TỪ ĐIỂN CHÍNH TA VIẾT SAI DO CHƯA CÓ QUY ĐỊNH HAY CẨU THẢ?


TỪ ĐIỂN CHÍNH TA VIẾT SAI
DO CHƯA CÓ QUY ĐỊNH HAY CẨU THẢ?
Từ điển chính tả tiếng Việt do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên. Ảnh: NXB cung cấp.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, một người cẩn thận, nghiêm túc khi viết phải tuân theo các chuẩn chính tả hiện hành, chứ không phải viết theo cách mình cho là đúng.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước những thông tin cuốn sách "Từ điển chính tả tiếng Việt" do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên và thạc sĩ Hà Quế Hương (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in ấn và phát hành) xuất hiện nhiều lỗi sai chính tả.

Chính tác giả cuốn sách đã lên tiếng giải thích về cách viết như vậy là có chủ đích. Đồng thời, họ cho rằng hiện nay, chưa có quy định nào về chuẩn chính tả do Nhà nước ban hành.
Phản biện lại lời giải thích, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu ngôn ngữ học đặt câu hỏi: “Lỗi sai chính tả là do chưa có chuẩn quy định hay do cẩu thả?”.

Tiếng Việt có chuẩn chính tả không?

Trước hết phải thấy rằng khác với phát âm có sự khác biệt về vùng miền, nói đến chính tả là phải có chuẩn thống nhất cho toàn quốc. Vậy tiếng Việt có chuẩn chính tả không? Theo tôi là có.

Chuẩn chính tả tiếng Việt thể hiện trước hết ở hệ thống chữ Quốc ngữ (bao gồm các chữ cái ghi âm, dấu thanh, dấu câu...) trải qua quá trình phát triển hiện nay đã được xác lập khá ổn định, thể hiện qua sách giáo khoa phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12).

Qua các từ điển tiếng Việt được biên soạn hoặc thẩm định bởi các nhà khoa học hoặc cơ quan chuyên môn có uy tín (ví dụ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Từ điển chính tả của tác giả Hoàng Phê), qua các văn bản quy định của các cơ quan nhà nước có thầm quyền (ví dụ các quy định về cách viết hoa tên riêng, cách phiên âm từ ngữ nước ngoài...), qua các trang web tra cứu từ ngữ tiếng Việt và Hán Việt có uy tín.

Mặc dù chưa thể nói là hoàn toàn đầy đủ, nhưng chỉ cần học, tuân theo các hướng dẫn, quy định và công cụ tra cứu ấy đảm bảo người viết vẫn có thể viết đúng chuẩn chính tả Việt.
Một người cẩn thận, nghiêm túc khi viết phải tuân theo các chuẩn chính tả hiện hành chứ không phải viết theo cách mà mình cho là đúng.

Chẳng hạn, một người miền Bắc có thể nói tr- thành ch- (con trâu> con châu), s- thành x- (sâu sắc > xâu xắc)..., khi viết các từ trên vẫn phải viết là s chứ không phải là x. Tương tự, một người miền Nam nói v- thành z- (vì vậy > zì zậy), -t thành -k/c (đôi mắt >đôi mắc), khi viết vẫn phải viết -t.

Để viết đúng chính tả trong những trường hợp này, nếu không biết chắc chắn, không có cách nào khác là hỏi người biết rõ hơn hoặc phải tra cứu các từ điển, sách giáo khoa hoặc văn bản tin cậy.

Không hỏi han, tra cứu cẩn thận, cứ viết cẩu thả rồi cho rằng chưa có chuẩn chính tả... là cách nói nguỵ biện.

Chính tả có biến thể không?

Là một hệ thống có tính quy ước nên tính chuẩn mực của chính tả cũng có những thay đổi theo thời gian hoặc do thói quen hoặc theo quy định, và chính tả tiếng Việt vì vậy cũng có biến thể.

Loại biến thể thứ nhất nảy sinh theo một thói quen phát âm khác với biến thể gốc nhưng cũng phổ biến và được chấp nhận như biến thể gốc ở những mức độ khác nhau (ví dụ trời- giời, trăng - giăng, sứ mạng- sứ mệnh...).

Loại biến thể thứ hai nảy sinh do những quy định về chính tả bị thay đổi không đồng bộ về phạm vi sử dụng như trường hợp i/y trong tiếng Việt, dẫn đến tồn tại 2 cách viết khác nhau cùng được chấp nhận trong xã hội, ví dụ: lý luận - lí luận, kỷ luật - kỉ luật).

Tuy nhiên, khác với các trường hợp sai chính tả do viết theo cách phát âm ở trên, các biến thể này được ghi nhận trong các từ điển theo nhiều cách khác nhau (hoặc đưa cả hai biến thể vào cùng một mục từ như "sứ mạng - sứ mệnh" hoặc đưa mỗi biến thể vào một mục từ và dẫn chiếu sang nhau như "trời - giời", "lý luận - lí luận": xem Từ điển tiếng Việt 2000).

Vì vậy, không nên nhầm lẫn các trường hợp có hai biến thể khả chấp như 'trời - giời', 'trăng - giăng", sứ mạng - sứ mệnh" với các trường hợp sai chính tả như "con trâu > con châu", "sâu sắc > xâu xắc", "gieo rắc > reo rắc”...

Tất nhiên, trong số các cách viết sai chính tả theo phát âm, có những trường hợp dần dần sẽ phổ biến để trở thành các biến thể khả chấp, nhưng chừng nào nó chưa được ghi nhận chính thức trong các từ điển chính thức và sách báo chuẩn mực thì chưa thể coi nó là một biến thể chính tả khả chấp.

Cuối cùng, để minh hoạ cho việc viết lách cẩu thả, một số bài báo hiện nay viết về lỗi chính tả, nhưng đến cái tên riêng của một cơ quan nhà nước là Đại học Quốc gia Hà Nội cũng viết sai thành Đại Học Quốc Gia Hà Nội, lặp đi lặp lại nhiều lần.

Theo các quy định về viết hoa tên riêng tiếng Việt từ trước đến nay (Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt 140/QĐ của Bộ Giáo dục, ban hành ngày 5/3/1984; Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT về chính tả trong chương trình SGK phổ thông, ban hành ngày 25/52018; Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Bộ Nội vụ về công tác văn thư, ban hành ngày 5/3/2020) thì tên tiếng Việt của một cơ quan nhà nước không bao giờ viết hoa tất cả các chữ cái đầu âm tiết như thế cả.

Một ví dụ cho thấy, cứ nói rằng không có quy định, nhưng có quy định rồi lại không chịu tham khảo, tra cứu mà viết theo cách mình nghĩ là đúng để mắc lỗi, là góp phần làm rối chính tả và làm phiền người đọc.

SOHA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến