lợi dụng
quyền tự do dân chủ' theo Điều 331.
Tòa án cáo buộc ông Triển đã viết và đăng trên trang Facebook cá nhân của
mình một số bài viết "có nội dung không xác thực" gây ảnh hưởng đến
uy tín ngành tòa án và cá nhân chánh án tòa tối cao.
Tại toà, ông Triển cùng một số luật sư có ý kiến cho rằng việc ông soạn
thảo, đăng tải các bài viết trên trang Facebook cá nhân là thực hiện quyền tự
do ngôn luận và "không vi phạm pháp luật".
Hội đồng xét xử khi đó thừa nhận quyền tự do ngôn luận là quyền được Hiến
pháp và pháp luật công nhận, nhưng nói rằng công dân khi thực hiện quyền này
"phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được lợi dụng để xâm phạm
đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác".
Tuy nhiên, như thế nào là hành vi "ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự,
an toàn xã hội", thì vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Ông Triển ra toà với 12 luật sư bào chữa, trong khi chỉ có một luật sư
đăng ký bào chữa cho ông Huy Đức.
Luật sư Trần Đình Triển đã kháng cáo bản án sơ thẩm, cho rằng ông không
phạm tội về các bài đăng trên Facebook bình luận về hệ thống tòa án.
Giam giữ nhà báo
Phúc trình toàn cầu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ, công bố hôm 16/1/2025,
xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, với 16
nhà báo hiện đang ngồi tù.
Phúc trình toàn cầu của Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố cùng ngày cho
hay Việt Nam đang giam giữ 170 nhà bất đồng chính kiến.
Trong phần về Việt Nam, HRW nói rằng dưới thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng
Công an, hàng chục người chỉ trích chính phủ đã bị bỏ tù, xã hội dân sự - khi
đó đang trên đà phát triển - bị bóp nghẹt.
Tình hình "đáng lo ngại" này xảy ra khi Việt Nam là thành viên
của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và tái ứng cử nhiệm kỳ
mới 2026-2028.
Ông Ben Swanton, Giám đốc Dự án 88 - một tổ chức phi chính phủ chuyên về
vận động nhân quyền cho Việt Nam - nhận định rằng "bắt đầu từ năm 2016,
sau một thời gian tương đối cởi mở, Việt Nam lại tiếp tục đàn áp những người bất
đồng chính kiến."
Mới đây, chính quyền Việt Nam đã ban hành Nghị định 147/2024 về quản lý,
cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ 25/12/2024,
đã mở rộng quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam trên không gian mạng.
Cùng với Nghị định 147, ĐCSVN còn tăng cường bộ máy kiểm duyệt với một loạt
các nghị quyết và chỉ thị nhằm hạn chế phát ngôn chính trị trong lĩnh vực kỹ
thuật số, theo phân tích của Dự án 88.
Các luật giúp thiết lập bộ máy kiểm duyệt này bao gồm Luật An ninh mạng,
Luật Báo chí, Luật Công nghệ thông tin và Luật Viễn thông, cũng như nhiều nghị
định hướng dẫn thực hiện các luật trên.
Chính quyền Việt Nam đã sử dụng một loạt các biện pháp trừng phạt hình sự
đối với quyền tự do ngôn luận của cá nhân, bao gồm giam giữ, bỏ tù.
Theo Dự án 88, các biện pháp trừng phạt hình sự đối với phát ngôn về
chính trị cung cấp cho chính phủ cơ sở pháp lý để quấy rối và bỏ tù những người
bất đồng chính kiến, đồng thời khuyến khích mọi người tự kiểm duyệt.
"Trong cuộc đàn áp hiện nay, chính phủ chủ yếu buộc tội những người
lên tiếng bất đồng chính kiến theo Điều 117, 155, 156, 200 và 331 của Bộ luật
Hình sự," Dự án 88 chỉ ra trong báo cáo mới công bố về làn sóng đàn áp tự
do biểu đạt mới của chính quyền Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét