ĐỘC TIỂU THANH KÝ BỊ THẤT NIÊM


ĐỘC TIỂU THANH KÝ
BỊ THẤT NIÊM

Trường hợp bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du với lỗi thất niêm ở câu thứ 7, đúng là Vũ Hoàng Chương có đề xuất một cách sắp xếp lại thứ tự các câu để toàn bài giữ đúng luật thơ thất ngôn bát cú. Ý kiến này từng được công bố vào năm 1968, trên tạp chí Tân Văn. Lập luận của Vũ Hoàng Chương dựa trên cơ sở: nguyên bản bài thơ của Nguyễn Du không còn tìm thấy, các truyền bản hiện có đều là sao chép lại, nên khả năng “tam sao thất bản” là rất cao, ở đây là có thể ai đó đã chép thơ Nguyễn Du lẫn lộn giữa các câu: phá, thừa, thực, luận. Một cơ sở nữa là Vũ Hoàng Chương tin rằng Nguyễn Du rất cẩn trọng, không thể sơ suất đến nỗi làm thơ luật mà để thất niêm. Từ cơ sở đó, Vũ Hoàng Chương đề xuất sắp xếp lại các câu trong bài Độc Tiểu Thanh ký, để bảo đảm cả bài đều tuân thủ niêm luật, như sau:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Tự nhận xét về đề xuất này, Vũ Hoàng Chương đã viết: “Ai cũng nhận thấy câu 7 không còn phạm lỗi thất niêm nữa. Ý thơ cũng chặt chẽ lắm, có phần hơn cả bài mà tôi nghi là đã chép sai thứ tự đi. Thật thế, câu Phá (Độc điếu...) mạnh biết bao! Có vẻ “Khai môn kiến sơn”, như cổ nhân từng nói. Vì lẽ nhan đề bài thơ là Độc Tiểu Thanh ký: nhân “tụng độc” mà nảy ra ý “bằng điếu bên song”. Câu Thừa (Tây Hồ...) chuyển xuống và dẫn tới cặp Thực (Cổ kim...) cũng gắn liền nhau không một khe hở. Chữ “Cổ kim” đặt trông lên cảnh Tây Hồ xưa và nay, nghĩa là thuở sinh thời Tiểu Thanh và lúc Nguyễn Du xúc động hạ bút.

Huống hồ nhan đề là Độc Tiểu Thanh ký, tức là “Đọc cuốn sách ghi chép về cuộc đời nàng Tiểu Thanh”. Những chữ “hận sự”, và “kỳ oan” phải là những chữ đặt vào cặp Thực. Đến như hai câu “Chi phấn...” ta thấy cũng đáng là cặp Luận, và chan chứa u hoài...”.

Nhưng theo chúng tôi, đóng góp lớn của Vũ Hoàng Chương trong cách đề xuất này là ông đã tự dịch bài thơ Độc Tiểu Thanh ký sau khi ông đã sắp xếp lại ra thể thơ lục bát, như sau:

Trước song giấy mực viếng nàng
Hồ Tây vườn cũ: gò hoang bây giờ
Xưa nay trời vẫn làm ngơ
Mối oan thêm một người thơ buộc mình
Hoa tàn lệ rỏ hương thanh
Văn chương phận mỏng chưa đành tro bay!
Rồi ba trăm năm sau đây
Còn ai khóc Tố Như này nữa chăng?

Theo ÁO TRẮNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến