67. Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ BÀI CA CỦA CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
67.
Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ
BÀI CA CỦA CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC

Có được một tác phẩm tiểu thuyết hấp dẫn trong tủ sách gia đình để mọi thành viên mọi lứa tuổi cùng đọc, rồi khi rãnh rỗi lại đem những tình huống bất ngờ, những nhân vật mình yêu thích ra bàn bạc, tranh luận là một điều thú vị. Ỷ thiên Đồ long ký là một tác phẩm như vậy. Đây là một bộ tiểu thuyết tương đối đồ sộ trong sự nghiệp trước tác của Kim Dung.


Kim Dung sinh năm 1942 tại Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn học; ông nội ông làm quan dưới triều vua Quang Tự, là nhà thơ khá nổi tiếng với bộ Hải Ninh sát thị sao thi. Tốt nghiệp Đông Ngô pháp học viện Thượng Hải, năm 1948 ông rời lục địa sang Hongkong làm công tác toà soạn trong tờ Đại công báo. Sau đó ông sáng lập tờ Minh báo và làm báo cho đến tận bây giờ. Trên tờ Minh báo và tờ Nam Dương thương báo ở Singapore, tên tuổi Kim Dung được khẳng định như một nhà văn hiện đại có công khai sáng hệ tiểu thuyết võ hiệp và viết tiểu thuyết võ hiệp hay nhất Trung Hoa. Nhưng phải đợi đến năm 1995, khi ông được chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mời về Đại học Bắc Kinh trao hàm giáo sư danh dự và nói chuyện với hàng chục ngàn nhà nghiên cứu, nhà sư phạm và sinh viên thì tên tuổi và tác phẩm của ông mới được mọi người ở lục địa biết tới và đón nhận.


Ỷ thiên Đồ long ký là bộ tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu nhưng đặc điểm của phương pháp hư cấu ở đây là tác giả lồng câu chuyện trong hoàn cảnh lịch sử Trung Hoa vào cuối Nguyên, đầu Minh. Những con người thật cùng đấu tranh bên cạnh những con người hư cấu; lịch sử được nhìn qua lăng kính văn học khiến tác phẩm vừa thực lại vừa hư, cuốn hút người đọc đi vào thế giới huyền thoại: thế giới của võ lâm Trung Hoa. Và người ta không thể ngừng lại không đọc tiếp nếu “lỡ” đã đọc một vài chương đầu.


Ỷ thiên là tên gọi của một thanh bảo kiếm, chém sắt như chém chuối, trong lòng nó chứa đựng một pho võ công rất bá đạo: bộ Cửu âm chân kinh. Đồ long là tên của thanh bảo đao cũng có tính năng chém sắt như chém chuối, trong lòng nó chứa đựng một bộ binh pháp kỳ diệu: bộ Võ Mục di thư của nhà yêu nước Nhạc Võ Mục (Nhạc Phi) đời Tống. Nhạc Võ Mục đã từng là danh tướng, có công chống quân Kim (Thát Đát - tiền thân của Mãn Châu). Ông bị vua Tống giết hại bởi nghe lời súc siểm của gian thần Tần Cối. Binh pháp của ông còn lại trong Võ Mục di thư một thứ binh pháp thượng thặng nhằm chống xâm lăng cứu nước. Đồ long có nghĩa là giết rồng, mà rồng có nghĩa là vua nhà Nguyên đang cai trị đất nước Trung Hoa. Kèm theo thanh kiếm và lưỡi đao, còn có một bài thơ được truyền tụng:


Võ lâm chí tôn
Bảo đao đồ long
Hiệu lệnh thiên hạ
Mạc cảm bất tòng
Ỷ thiên bất xuất
Thuỳ dữ tranh phong


Do không hiểu chân nghĩa của bài thơ, đặc biệt là câu thứ ba, thứ tư, bọn hào sĩ giang hồ Trung Hoa cứ nghĩ là chiếm được bảo đao Đồ long là có thể trở thành chí tôn, có quyền ra lệnh cho mọi người mà chẳng ai dám không nghe theo. Lòng tin mù quáng đó đã xui khiến các bang hội, môn phái, thế lực chính trị lao vào cuộc chiến đấu giành giật đao Đồ long. Cuối cùng, quần hùng Minh giáo được lưỡi đao và bộ Võ Mục di thư . Trên chùa Thiếu Lâm, giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ đã học chương "Binh quần Ngưu Đầu Sơn" của Nhạc Võ Mục viết trong bộ binh pháp này và ứng dụng để giải vây cho hào sĩ giang hồ Trung Hoa, đánh tan quân Mông Cổ. Trương Vô Kỵ đã long trọng trao binh pháp lại cho thuộc hạ của mình là Từ Đạt - một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Và họ đã làm cuộc khởi nghĩa Hoài Tứ kéo dài 15 năm của Chu Nguyên Chương, Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt, Thang Hoà, Trương Sĩ Thành. Cuộc khởi nghĩa thành công, Chu Nguyên Chương được tôn làm vua, lấy đế hiệu Minh Thái Tổ, mở ra Minh triều, truyền được 13 đời, kéo đài 275 năm (1368 - 1643). Ỷ thiên Đồ long ký là bài ca đẹp về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm. Chính lòng yêu nước đã nối kết những lực lượng kháng Nguyên sãn sàng nép mình dưới ngọn cờ Minh giáo, nghe theo sự điều động của chàng trai Trương Vô Kỵ, cứu trăm họ ra khỏi ách thống trị của người Mông Cổ. Chân nghĩa của bài thơ được truyền tụng là như thế.


Ỷ thiên Đồ long ký là một bài ca đẹp về tình yêu lứa đôi. Đó là tình yêu rực rỡ giữa Hân Tố Tố - con gái của giáo chủ Bạch mi giáo Hân Thiên Chính _với chàng Trương Thuý Sơn, đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong phái Võ Đang. Đó là tình yêu lặng lẽ của Trương Vô Kỵ, gíao chủ Minh giáo Trung Hoa, với cô gái Ba Tư yêu kiều Tiểu Siêu, thánh sứ nữ Bái hoả giáo từ Ba Tư qua. Tiểu Siêu đã đi qua con đường tơ lụa và quay về Ba Tư cũng trên con đường tơ lụa. Họ chia tay nhau, ngậm ngùi đau đớn. Cả tình yêu , cuộc sống và số phận con người được đúc kết trong câu hát:


Lai như lưu thủy hề thệ như phong
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.
(Chợt đến như dòng nước chảy
Rồi tàn như gió qua mau
Chẳng biết từ nơi nào đến
Và chẳng biết về nơi đâu)


Đó đồng thời là tình yêu tươi đẹp giữa Trương Vô Kỵ, chàng trai Hán tộc, lãnh đạo lực lượng kháng Nguyên, với cô gái Triệu Mẫn - quận chúa của triều Nguyên. Tình yêu ấy vượt qua mọi ngăn trở biên giới của chủng tộc, giai cấp, đối kháng chính trị. Tác giả muốn chứng minh một định đề: cái đạo lý chình nhân quân tử có thể cảm hoá và cải tạo những con người tàn bạo. Hân Tố Tố bị gọi là nữ ma đầu; Triệu Mẫn bị gọi là yêu nữ. Thế nhưng trong tinh yêu và do tình yêu cảm hoá, họ trở thành những con người đích thực, biết hướng thiện sửa sai, trở thành những người phụ nữ nhu mì, giàu nữ tính, giàu đức hy sinh. Hân Tố Tố chết theo chồng là Trương Thuý Sơn để giữ vẹn lời nguyền không nói với ai chỗ ẩn cư của Tạ Tốn; Triệu Mẫn sẵn sàng bỏ tước hiệu quận chúa nương nương của Mông Cổ để đi theo chàng trai áo vải Trung Hoa Trương Vô Kỵ. Ngay trong những chương nói về tình yêu, Kim Dung đã chứng tỏ được sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của ông, so với những tác phẩm võ hiệp mà ông từng viết ra trước đó.


Ỷ thiên Đồ long ký là bài ca mênh mông về lòng nhân ái, sự bao dung giữa con người với con người. Lòng nhân ái, sự bao dung đó nằm trong ý nghĩa bài Hoả ca của giáo chúng Minh giáo:


Đốt tàn thân xác ta
Ngọn thánh hoả cháy lên đỏ rực...
Hỷ, Lạc, Sầu, Bi, đều trở về cát bụi
Chỉ thương con người hoạn nạn lắm khi.


Hiểu được lời ca ấy, Trương Vô Kỵ mới hiểu được Minh giáo và nguyện xả thân để cứu quần hùng Minh giáo, tha thứ cho những kẻ thù trong sáu đại môn phái đã bức tử cha mẹ mình, tha thứ cho những kẻ có hành động bức hại mình. Cũng thế, Tạ Tốn đã tha thứ cho Thành Khôn; các nhà sư Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp và quần hùng Trung Hoa đã tha thứ cho Tạ Tốn. Tính nhân bản, nhân văn của tác phẩm hiện ra trong từng chương, từng hồi, từng trang sách. Còn bản thân những kẻ mê muội, không chịu cải hoá thì tự họ rước lấy những hậu quả từ những nguyên nhân mà họ gây ra. Trương Vô Kỵ khi bị thuộc hạ là Chu Nguyên Chương phản bội, anh có thể giết Chu Nguyên Chương chỉ với một ngón tay, nhưng đã không làm điều đó. Anh nghĩ đến trăm họ Hán tộc lầm than đang cần đến một người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, nghĩ đến vai trò của Chu Nguyên Chương đang rất cần thiết cho hàng vạn hàng triệu giáo chúng và quần hùng Trung Hoa. Và anh lặng lẽ ra đi, tha thứ cho Chu Nguyên Chương để Chu yên tâm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoài Tứ đi đến thắng lợi.
Ỷ thiên Đồ long ký là sự hiện thực hoá những nguồn tư duy, tư tưởng vốn mang tính trừu tượng của triết học Đông phương. Ta có thể tìm trong tác phẩm những tư tưởng của Bái hoả giáo (Minh giáo), Phật giáo, Lão Trang, Khổng giáo. Pho Thái cực quyền của Trương Tam Phong sáng tạo giơ hai tay nhẹ nhàng ôm lại như ôm vòng Thái cực, ung dung chậm rãi mà uy mãnh tuyệt luân. Trên Thiên Sơn, Trương Vô Kỵ bẻ một cành mai mùa xuân đầy hoa và nụ để đấu với Chính - Phản Lưỡng nghi kiếm pháp và đao pháp, mà cành mai không rụng một bông, một búp. Cái lặng lẽ của tư duy phương Đông đã được thể hiện ở chỗ vô cùng, vô hạn. Từ núi Côn Lôn trở về Trung Nguyên, Hà Túc Đạo mang hteo cây tiêu vĩ cầm và thanh kiếm. Chàng trung niên văn sĩ ấy đánh đàn kêu gọi bầy chim đến cho chim nghe và nhảy múa theo tiếng đàn, dùng kiếm vẽ bàn vi kỳ và đánh cờ một mình giữa rừng sâu trên đỉnh Thiếu Thất. Cái động và cái tĩnh, cái cơ tâm và cái phóng dật được dung hợp và thể hiện một cách tài tình khi Hà Túc Đạo vừa đấu kiếm vừa vận chỉ công để diễn tấu một đoạn nhạc tình mới sáng tác nhằm biểu lộ tình cảm và lòng mến mộ của mình cho cô bé Quách Tương. Triết học Đông phương, tư duy Đông phương cực kì lãng mạn đã đảy đến bến bờ mênh mông nhất, chỉ cần cảm nhận mà không cần biện biệt.
Truyện võ hiệp không phải là truyện tình báo. Nhưng Ỷ thiên Đồ long ký bao gồm những chương những hồi mà nghệ thuật tình báo được thể hiện với một thủ pháp cao cường: kẻ độc ác Thành Khôn cạo đầu vào chùa Thiếu Lâm giả làm nhà tu với pháp danh Viên Chân âm mưu triệt hạ Minh giáo và hãm hại sáu đại môn phái để chiếm ngôi võ lâm chí tôn; cô gái lai Ba Tư Tiểu Siêu nằm vùng trong nội bộ Minh giáo Trung Hoa để tìm Càn khôn đại nã di tâm pháp; Chu Chỉ Nhược mưu sát Hân Ly và phóng trục Triệu Mẫn để độc chiếm kiếm Ỷ thiên và đao Đồ long... Đó là những chương hồi đặc sắc, bất ngờ, đưa ta vào một thế giới lạ lùng với những tình huống đột biến thú vị và thi vị.


Ỷ thiên Đồ long ký cũng là một tác phẩm tập trung giới thiệu nhiều kiến thức. Đó là kiến thức sử học với cuộc khởi nghĩa kháng Nguyên của người Trung Hoa ở Hoài Tứ, An Huy. Đó là kiến thức địa lý học với những địa danh mà các nhân vật đã đi qua, từ Đại Đô (Bắc Kinh) đến chùa Thiếu Lâm (Hồ Nam), từ biển Đông đến đỉnh Thiên Sơn ngoại Tân Cương, biên giới thiên nhiên giữa Trung Hoa và Kirghizitan. Đó là những kiến thức y học về phương pháp sử dụng thuốc chữa bệnh, phương pháp phóng độc và đầu độc, phương pháp giải phẫu và nối xương, chỉnh hình. Đó là kiến thức về kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật sử dụng dầu đá (dầu thô), kỹ thuật sử dụng chất nổ do quần hùng Minh giáo thực hiện. Đó là các kiến thức về thư pháp học một thứ thư pháp được hình tượng hoá và cụ thể hoá bằng phán quan bút, chưởng pháp, chỉ pháp của võ thuật...


Xét về góc độ kỹ thuật tiểu thuyết, Ỷ thiên Đồ long ký gần như là bộ tiểu thuyết có kết cấu hoàn chỉnh nhất trong những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Tác phẩm mở đầu với đoạn lung khởi khá hấp dẫn, kể chuyện Quách Tương lên chùa Thiếu Lâm, chuyện Hà Túc Đạo gặp Quách Tương, chuyện thầy trò nhà sư Giác Viễn đánh bại Hà Túc Đạo để dẫn tới quá trình hình thành các phái Võ Đang, Nga Mi, Côn Lôn. Thế giới thứ nhất khép lại để mở ra thế giới thứ hai của Trương Thuý Sơn, Hân Tố Tố, Tạ Tốn... Thế giới thứ hai khép lại với cái chết của vợ chồng Trương Thuý Sơn - Hân Tố Tốn để mở ra thế giới thứ ba của Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược, Hân Ly, Triệu Mẫn... Những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa và lịch sử Minh giáo Trung Hoa như Dương Tiêu, Chu Nguyên Chương, Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt, Hàn Sơn Đồng... sống và hoạt động bên cạhh những nhân vật hư cấu như Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn, Tiểu Siêu, Hân Thiên Chính, Chu Chỉ Nhược, Phạm Dao... Tất cả những tố chất trên vừa lãng nạm, vủa hiện thực, nối kết những chương hồi với nhau thành chuỗi dài.
Kim Dung có tài năng đặc biệt khi nâng văn chương tiểu thuyết võ hiệp thông tục lên thành thứ văn chương cung đình sang trọng. Có những chương hồi của ông khiến người đọc cười ha hả như chương đối thoại của Ngũ Tản nhân, nhưng cũng có chương khiến người đọc rơi nước mắt như chương Tiểu Siêu chia tay Vô Kỵ trên biển. Một sợi chỉ nhỏ như tơ, khi ẩn khi hiện nhưng xuyên suốt tác phẩm là câu hát ngậm ngùi: "Lại như lưu thủy hề thệ như phong..."


Tôi đã đọc Ỷ thiên Đồ long ký trên 30 năm, mỗi lần đọc lại cảm thấy có cái gì đó rất mới mẻ, lạ lùng. Đọc đến trang cuối. tôi thở phào khi Trương Vô Kỵ chặt đứt xiềng khoá cho Triệu Mẫn, dẫn cô vượt nhà lao ra đi mà không nghĩ cách trả thù Chu Nguyên Chương theo logic thông thường ở đời. Chàng Trương đi với cô Triệu và anh làm một công việc thú vị, chẳng liên hệ gì tới Ỷ thiên kiếm và Đồ long đao, cũng chẳng liên hệ gì tới võ lâm Trung Hoa: kẻ lông mày cho Triệu Mẫn. Trương Vô Kỵ sống theo cách của nhà thơ Lý Bạch viết trong Hiệp khách hành:


Sự khứ phất y liễu
Thâm tàng thân dữ danh
(Việc xong, rũ áo đi
Giấu ngay thân thế, tiếc gì tiếng tăm)


Ở đời có mấy ai đạt đạo được như vậy? Vô Kỵ - Triệu Mẫn đi về đâu? Tác giả không rõ mà cũng chẳng muốn rõ. Ở một chân trời góc biển nào đấy, khi Chu Nguyên Chương lên ngôi cửu ngũ thì Trương Vô Kỵ lại cầm cây bút của nhan sắc lên và kẻ lại lông mày cho nàng Triệu Mẫn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến