TỪ “TỐC KÊ” ĐẾN “MÁT DÂY”

TỪ “TỐC KÊ”
ĐẾN “MÁT DÂY”

“Ở Hà Nội, thời thập niên 80, tôi còn nhớ mãi một từ mà tôi cho rằng đáng được liệt vào hàng xuất sắc là từ “leng keng” - dành để ám chỉ những ai “hâm hấp”.

​​Đó là chi tiết buộc tôi phải dừng lại khi đọc tạp bút Ăn nỗi nhớ (NXB Hội Nhà văn) của Hà Quang Minh.

Cái từ “leng keng” ấy, nó có tính tượng thanh khủng khiếp và sự trừu tượng của nó khiến người ta liên tưởng đến những đầu óc lúc nào cũng ngớ ngẩn ăn nói lung tung, suy nghĩ như thể trong đầu luôn có cái chuông tàu điện”. 

Từ ngữ, cách nói ấy không dừng lại, về sau, nó được thay thế bằng “lái tàu điện”, “đếm lá”… Hà Quang Minh viết tiếp: “Hãy hình dung một người cứ ngơ ngẩn vừa đi vừa ngửa cổ đếm lá trên vòm cây thì bạn đủ hiểu cái sự “hâm hấp” ấy nó rõ ràng ra sao”. 

Những kẻ hâm/hâm hấp/hâm hâm hiểu theo nghĩa gàn dở, khùng khùng, tàng tàng, điên điên ấy, trong Nam lại gọi “mát” (mượn tiếng Pháp “masse”, chỉ bộ phận dẫn điện bị chạm, “có vấn đề”): mát dây điện, chạm điện, chạm mạch.

Ngoài ra còn có một loạt từ khác như: té giếng, chập cheng, dở hơi, dở người, tửng, cà tàng, tẩm, chập chờn… 

Gần đây, giới teen lại “đẻ” ra từ “dở hơi biết bơi/dở hơi ăn cám lợn”! Nghĩa là kẻ ấy rất hâm, hâm “thầy chạy”, hết thuốc chữa. Cũng từ “hâm” ấy, thật bất ngờ khi đọc trên biển báo của ban an toàn giao thông tỉnh nọ: “Xi-nhan không phải là hâm/ Xi-nhan khỏi phải bị đâm vỡ đèn”. 

Đúng là thơ với thẩn!

Thời còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi được mẹ dẫn ra chợ. Khoảng thập niên 60 - 70, ở chợ Cồn (Đà Nẵng) có cà phê Xứng cực kỳ nổi tiếng, bán ngay trong chợ. Bất cứ ai gọi, ngay lập tức có người bưng ly cà phê nóng hổi đến tận nơi.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là anh chàng điên điên khùng khùng, suốt ngày lang thang trong chợ. Anh ta ăn mặc chỉnh tề, áo bỏ trong quần, dù quần áo đã cũ rích, rách nát, bẩn thỉu, cổ đeo cà-vạt.

Đi chân không (chân đất). Tay cầm quyển từ điển dày cộm, đi và đọc, thỉnh thoảng anh ta dừng lại, ngửa mặt nhìn lên trời và nói hàng loạt câu tiếng Pháp. Nghe bảo rằng anh chàng này du học ở Pháp, học rất giỏi nhưng do “ngộ chữ” nên thành kẻ “dở người” (?!).

Trong bài Sống với ca dao, dân ca miền Nam Trung bộ, nhà thơ Xuân Diệu có kể lại một nhân vật ở Quy Nhơn cũng độc đáo không kém: “Ông “Tốc-xi-măng” dở khờ dở dại, thích mặc một cái áo ka ki màu vàng như áo người đưa thư hay áo của người giữ ghi xe lửa.

Mặc quần Tây, đi giày rách, cầm một cái ba-tong, đội một cái mũ như mũ các thầy ký hỏa xa đi trên tàu; ông “Tốc-xi-măng” thích tự làm những cái lon, những mề dây để đeo; trẻ con cứ chạy theo ông tưởng là ông cai, đội thật”.

Nhà thơ Xuân Diệu sinh năm 1916, lớn lên và đi học ở Quy Nhơn. Ta suy luận, khoảng thời gian đi học phổ thông, rồi tính cách nhân vật được ông miêu tả, rõ ràng “Tốc-xi-măng” là “cựu chiến binh”, bị đưa sang “mẫu quốc” làm “bia đỡ đạn” lúc Pháp đánh nhau với Đức năm 1918. 

Có thể suy luận thêm, “Tốc-xi-măng” không phải tên thật. “Tốc” ở đây cũng không phải chỉ tốc độ, mau chóng mà chính là “tốc kê” vay mượn từ toqué trong tiếng Pháp - nhằm chỉ người gàn gàn, hâm hâm.

Lạ cho tiếng Việt, dù mượn tiếng nước ngoài nhưng nếu cần chỉ gọi gọn mỗi từ “tốc”; hoặc cao hứng lên gọi luôn “tốc tốc” - cứ nghe như tên nhân vật trong truyện kiếm hiệp.

Mẫu nhân vật này, nổi tiếng nhất vẫn là Trạch Văn Đoành của nhà văn Nam Cao:

“Suốt một mùa, hắn chỉ mặc một cái ba-đơ-xuy sắc chó gio. Hắn mua hồi đi lính sang Tây. Có bảy mươi quan. Thế mà bền… Cái áo ba-đơ-xuy mất hết cúc rồi. Hắn đơm hai cái dải thật to được bắt giao nhau để thắt lại ở sau lưng. Chặt chẽ và gọn gàng không kém một cái đai”. 

Tiếc là những nhân vật dở hơi, dở ngợm dở người này ít xuất hiện trong văn học Việt Nam.

LÊ MINH QUỐC



Nhận xét

Bài đăng phổ biến