“HẰNG HÀ”, “HÀ SA” VÀ “HẰNG HÀ SA SỐ”


“HẰNG HÀ”, “HÀ SA”
VÀ “HẰNG HÀ SA SỐ”
Hằng Hà

“Từ điển từ láy tiếng Việt”  (Viện ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chù biên) cho rằng “hằng hà” là từ láy, nên đã thu thập và giải nghĩa: “HẰNG HÀ tt. Nhiều đến mức không thể đếm được. “Phố phường kéo đến hằng hà, Đua mang cá thịt rượu trà tiến dâng” (Phạm Công Cúc Hoa)”. 

Thực ra, “Hằng hà” 
恆河, hay “hà sa”   là  một cách nói tắt thành ngữ “Hằng hà sa số” 恆河沙數 (Nhiều như số cát sông Hằng), ý nói rất nhiều, không thể đếm hết: 
          -Hán ngữ đại từ điển giải thích:
1.
“hằng hà: Phạn ngữ. Tên một con sông lớn ở Nam Á, phát nguyên từ Nam sườn núi Hi Mã Lạp Nha (Hymalaya), chảy qua Ấn Độ (India), Mạnh Gia Lạp (Banglades), rồi đổ vào biển cả. Người Ấn Độ xem Hằng Hà là con sông Thánh, sông Phúc. “Kim Cương kinh  Vô vi phúc thắng phần”: “Cát ở sông Hằng Hà đã là nhiều vô số, huống chi số cát của Hằng hà sa số sông Hằng” [恆河梵語南亞 大河發源於 喜馬拉雅山 南坡流經 印度孟加拉國 入海印度 人多視為聖河福水. “金剛經無為福勝分”: “但諸 恆河 尚多無數,何況其沙 – Hằng hà: Phạn ngữ. Nam Á đại hà. Phát nguyên ư Hi Mã Lạp Nha sơn nam ba, lưu kinh Ấn Độ, Mạnh Gia Lạp quốc nhập hải. Ấn Độ đa nhân thị vi Thánh hà, Phúc thuỷ. “Kim Cương kinh  Vô vi phúc thắng phận”: “Đản chư Hằng hà thượng đa vô số, hà huống kỳ sa.”].
2.
“hà sa: Hằng hà sa số.
Phật giáo ví các thế giới nhiều như số cát sông Hằng, nhiều đến mức không thể đếm nổi.” [河沙  沙數佛教以為佛世界如 恒河 沙數多至不可勝數 – hà sa: Hằng hà sa số. Phật giáo dĩ vi thế giới như Hằng hà sa số, đa chí bất khả thắng số].
3.“Hằng hà sa số: Phật giáo ngữ. Hình dung số lượng nhiều đến mức không cách nào đếm xuể. “Kim Cương kinh Vô vi phúc thắng phần”: “lấy bảy loại châu báu (vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, chân châu – HTC) chất đầy Hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, để đem bố thí.” [恆河沙數佛教語形容數量多至無法計算. “金剛經無為福勝分”: “以七寶滿爾所 恆河 沙數三千大千世界以用布施 – Hằng hà sa số: Phật giáo ngữ. Hình dung số lượng đa chí vô pháp kế toán. “Kim Cương kinh  Vô vi phúc thắng phần”: “dĩ thất bảo mãn nễ sở Hằng hà sa số Tam thiên Đại thiên thế giới, dĩ dụng bố thí”].

-“Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex): “hằng hà • 恆河 t. [vch] hằng hà sa số [nói tắt] : “(...) về đêm, trên làn nước của dòng sông quê hương tôi lấp lánh hằng hà những đốm sáng bí ẩn (...)” (Bảo Ninh).

-“Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “hằng-hà • đd. Tên một con sông lớn ở ấn-độ. • tt. Vô số, không đếm được <> Hằng-hà sa số (Số cát ở sông Hằng-hà, không đếm được). || Hằng-hà sao. Tiền-bạc hằng-hà”.

-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “hằng hà • tt. Hằng hà sa số, nói tắt: Phố phường kéo đến hằng hà, Đua mang cá thịt rượu trà tiến dâng (Phạm Công-Cúc Hoa)”. “hằng hà sa số • Rất nhiều, không thể đếm xuể, ví như số cát trên sông Hằng. Đây vốn là câu của nhà Phật, khi thuyết pháp ở vùng lưu vực sông Hằng; nhà Phật thường dùng số cát để chỉ ý niệm vô lượng)”.

Trong tiếng Việt, “hà sa” 河沙 không tồn tại độc lập với tư cách là một từ  như tiếng Hán. Tuy nhiên, “hà sa” vẫn có mặt trong thành ngữ “phúc đẳng hà sa” 福等河沙. Ví dụ: “Cứu được một người phúc đẳng hà sa” (tục ngữ); “Từ đây phúc đẳng hà sa vô cùng” (Quan Âm Thị Kính). Trong khi đó, tiếng Hán không có thành ngữ "Phúc đẳng hà sa", nhưng lại có câu "Hằng hà nhất sa"  恆河一沙 (Một hạt cát ở sông Hằng) để ví với những gì cực kì bé nhỏ, tựa như một hạt cát trong muôn triệu hạt cát ở sông Hằng.

Nhân đây cũng xin lưu ý, “Từ điển tiếng Việt” (bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - Vietlex) có thu thập và giải thích thành ngữ “phúc đẳng hà sa”. Tuy nhiên, sách này chú nhầm chữ “phúc”  trong “phúc đức” thành chữ “phúc”  trong “phúc đáp”, “phúc thư” 復書: “phúc đẳng hà sa • 復等河沙 có phúc lớn, gặp may mắn nhiều đến mức được ví như cát ở sông”.  

Như vậy, “Hằng hà” có nghĩa là “sông Hằng”, một cách nói tắt của thành ngữ gốc Hán “Hằng hà sa số” (Nhiều như số cát sông Hằng), chứ không phải “từ láy”.

HOÀNGTUẤN CÔNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến