ĐÂU LÀ HỌ THẬT CỦA “CHÚ HỎA”?



ĐÂU LÀ HỌ THẬT
CỦA “CHÚ HỎA”?

Trong Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển thắc mắc: 'Hui Bon Hoa, tục danh 'Chú Hỏa', mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi 'Ông Hỏa' bao giờ. Sớm nhập tịch Pháp nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời, không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh?'. 
Tuy “không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh” nhưng có người/nguồn đã dám khẳng định tên họ của ông ta là “Hứa Bổn Hòa”. Rồi trên trang Vietnam Bestshare lại xuất hiện bài Gia tộc Hứa Bôn Hỏa 許本華, với danh tánh méo mó thêm của ông ta là “Hứa Bôn Hỏa” và ba chữ Tàu [許本華].

Vậy đâu là tên họ thật của “Chú Hỏa”? Một vài người/nguồn đã cho biết đó là Huỳnh Văn Hoa, chữ Tàu là [黄文華], âm Bắc Kinh ghi theo pinyin là Huáng Wén Huá. Dựa vào những cứ liệu do hậu duệ của “Chú Hỏa” sống tại Paris cung cấp, Chen Bichun cũng khẳng định: “Hui Bon Hoa (Huáng Wén Huá, 黄文華) was born in Xhamen in 1845)” (The True Story of Hui Bon Hoa and “Uncle Hoa’s Mansion” - trang blog “Tây Cống cố sự quán” [西貢故事館]). Trong bài De l’utilité d’un “héros” chinois au Viêt Nam (Moussons, số 26 - 2015), Michel Dolinski cũng cho biết: “ […] à l’âge de 20 ans, Huang Wen Hua migre et arrive à Saigon”.

Cứ như trên thì tên thật của “Chú Hỏa” là Huỳnh Văn Hoa (huỳnh là âm miền Nam của chữ hoàng []). Nhưng chắc chắn nhất phải là những bằng chứng mà bạn Lê Anh Minh (Bình Thạnh, TP.HCM) đã gửi đến chúng tôi. Đó là những tờ biên lai xác nhận người thuê nhà đã đóng tiền tháng cho công ty sở hữu, mà phần en-tête (tức tiêu đề) là [黃文華置業有限公司], tức “Huỳnh Văn Hoa trí nghiệp hữu hạn công ty”, mà ngay bên dưới là dòng tiếng Pháp “Société Immobilière Hui-Bon-Hoa” (Công ty bất động sản Hui-Bon-Hoa) (xem ảnh).

Nhưng tại sao Huỳnh Văn Hoa lại trở thành Hui Bon Hoa? Trong bài Sự thật về Chú Hỏa và 30.000 ngôi nhà ở Sài Gòn (Tuổi Trẻ Online, 26.1.2016), Hồ Tường đã viết: “Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến”. Rồi ở một đoạn sau là: “Như vậy, Hui Bon Hoa là cách phiên âm từ tên gốc Hán theo âm Hạ Môn (Trung Quốc) có ảnh hưởng bởi cách phiên âm của người Anh vào cuối thế kỷ 19”. Cả hai câu này của Hồ Tường đều không đúng. Quê hương của “Chú Hỏa” cách xa tô giới của Anh nên khó “có ảnh hưởng bởi cách phiên âm của người Anh vào cuối thế kỷ 19”; còn Hui Bon Hoa thì lại là hệ quả từ sự “ký âm” của Pháp tại Sài Gòn khi ông ta làm thủ tục để vào quốc tịch Pháp. Mà tên họ của “Chú Hỏa” cũng chẳng phải “được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến”. Trong phương ngữ này, chữ hoàng [] có hai âm là [xuɔŋ] và [uɔŋ] với thanh dương bình (ghi theo Hán ngữ phương âm tự hội (Yuwen Chubanshe [Ngữ văn xuất bản xã], Bắc Kinh, 2003, tr.330), không liên quan xa gần gì với âm hui. Còn chữ văn [] thì đọc là [uŋ], với thanh dương bình (Sđd, tr. 300), cũng không liên quan gì với âm bon.

Vậy do cớ sự nào mà Huỳnh Văn Hoa lại trở thành Hui Bon Hoa? Không có, hoặc chưa thấy, bất cứ lời ghi nhận nào của nhà cầm quyền Pháp về sự trái cựa này. Chúng tôi chỉ có thể sơ bộ suy đoán như sau. Nam kỳ, chủ yếu là Sài Gòn, có 5 bang của người Hoa mà chuyển ngữ (vehicular language) của họ là tiếng Quảng Đông. Sau tiếng Quảng Đông thì, để đối phó, là tiếng Tiều (Triều Châu). Hẳn là nhân viên của Xã Tây (Tòa thị chính [của Tây ở] Sài Gòn) đã căn cứ vào tiếng Triều Châu để phiên âm ba chữ Huỳnh Văn Hoa [黃文華]. Âm Triều Châu của chữ huỳnh [] là [huaŋ] với thanh dương bình (Sđd, tr.330), gần như là âm hoàng của tiếng Việt, mà dân Nam kỳ kiêng kỵ nên đọc thành huỳnh. Tây nghe nhân viên ta nói Huỳnh thì vội ghi thành Hui. Âm Triều Châu của chữ văn [] là [buŋ] với thanh dương bình (Sđd, tr.300), rất gần với âm [bɔ̃] của tính từ bon trong tiếng Pháp. Thế là Văn trở thành Bon. Âm Triều Châu của chữ hoa [] là [hua] với thanh dương bình (Sđd, tr.16) nên được phiên thành Hoa thì chẳng có gì là khó hiểu.

Thế là Huỳnh Văn Hoa đã trở thành Hui Bon Hoa.

AN CHI


Nhận xét

Bài đăng phổ biến