65. KHANG HY

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

65.
KHANG HY

Khang Hy (1654-1722) lên ngôi năm 1662, ở ngôi 60 năm, thọ 68 tuổi, được lịch sử Trung Quốc coi là một vị minh quân dù nhà vua là người xuất thân từ chánh Hoàng kỳ, dân tộc Mãn Châu, bộ tộc Ái Tân Giác La (Aisin Gioro). Đối với người Trung Quốc, ai không thuộc dòng Hán tộc thì bị coi là Di Địch. Khang Hy là Di Địch, trở thành đối tượng của muôn vạn người Trung Quốc là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, 60 năm trị vì của ông là 60 năm thái bình, phát triển rực rỡ. Người Trung Quốc nhận ra được một vua Khang Hy Di Địch tốt hơn gấp bội lần những hôn quân vô đạo của Minh triều Hán tộc. Cái khái niệm trung quân hẹp hòi của các nhà nho, trong đó có sự can thiệp của chủ nghĩa dân tộc cực đoan bị lung lay đến tận gốc rễ. Chỉ có một số nhà nho cỡ Lữ Lưu Lương, Tra Y Hoàng, Trần Cận Nam và tổ chức Thiên Địa hội của Đài Loan mới coi Khang Hy là thù địch. Và họ đã gánh chịu thất bại cùng với phong trào “phản Thanh phục Minh” của họ.


Trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung, ta bắt gặp một ông vua Khang Hy thiếu niên đầy tính trẻ thơ. Cũng giống như bao trẻ thơ khác, nhà vua chán ngán những bữa ăn ngự thiện đầy nghi lễ, có kẻ hầu người hạ bốn bên, có bọn thái giám ân cần phục dịch. Nhà vua chỉ thích được ăn vụng ngay tại ngự trù phòng những món ăn mà mình khoái khẩu như bánh da lợn, bánh chiên… Cũng những thức ăn đó nhưng được bọn thái giám dọn lên, hầu hạ để ăn một mình trong cung điện đìu hiu của mình thì nhà vua lại cảm thấy chán ngán. Cũng chính nhờ chuyện thích ăn vụng mà nhà vua đã gặp được một anh bạn nhỏ giả thái giám là Vi Tiểu Bảo.


Cũng giống như bao trẻ thơ khác, nhà vua thiếu niên này rất dễ tiêm nhiễm thói… chửi tục. Khi chơi với Vi Tiểu Bảo, một tiểu lưu manh chửi tục đã “có nghề” thành Dương Châu, nhà vua mới nhận ra các câu “khải bẩm thánh thượng”, ”chúc thượng anh minh” gì gì đó toàn là những câu sáo ngữ, tào lao. Ngược lại, hệ thống ngôn ngữ đầu đường xó chợ, du côn du kề cỡ như “quân rùa đen, phường chó đẻ, con mẹ nó, tổ bà nó…” nghe thật dễ nhớ, dễ hiểu, dễ chịu cái lỗ tai. Nhà vua cảm thấy cao hừng khi được chửi tục. Điều đáng tiếc là nhà vua chỉ được chửi tục, nó bậy trước mặt Vi Tiểu Bảo; còn khi lâm triều thì nhà vua lại phải ăn nói theo đúng khuôn phép của một hoàng đế. Mà ăn nói theo khuôn phép lại khiến nhà vua cảm thấy khó chịu, đặc biệt là những câu nình nọt của bọn trọng thần. Thí dụ như câu “Thánh thượng vạn tuế” được bọn triều thần tung hô mỗi khi thiết triều chẳng những đã không làm cho Khang Hy vui sướng mà lại khiến cho nhà vua cảm thấy đó là lời tôn xưng láo toét: “Con mẹ nó, làm gì mà sống được đến muời ngàn tuổi (vạn tuế)”. Khang Hy là một nhà vua khá thực tế, chỉ muốn nghe được những ý kiến giản dị, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. tiếc thay, từ các cố mệnh đại thần cho đến thượng thư, từ các học sĩ đến thị lang đều ăn nói theo kiểu bợ đít. Cho nên hệ thống ngôn ngữ thô tục, dân dã, sặc mùi lưu manh của Vi Tiểu Bảo đã làm cho nhà vua dễ nghe và tiêm nhiễm.
Kim Dung xây dựng một Khang Hy sớm biểu lộ hùng tài đại lược khi còn tuổi vị thành niên. Lúc rảnh rỗi, nhà vua thường ngồi trong ngự thư phòng, đọc sách. Dù gã trọng thần Ngao Bái - đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu - từng can ngăn nhà vua là sách sử do người Hán để lại toàn là nọc độc, nên đốt đi là hơn nhưng nhà vua vẫn đọc. Từ các sách sử đó, nhà vua tìm hiểu tâm hồn người Trung Quốc, nhân ra các sai lầm của các hôn quân bạo chúa Hán tộc, tìm ra những tư tưởng mới mẻ của các nhà nho Hán tộc yêu nước để định hình cho đường lối cai trị của Thanh triều.


Nên nhớ rằng Bát kỳ Mãn Châu tuy mạnh về quân sự nhưng lại kém về chính trị. Tám bộ tộc ô hợp chiếm được một đất nước Trung Quốc với mấy trăm triệu người chỉ với trên dưới 10 vạn quân. Vua Thuận Trị lên ngôi mở ra nhà Thanh trên đất Trung Quốc chỉ ở ngôi được 19 năm. Trong 19 năm đó, loạn lạc bốn phương, người Trung Quốc “phản Thanh phục Minh” khởi nghĩa khắp nơi, giương cao ngọn cờ chống Di Địch. Hậu duệ nhà Minh (tức họ Chu) lần lượt lập nên bốn ông vua Quế vương, Đường vương, Phúc vương, Lỗ vương để có người đứng ra hiệu triệu công cuộc phản Thanh. Bọn nhà nho có đầu óc bảo thủ họp nhau lại viết bộ Minh thư tập lược, một cuốn lịch sử của triều Minh, lấy toàn niên hiệu các vua triều Minh với ý đồ khơi dậy ý thức phục Minh. Bọn văn sĩ thì viết văn, làm thơ kể tội nhà Thanh rồi in lén hoặc truyền bá theo cách rỉ tai trong cách nhóm nhỏ. Trong các trà thất, bọn thầy đồ nghèo đem sách sử Trung Quốc (cũ) ra kể cho nhiều người nghe. Chuyện tuy thuật về chiến thắng thời Đường - Tống mà kỳ thực là để khơi dậy niềm tự hào dân tộc về các “tiền triều”.


Khang Hy đã thực hiện chương trình nội trị khéo léo, kết hợp chính trị với quân sự. Trước hết, nhà vua thu phục lòng dân bằng cách xây dựng toà trung liệt từ ở Dương Châu, mở kho chẩn tế cho dân nghèo đảo Đài Loan sau cơn bão lụt. Nhà vua trị tội tên phản thần Ngao Bái, nhân vật mà Hán tộc căm ghét hạng nhất và tịch thu gia sản sung công quỹ. Nhà vua sớm nhận ra âm mưu tạo phản của Bình Tây vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam, nhân vật mà trăm vạn dân Hán tộc đều gọi là Hán gian. Chính Ngô Tam Quế đã mở cửa Sơn Hải quan rước quân Thanh vào, đầu hàng Thanh triều, trở thành tiên phong tiến đánh Bắc Kinh, truy đuổi Đường vương tới Miến Điện (Myanmar) và giết Đường vương ở đó. Được phong tước Bình Tây vương, Ngô Tam Quế củng cố binh lực ở Vân Nam, giương cờ chống Khang Hy với chiêu bài “hưng Minh thảo Lỗ” nhưng không được trăm họ Hán tộc hưởng ứng. Khang Hy triệt các phiên vương Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung cho trăm họ vui lòng.
Đối với lực lượng đối kháng có tổ chức là Thiên Địa hội do Trần Cận Nam lãnh đạo, nhà vua có một đối sách khác. Về mặt danh nghĩa, Thiên Địa hội đặt dưới sự chỉ huy của Đài Loan vương Trịnh Thành Công nhưng về mặt tổ chức, Thiên Địa hội thực sự hoạt động ở nội địa, đặc biệt là các tỉnh Đông – Nam như Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây. Bởi họ dàn trải lực lượng trên 17 tỉnh, nên đội ngũ của họ ô hợp, trong quần hùng có nhiều nhân vật thuộc loại hữu dũng vô mưu. Khang Hy đã “đánh” người của mình vào trong tổ chức này, nắm vững tất cả các hoạt động chống đối của họ và cuối cùng quăng một mẻ lưới, tóm gọn tất cả. Trịnh Khắc Sản, con của Đài Loan vương Trịnh Thành Công, đầu hàng. Đảo Đài Loan trở về với lục địa Trung Quốc.


Kim Dung xây dựng một nhân vật Khang Hy khá độ lượng. Nhà vua đọc các lý luận, các sách sử của bọn nhà nho Hán tộc đương thời viết ra với sự cảm nhận thật khách quan. Đám quyền thần phía dưới thì cho rằng các loại sách ấy mang mầm mống phản nghịch, cứ đặt điều tâu rỗi với nhà vua. Nhưng Khang Hy trọng văn học, quý tài năng. Nhà vua hiểu rằng bọn Bát kỳ Mãn Châu không thể có những tư duy, những tài năng như vậy. Cái mà họ gọi là trung quân, xin nhà vua dẹp hết tư tưởng phản nghịch trong đám nho gia Hán tộc thực sự chỉ là mặc cảm tự ty của những người ít học, chỉ biết cai trị theo lối phân biệt chủng tộc và chỉ thấy được sức mạnh của lưỡi kiếm. Điều hiển nhiên là Bát kỳ Mãn Châu không thể cai trị được một Hán tộc mấy trăm triệu người nếu không có một đối sách nội trị nhân từ, khiêm ái. Khang Hy có được cái bén nhạy của một nhà chính trị kiệt xuất nên xã hội Trung Quốc dưới triều Khang Hy là xã hội thái bình, thịnh trị.


Sách lược đối ngoại của nhà vua cũng tuyệt diệu không kém. Khám phá được âm mưu liên kết của Mông Cổ, Tây Tạng, Nga La Tư (La Sát) và bọn Thần long giáo - một giáo phái phản động ở quần đảo Liêu Đông, Khang Hy đã tìm cách phá mối liên minh đó. Nhà vua đem chức chuẩn Cát Nhĩ Hãn (vua dự bị) ra để dụ vương tử Cát Nhĩ Đan của Mông Cổ; tăng thêm một ngôi vị Tang Kết Hoạt Phật bên cạnh Đạt Ma Hoạt Phật ở Tây Tạng. Đối với Thần long giáo và đoàn quân xâm phạm biên giới của Nga La Tư, nhà vua chủ trương nói chuyện bằng súng. Để chuẩn bị cho hai cuộc chiến tranh đó, Khang Hy đã mời 2 cố đạo Tây dương là Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng giám đốc công việc đúc súng đại bác. Người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên trên thế giới chế ra thuốc pháo nên chuyện chế tạo hoả dược là ra đạn trọng pháo đối với họ là chuyện bình thường. Điều bất ngờ đối với quân Nga La Tư ở mặt trân biên giới là họ đã bị trọng pháo của nhà Thành bắn trúng thành luỹ. Trước nay, họ nghĩ quân Thanh chỉ biết đánh nhau bằng ngựa và gươm giáo.


Cuộc chiến tranh Trung – Nga diễn ra ở biên giới hai nước được Kim Dung diễn tả một cách khá hài hước với sự hiện diện của “bá tước” Vi Tiểu Bảo, tư lệnh các tập đoàn quân Thanh. Cái kiểu đánh nhau vừa bằng vũ khí vừa bằng tiểu xảo lưu manh, cái kiểu thương thuyết để ký hoà ước Hắc Long Giang vừa bằng phương pháp ngoại giao vừa bằng lý luận cù cưa cù nhầy kiểu đầu đường xó chợ đã nói lên tài “dùng người” của Khang Hy. Người Trung Quốc cho rằng người Nga La Tư (La Sát) là quân bá đạo, phải có một tay lưu manh cỡ Vi Tiểu Bảo, dùng bá đạo trị bá đạo thì mời gọi là xứng đôi vừa lứa! Và cuối cùng, tư lệnh Vi Tiểu Bảo của quân Thanh với tư lệnh Phí Diêu Đa La (Féodore) của quân Sa hoàng Nga đã ký với nhau hoà ước Hắc Long Giang năng 1864.


Trong chính sử Trung Quốc, Sách Ngạch Đồ thay mặt Khang Hy và Phí Diêu Đa La thay mặt Sa hoàng ký hoà ước này. Đây là một hoà ước thắng lợi hoàn toàn cho Thanh triều: 2 tỉnh Tân Hải và A Mộc Nhĩ của nước Nga thuộc về Trung Quốc; đất Trung Quốc rộng thêm 80 vạn dặm vuông Anh. Trong lịch sử Trung Quốc, chưa có thời nào đất Trung Quốc rộng như thời Khang Hy. Hoà ước đã giữ cho nhân dân 2 nước sống yên vui thanh bình trong suốt 150 năm. Chỉ tiếc rằng các vua sau này của nhà Thanh nhu nhược, suy bại; diện tích nước Trung Quốc bị thu hẹp lại, người Trung Quốc trở thành tôi mọi trước cuộc tiến công xâm lược của Bát quốc liên quân. Nhưng thôi, chuyện ấy không liên quan gì đến Khang Hy và Lộc Đỉnh ký.


Khang Hy là một ông vua sáng suốt nhất của 13 triều đại nhà Thanh trên đất Trung Quốc. Bởi vì nhà vua là người Mãn Châu nên Kim Dung phải đem gã hề Vi Tiểu Bảo “bổ sung” chất Hán tộc cho nhà vua. Khang Hy và Vi Tiểu Bảo như hình với bóng. Đem cái ngay thằng, sáng suốt trộn với cái lưu manh, không vặt âu cũng là một công thức sống. Chẳng vậy mà khi Vi Tiểu Bảo trốn đi, Khang Hy đã cho người đi tìm. Nên nhớ là rằng tên giả của Khang Hy là Tiểu Huyền Từ và tên giả của Vi Tiểu Bảo là Tiểu Quế Tử. Họ là 2 thằng nhỏ, một người làm vua, một người làm quan lớn. Bọn trẻ ba hoa khiến các ông già ngơ ngác. Tuy thời ấy, chưa ai nghe nói đến việc “trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo” nhưng rõ ràng qua Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã cho người đọc biết thế nào là thành công của sự trẻ hoá. Tác phẩm đem lại nụ cười chứ không phải là tư tưởng chính trị bởi Lộc Đỉnh ký là tiểu thuyết chứ không phải là văn kiện báo cáo. Chuyện trẻ hóa chỉ là chuyện nói chơi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến