QUAN CHỨC THAM NHŨNG ĐANG NGỤY TRANG KHÉO LÉO NHƯ THẾ NÀO


QUAN CHỨC THAM NHŨNG
ĐANG NGỤY TRANG KHÉO LÉO
NHƯ THẾ NÀO

Gần đây nhiều vụ đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử công khai với hàng loạt tội phạm từng là những cán bộ quyền cao chức trọng từ bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh/ thành và khá nhiều tướng lĩnh quân đội, công an, chuyên viên cao cấp… mà bắt nguồn lại từ những vụ án “nhỏ nhặt”của một gã nhôm kính, một gã mì ăn liền, một ả mắt xanh mỏ đỏ… được dân chúng gọi với cái tên lóng rất kêu kiểu như “gã buôn vua, ả buôn  đất, buôn quan…” thét ra tiền, ra đất, ra dự án cực khủng…

Mới đây chuyện hai vị cựu bộ trưởng bộ “4T” (Thông tin & Truyền thông) cùng một loạt cán bộ đã nhận hối lộ hàng triệu USD để Mobiphon  mua lại Truyền hình AVG với giá  hơn 8.000 tỷ đồng, cao hơn giá trị thực đến mười lần, đã bị phơi bày mọi trò gian dối. Điều đáng nói là hai vị bộ trưởng này vốn rất thích cao giọng dạy dỗ các nhà báo phải liêm khiết, trong sạch. Nhiều người nghĩ bộ ấy nhiều chữ mà ít tiền, không giàu như các bộ khác, vậy mà họ lại “bị lộ” sớm nhất, đau nhất và đã phải ngoan ngoãn nhận tội. Dư luận trong nước và thế giới đánh giá cao những nỗ lực điều tra xử lý vụ án này vì nó kéo dài khá lâu, và AVG đã chuyển trả lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt, các cán bộ cũng đã nộp gần đủ số tiền nhận hối lộ (trừ một cựu bộ trưởng mới nộp 500 triệu VNĐ, trong khi nhận số tiền tương đương 3 triệu USD nói là cho con, nhưng con lại nói không hề nhận. Chẳng biết thực giả thế nào…)

Một vụ án khác cũng đáng suy ngẫm, đó là chuyện xẩy ra ở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hơn mười năm trước đã đem tiền quỹ bảo hiểm cho doanh nghiệp vay, làm thất thoát gần 1.700 tỷ đồng mà tổng giám đốc Lê Bạch Hồng vẫn được đề bạt lên thứ trưởng, nay mới đem ra xét xử cùng 5 cán bộ. Theo đại diện Viện Kiểm Nhân dân tại tòa, thì thời kỳ này, để được vay vốn doanh nghiệp phải chi 10%, có lúc 30% mà động cơ vụ lợi vẫn chưa được làm rõ… Quả thật để chứng minh được sự chia chác trong các nhóm lợi ích là rất khó khăn, không ai lại ký nhận tiền hối lộ nên dù thừa biết “họ ăn rất to, rất bẩn”, nhưng tòa chỉ có thể buộc vào tội cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà chẳng thu hồi được đồng tiền nào. Vì thế ở vụ án AVG, sự nhận tội của các bị can, trả lại đủ tiền là một trường hợp được coi là khá đặc biệt. Tuy nhiên không hẳn là bọn họ “biết điều”, mà là cả một quá trình “chạy án” rất bài bản và sự việc đã “động trời” nên phải tìm giải pháp cuối cùng để nhận được sự khoan hồng với những tình tiết giảm nhẹ tội.

Nhân dân hoan nghênh tinh thần kiên trì đấu tranh, điều tra của các cơ quan hành pháp, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương trong chủ trương “chống tham nhũng không có vùng cấm” đã có tác dụng rất lớn. Nhưng tỷ lệ các vụ án đã được xét xử so với thực trạng tình hình tham nhũng của cả nước còn quá ít, và dường như “những đồng chí chưa bị lộ” không hề lo sợ mà còn “rút kinh nghiệm”, tham nhũng kín đáo hơn, “hợp pháp” hơn, che chắn kỹ hơn.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành tài nguyên nhận xét rằng tình trạng tham nhũng đất những năm qua bộc lộ rất nhiều vụ việc nghiêm trọng mà không quy được trách nhiệm cho ai, và rất ít vụ được xét xử, điển hình như vụ Thủ Thiêm ở Tp Hồ Chí Minh, hay vụ Vũ Nhôm ở Đà Nẵng, kéo theo khá nhiều lãnh đạo phải đi tù hay bị kỷ luật, nhưng thất thoát rất lớn chẳng thể thu hồi, còn lòng dân thì vẫn chưa yên. Tỉnh nào cũng có những gã buôn đất, buôn quan lộng hành dưới muôn hình vạn trạng, dân biết hết, nhưng ít ai dám nói… Chính quyền ở đâu mà để cho những gã “tay không bắt đất” nhiều như Công ty Alibaba lừa đảo những 6.400 người ngang nhiên chiếm đoạt trên 2.500 tỷ đồng? Chưa cần phải kê khai tài sản mà chỉ cần bắt buộc tất cả công chức công khai nguồn gốc nhà đất sẽ rõ ngay ai liêm chính. Lương bình quân của công chức nước ta chưa thể đủ nuôi con ăn học đàng hoàng, lấy đâu ra hàng chục tỷ để xây biệt thự, có người còn chia cho con cháu hàng ngàn mét vuông đất, xây lăng mộ, nhà thờ như cung điện của vua chúa…

Một vị tướng an ninh từng trải tâm sự: không thể điều tra hết các vụ tham nhũng nhà đất, dự án, kể cả những dự án đội vốn gấp nhiều lần như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, biết lỗ, không hiệu quả, nhưng vẫn cứ cố làm vì nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và cả vốn nước ngoài… Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc vạch ra rất nhiều sai sót, như đấu thầu không đúng quy định, đội vốn từ 8.769,97 tỷ lên 18.001,59 tỷ = 205,27% không báo cáo Chính phủ để trình Quốc Hội duyệt, chậm thời gian những 4 năm và nhiều sai sót khác rất nghiêm trọng, nhưng cũng chỉ buộc chủ đầu tư thu hồi, nộp ngân sách 91 tỷ đồng và xử lý khác 1.781 tỷ (?) Chưa thấy một vị “đầy tớ nhân dân” nào đứng ra chịu trách nhiệm cho dự án tai tiếng này, và rất nhiều dự án khác chiếm đất của dân, tiêu tiền của dân đã trở thành “tượng đài làm nghèo đất nước”…

Gần đây có hiện tượng một số quan chức “sắp bị lộ” muốn được “hạ cánh an toàn” nên xin nghỉ hưu sớm, xin thôi làm Đại biểu Quốc hội vì sức khỏe kém vv… còn hầu hết các đồng chí “chưa bị lộ” nhờ có ô che, nhờ khéo lo lót thì vẫn cứ ung dung rung đùi nhận phong bao đều đều, chiều chiều tự lái xe đi chơi thể thao, rồi kéo nhau đi nhậu, đi hát karaoke mỏi tay, bàn chuyện phải làm trong sạch bộ máy công quyền nhiệm kỳ mới…

“Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ”! Những vị bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch, tướng lĩnh… vừa phải vào tù đều từng có ô rất to che chở cả đấy, thậm chí còn được “bật đèn xanh” mà nào có thoát được vòng lao lý. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc vận động chính trị lớn đang được triển khai khắp đất nước nhằm loại bỏ những kẻ cơ hội, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Vì thế “các đồng chí chưa bị lộ” nên tự nghiêm túc kiểm điểm lại mình mà từ bỏ những thói hư tật xấu và nếu đủ dũng cảm thì tự thú nộp lại một phần tiền bạc, nhà đất đã tham nhũng để nhận được sự khoan hồng. Xin “các đồng chí chưa bị lộ” học thuộc câu ca dao thời đổi mới này: “Ai ơi, khôn lắm dại nhiều! Hơn nhau cách sống biết điều với dân”…

VÕ KHẮC NGHIÊM


Nhận xét

Bài đăng phổ biến