KHI PHÊ BÌNH BÌNH DUNG TỤC NHÂN DANH GIÁO DỤC NHÂN VĂN


KHI PHÊ BÌNH BÌNH DUNG TỤC
NHÂN DANH GIÁO DỤC NHÂN VĂN

 Khoan hãy chửi tác giả bài báo này. Nghiên cứu sinh học nước ngoài đấy!
Nhưng không rõ anh ta thuộc chuyên ngành gì?

Hãy đọc kỹ bài viết của anh ta đã. Anh ta không phải không có lý. Anh ta cho rằng Chí Phèo không đại diện cho giai cấp nào, vô đạo đức, một tên tội phạm nguy hiểm cần phải loại trừ. Và hiển nhiên, vì Chí là nhân vật văn học, cho nên, tốt nhất là loại trừ tác phẩm chứa anh Chí ra khỏi nhà trường, vì… sợ học sinh học tập và làm theo gương Chí Phèo.

Đúng như… cúng ma!

Theo tôi, trong một bài viết như thế này đã thể hiện cả 2 thái cực của phê bình xã hội học dung tục. Điều anh ta phê phán về tính giai cấp (đại diện cho ai?), tính giáo dục – đạo đức (thiện/ ác, tốt/ xấu?) đối với nhân vật Chí Phèo không phải là sai hoàn toàn. Bởi đó là khuynh hướng phê bình xã hội học dung tục đã từng tồn tại trong không ít nhà phê bình trước đây, thậm chí vẫn còn đeo bám dai dẳng trong đầu và trong viết lách của nhiều giáo viên, học sinh hiện nay. Nhưng trong khi phê phán lối phê bình xã hội học dung tục cũ mèm ấy, anh ta lại rơi vào xã hội học dung tục hơn cả dung tục. Anh ta lấy quan điểm chính trị, pháp luật ra để đánh giá, buộc tội nhân vật (nổi loạn, ăn vạ, ăn quỵt, đốt nhà, cưỡng hiếp…) theo giọng điệu công an, công tố và quan tòa; trong khi văn học nghệ thuật thuộc những gì tinh tế, nhân văn nhất vượt qua khỏi giới hạn của chính trị, đạo đức, pháp luật, và vì thế, nó thuộc một tòa án khác: tòa án lương tâm.

Đó là tôi chưa nói, cuộc sống và con người chỉ là chất liệu cho những tổ chức hình thức và tư tưởng nghệ thuật tinh tế và cao hơn chứ không đơn thuần là phản ánh hiện thực thô thiển. Chí Phèo hay các loại nhân vật độc đáo kiểu Chí Phèo trong văn học chỉ là vấn đề nghệ thuật hóa con người trong tính phức tạp, bí ẩn nhất của nó – một khối xung đột có tính phổ quát giữa ý thức và vô thức, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa văn hóa và tự nhiên, giữa con người và bản năng hoang dã… Không phải ngẫu nhiên mà Chí Phèo thành điển hình hóa cho mọi loại người của mọi thời đại và trở thành hình tượng bất hủ.

Buộc tội thô thiển theo cách của anh này, không khéo anh ta hô hào loại trừ luôn cả Truyện Kiều, vì sợ các nữ học sinh học tập và làm theo gương Kiều. Kiều rất dâm, từng ăn cắp chuông vàng khánh bạc, từng quen dần với cuộc sống lầu xanh, đáng bị truy quét và cho vào trại phục hồi nhân phẩm?

Cũng với cách ấy, Jean Valjean trong Những người khốn khổ bị truy đuổi, bị cầm tù là đáng tội, và việc Hugo bênh vực cho con người khốn khổ ấy khác nào cổ vũ cho sự vi phạm pháp luật? Hai thanh niên cướp bánh mì ở Sài Gòn đáng bị tù vì học tập và làm theo gương Jean Valjean?

Và không chỉ có thế. Toàn bộ văn học, từ huyền thoại, sử thi, cổ tích đến các loại văn học, trong đó đặc biệt là văn học cách mạng đều phải bị tống cổ ra khỏi nhà trường vì toàn thấy nhà văn bênh vực cho những kẻ phạm pháp!

Chẳng phải huyền thoại toàn cả tin vào thần linh với những kiến giải phản khoa học? Chẳng phải sử thi toàn ngợi ca chiến tranh giành đất và giành đàn bà của đám đàn ông quyền lực? Chẳng phải cổ tích toàn nói chuyện nhảm nhí về ông Bụt bà Tiên để ru ngủ người nghèo, rằng cứ thật thà và hay khóc nhè thì Bụt Tiên sẽ hiện ra giúp cho?

Và chẳng phải văn học cách mạng toàn cổ vũ đánh nhau, đến mức có thể ghép tội khủng bố hoặc tội chống loài người?

Theo tôi, mỗi thể loại văn học đều có cái lý tồn tại trong tính lịch sử của nó, dù là huyền thoại hay cổ tích, văn học hiện thực phê phán hay văn học cách mạng.

Nhị nguyên luận với cách phân đôi phạm trù Tục/ Thiêng, Thiện/ Ác, Tốt/ Xấu kéo theo phân đôi giai cấp Nông dân/ Địa chủ, Ta/ Địch… một cách cực đoan là cha đẻ của phê bình xã hội học dung tục. Đành rằng sáng tạo, trong những thời điểm lịch sử nhất định, có những đối lập nhị nguyên cực đoan, nhưng phê bình hiện đại không thể duy trì tư duy nhị nguyên như vậy. Bởi nhị nguyên luận buộc phải theo một hệ quy chiếu mà phê bình xã hội học dung tục gọi là lập trường giai cấp, lập trường tư tưởng. Kết quả, nếu đứng về phe Ta đánh giá Ta hoàn toàn tốt thì kẻ bị gọi là Địch cũng có quyền nói ngược lại. Và như vậy, Tốt/ Xấu, Thiện/ Ác tưởng phân định rõ ràng lại càng bất phân.

Nên nhớ, sáng tạo của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… đã vươn đến giải nhị nguyên khi viết về con người với khả tính phức tạp, bí ấn nhất của nó, bất luận là nông dân hay trí thức, cho nên không thể dùng nhị nguyên luận để áp đặt nhân vật tốt hay xấu theo lập trường nào đó được. Càng không thể dùng tiêu chuẩn đạo đức thông thường, chính trị hay pháp luật của thể chế nào đó làm thước đo áp đặt lên nhân vật để đánh giá nghệ thuật.

Thứ văn học nêu gương đã lỗi thời khi nhà văn không là nhà đạo đức và văn học không là công cụ minh họa cho đạo đức của một thời đại.

Phê bình văn học nghệ thuật đến lúc không thể là phê bình xã hội học dung tục nữa. Lối phê bình này chẳng khác công việc của công an, công tố viên hay quan tòa. Tệ hại hơn, nó từng là phê bình kiểm dịch giúp các nhà cầm quyền chuyên chế kiểm duyệt văn chương một cách phản động!

Tôi nghi anh nghiên cứu sinh này thuộc ngành Công an hay ngành Luật, cũng có thể là ngành Tuyên giáo, chứ không thể là nghiên cứu sinh về văn học.

Chu Mộng Long:


Nhận xét

Bài đăng phổ biến