Từ “TRÁT” đến “LÁT”


Từ “TRÁT” đến “LÁT”
Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên, bản 2008, giảng trát là “[cũ] lệnh bằng văn bản của quan lại truyền xuống cho dân, cho cấp dưới”, với thí dụ: lính cầm trát về làng bắt phu.

Thực ra cho đến giữa thập niên 1950, tại Sài Gòn, người ta vẫn xài trát để dịch từ mandat của tiếng Pháp. Mà cái nét nghĩa “lệnh bằng văn bản” cũng chưa cụ thể vì trát lại là chính “tờ giấy ghi cái lệnh đó”.

Trát là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [], có nghĩa gốc là “cổ đại tả tự dụng đích tiểu nhi bạc đích mộc phiến” (miếng gỗ nhỏ mà mỏng thời xưa dùng để viết chữ [lên trên]), như đã cho trong Hiện đại Hán ngữ từ điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992, nghĩa 1). Rồi về sau, nó mới có nghĩa phái sinh là “thượng quan hành ư thuộc lại chi công độc” (công văn quan trên sức xuống cho cấp dưới), như đã cho trong Từ hải, bản cũ (nghĩa 3). Cái nghĩa của từ trát trong tiếng Việt chính là phái sinh từ cái nghĩa phái sinh này của từ trát [] trong tiếng Hán, mà âm Bắc Kinh là zhá, ghi theo pinyin.

Trong tiếng Việt, trát có một điệp thức là lát, mà từ điển Vietlex giảng là “miếng mỏng được thái hoặc cắt ra” (nghĩa 1), như trong lát bánh mì, tương đương với tiếng Anh slice of bread và tiếng Pháp tranche de pain. Với từ lát, ta có các cấu trúc như lát chanh, lát gừng, cắt lát, thái lát, xắt lát, máy thái lát..., nhưng có lẽ sẽ là chuyện hơi lạ vì thời gian cũng bị cắt/thái/xắt…

Vâng, đúng như thế, vì nếu không phải như thế thì tiếng Việt làm gì có những danh ngữ đẳng lập như chốc lát, giây lát, và những lối nói như lát nữa tôi sẽ đi, chờ tôi một lát, thậm chí câu đáp đùa mấy lát cũng chờ… Sở dĩ có sự chuyển nghĩa từ lát chanh, lát bánh mì sang lát “thời gian” thì chỉ đơn giản là vì thời gian cũng được quan niệm như một vật cụ thể, một súc gỗ chẳng hạn, được cưa, được cắt ra thành từng khoanh nhỏ, từng tấm mỏng...

Tương quan phụ âm đầu TR ↔ L giữa trát và lát không phải là duy nhất trong tiếng Việt, vì ngoài trường hợp này, ta còn có:

- trá [], giả dối ↔ lá trong lèo lá;
- trang [,] trong thôn trang ↔ làng trong xóm làng;
- tránh [], vùng vẫy để thoát khỏi ↔ lánh trong xa lánh;
- trạo [], khua, vẫy, lay động ↔ lạo trong lục lạo;
- trân/trăn[], tới, đến ↔ lân trong lân la;...

Và thú vị là trường hợp của lòng đỏ, lòng trắng (trứng) và tròng trắng, tròng đen (con mắt). Cái mà ngoài Bắc gọi là lòng đỏ, lòng trắng của trứng gà, trứng vịt, thì trong Nam kêu là tròng đỏ, tròng trắng. Lòng và tròng là những điệp thức. Nếu tách riêng ra thì lòng có nghĩa gốc là “ruột” (lòng lợn theo cái nghĩa thật chặt chẽ thì chỉ là ruột lợn) và nghĩa rộng là “cả bộ ruột” (Huình - Tinh Paulus Của). Lòng và tròng là những điệp thức gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [] mà âm Hán Việt hiện hành là trường và có nghĩa là “ruột”. Vậy ta có biểu thức:

Lòng ↔ tròng ← []trường.

Cuối cùng thì có nhiều trường hợp về tương quan ƯƠNG ↔ ONG nhưng ở đây, để “làm mẫu”, chỉ xin nêu chữ vong [], vốn đọc là vương vì thiết âm của nó trong Quảng vận là vũ phương thiết [武方切]. V[ũ] + [ph]ương = vương.

AN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến