CÂU SAI VÀ CÂU MƠ HỒ

 CÂU SAI 

VÀ CÂU MƠ HỒ

Trong giao tiếp có một yêu cầu là nói, viết phải rõ ràng, chính xác. Hiện tượng nói, viết sai tiếng Việt hiện nay không chỉ phổ biến ở ngoài xã hội mà còn phổ biến trong nhà trường.


Nói, viết sai tiếng Việt có thể biểu hiện ở các bình diện: Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách…Trong bài viết này, chúng tôi dựa trên cơ sở gợi ý của hai tác giả Nguyễn Đức Dân và Trần Thị Ngọc Lang trong công trình “câu sai và câu mơ hồ”
 (1993), để phân tích một số câu sai và câu mơ hồ trên các loại hình thông tấn báo chí Việt Nam hiện nay mà chúng tôi đọc được, nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Chúng tôi nghĩ rằng, trong cuộc đời của mỗi người khi nghe đài phát thanh, xem vô tuyến truyền hình hoặc đọc các loại báo chí bằng tiếng Việt, hẳn ít nhất cũng một lần chúng ta thốt lên: “Sao lại nói, viết tiếng Việt như thế này được!”. Nói, viết câu sai, câu mơ hồ âu cũng là một hiện tượng tất yếu của các ngôn ngữ tự nhiên. Ý thức được việc nắm tiếng mẹ đẻ một cách khoa học, theo chuẩn ngôn ngữ là yêu cầu đặt ra cho mọi người và cần trau dồi, rèn luyện mãi.

Nghiên cứu hiện tượng câu sai và câu mơ hồ trong tiếng Việt sẽ làm rõ thêm những đặc điểm của tiếng Việt. Điều này không những có ý nghĩa về phương diện lí thuyết mà mà còn rất hữu ích về phương diện ứng dụng trong việc giao tiếp ở mọi lĩnh vực.
1.
Sự nhìn nhận khác nhau về tính đúng hay sai của một câu thường xảy ra ở bình diện từ vựng, ngữ pháp…Nhận biết một câu là đúng hay sai và cách chữa câu sai thành câu đúng tối ưu (tức đúng với ý tưởng và cách dùng kết cấu câu để diễn đạt, của người đã viết sai), trong nhiều trường hợp là tương đối dễ, nhưng trong nhiều trường hợp lại không đơn giản.

Nguyễn Đức Dân và Trần Thị Ngọc Lang lưu ý chúng ta điều này: có những hoàn cảnh và ngữ cảnh cho phép chấp nhận một câu là đúng mà trong hoàn cảnh bình thường phải coi nó là sai. Chẳng hạn câu (1) sau đây:

(1) Bà nổi tiếng là một người đàn ông nghiêm nghị. (Phụ nữ Việt Nam, số 30/1984).

Đây là một câu sai lôgich vì đã vi phạm luật cấm mâu thuẫn? Đứng riêng biệt thì câu (1) quả là sai về lôgich. Nhưng câu này xuất hiện trong một bài báo nói về bà Đơ Giêm, người nước Anh, đóng giả trai và trở thành đại tướng quân y. Mãi tới năm 1865, khi bà Đơ Giêm chết, người ta mới biết viên tướng này là một phụ nữ. Nhà báo kể về một phụ nữ nên đã viết “Bà nổi tiếng là một người đàn ông nghiêm nghị”. Sau đó nhà báo muốn nhắc lại cách đánh giá của người đương thời về viên đại tướng (mà không ai biết là một phụ nữ), cho nên đã viết tiếp “là một người đàn ông nghiêm nghị”. Như vậy, trong tình huống vừa nêu, câu (1) vẫn có thể chấp nhận được.

Cũng chính từ đây, có những câu bình thường bị coi là sai, nhưng trong những tình huống cụ thể, được dùng với một dụng ý tu từ đặc biệt, sẽ trở thành những câu hay.

Xin kể một câu chuyện: Một hôm tôi nghe đài phát thanh nọ, trong mục “sân khấu truyền thanh”, một người giọng nữ nói câu: “Anh vô cho em một tí. Anh ra cho em một tí”. Người nghe dễ liên tưởng và sẽ bật cười nếu không hiểu được câu nói đó trong hoàn cảnh: Một chị ngồi trước máy quay và đang điều khiển người quay phim. Chị nói hai câu trên là do lối nói tắt, nói đầy đủ sẽ là: Anh đưa máy quay vô gần em một tí. Anh đưa máy quay ra xa em một tí.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ dẫn ra những câu sai trong hoàn cảnh, ngữ cảnh của văn bản/ngôn bản. Bởi vì chúng tôi cho rằng khi bàn về câu sai, cần phải xem xét chúng trong hoàn cảnh, ngữ cảnh của văn bản/ngôn bản và ở cấp độ trên câu (tức liên kết câu trong văn bản/ngôn bản).

Quan sát các kiểu loại câu sai trên thông tin đại chúng, chúng tôi thấy ngoài kiểu sai chính tả thường gặp (khi viết), sai ngữ âm (khi nói) còn có các kiểu loại sai sau đây: 


1.1.
 Sai cách dùng từ.

 Ví dụ:

(2) Giải bóng đá thế giới được tổ chức ở Nam Mỹ. Theo tiền lệ chưa có một đội bóng Châu Âu nào chiếm được ngôi vị số một. (Báo
 Đại Đoàn Kết, số 33).

Ở câu (2), cụm từ (theo tiền lệ) dùng sai, chỉ cần thay vào nó cụm từ “trong (thực tế) lịch sử” là câu (2) trở thành đúng.


(3). Khi anh về Nam, nó
 lên 19 tuổi.
(Báo Nhân Dân,ngày 8-3-1977 ) 
Ở câu (3) dùng sai từ “lên”. Xã hội ngầm quy ước về cách dùng từ “lên” để trỏ tuổi trẻ em; còn trỏ tuổi người lớn thì không dùng từ “lên”.


(4). “Tối nay, theo đúng hẹn, tôi mang bộ ảnh phong cảnh đất nước đến giới thiệu để cụ xem”. (Báo
 Người Hà Nội, số 56).

Ở câu (4) nếu đứng độc lập thì đúng, nhưng nếu đứng trong văn bản thì câu (4) sai. Tác giả viết câu (4) trong tình huống nhớ lại vào một ngày cách đây đã mấy chục năm lại thăm nhà một cụ già và có hẹn buổi tối sẽ mang lại bộ ảnh phong cảnh tới. Tác giả viết theo lối kể gián tiếp chứ không phải lối kể trực tiếp, do đó không thể viết “tối nay, theo đúng hẹn...” mà phải viết “tối ấy, theo đúng hẹn...” thì mới đúng.


1.2. Câu sai ngữ pháp.

Tất cả những câu do lỗi về dùng thừa từ, thiếu từ mà làm thay đổi cấu trúc câu; những câu mắc lỗi do dùng sai từ nối, dùng sai trật tự từ... đều được gọi là sai ngữ pháp. Ví dụ: 
(5). Muốn tiêu diệt nạn đói thì phải nâng cao năng suất
 cả trong nông nghiệp, trong ngành vận tải và trong công nghiệp nữa.
(Báo Nhân Dân,ngày 27-2-1977). 
Ở câu (5), vị trí từ “cả” và từ “nữa” đặt không đúng chỗ đã làm câu sai. Do đó đi đến hai cách chữa:


(5b). Muốn tiêu diệt nạn đói, thì phải nâng cao năng suất trong nông nghiệp, trong ngành vận tải và
 cả trong công nghiệp nữa. (Đổi vị trí từ “ cả”)

(5c). Muốn tiêu diệt nạn đói, thì phải nâng cao năng suất cả trong nông nghiệp, trong ngành vận tải và trong công nghiệp. (bỏ từ “nữa”)


(6). Nếu chúng ta khuyến khích các gia đình đẻ ít là bởi chúng ta quan tâm đến sức khỏe bà mẹ, là bởi vì chúng ta thương yêu trẻ em.

(Báo Nhân Dân,ngày 24-03-1984)

Ở câu (6) sai do dùng hư từ “nếu” không đúng, chữa câu (6) chỉ cần bỏ hư từ “nếu” thì sẽ được câu đúng. 

1.3. Câu sai lôgich

Thí dụ (7). Công tác huấn luyện thể dục, thể thao trong thanh, thiếu niên nói chung - trong bóng đá nói riêng - đã được tiến hành ở nhiều địa phương.(Báo Thể dục thể thao,1976)
Ở câu (7), ta thấy “thanh, thiếu niên” và “bóng đá” là hai phạm trù khác nhau, chúng không thể bao chứa nhau. Viết như câu (7) là sai về lôgich.

(8). Ở Châu Úc, diện tích ngô giảm một nữa, nhưng năng suất lại tăng gấp đôi. Tổng sản lượng nhờ thế tăng gần gấp đôi. (Báo Nhân Dân, ngày 30-05-1977) Bằng một phép tính số học đơn giản, chúng ta biết, khi diện tích giảm một nửa nhưng năng suất tăng gấp đôi thì tổng sản lượng sẽ không đổi. Ở câu (8) kết luận “tổng sản lượng nhờ thế tăng gấp đôi” mâu thuẫn với những điều suy ra từ tiền đề.

(9). Mới vào bộ đội chúng ta thường nghe cán bộ phổ biến: chiến sĩ trai phải cắt tóc ngắn; chiến sĩ gái thì phải uốn, tết tóc lên cao, râu phải cạo nhẵn.(Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 15-04- 1977)

Nữ thường không có râu, ấy thế mà lại viết: “chiến sĩ gái thì uốn, tết tóc lên cao, râu phải cạo nhẵn”. Viết một điều mâu thuẫn với hiện thực (“kẻ mày, đánh môi son” là hiện tượng xảy ra ở nữ giới; có râu là đặc trưng ở nam giới), hiển nhiên ấy là viết sai logich. Ở câu (9) chỉ cần chuyển cụm từ “râu phải cạo nhẵn” đứng sau cụm từ “cắt tóc ngắn” thì sẽ được câu đúng sau:

(9b). Mới vào bộ đội, chúng ta thường được nghe cán bộ phổ biến: chiến sĩ trai phải cắt tóc ngắn, râu phải cạo nhẵn; chiến sĩ gái thì uốn, tết tóc lên cao.
2.
Trong mỗi ngôn ngữ, các từ được tổ hợp với nhau thành cụm từ, thành câu theo một số hữu hạn các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ đó. Nhờ vậy, giữa các từ trong câu có mối quan hệ xác định. Trong một câu, các từ được đứng theo một thứ tự tuyến tính nhưng chúng lại có khả năng kết hợp với nhau một cách không tuyến tính, do đó số lượng các khả năng này là rất lớn. Vì thế tất yếu sẽ dẫn tới những trường hợp một chuỗi từ có thể hiểu hơn một kiểu kết hợp. Tại đây, chuỗi từ được gọi là mơ hồ cấu trúc hoặc mơ hồ lôgich.

Theo Nguyễn Đức Dân và Trần Thị Ngọc Lang: Một câu mơ hồ là một câu trong đó có một biểu hiện duy nhất ở cấp độ này lại có ít nhất hai cách biểu hiện ở cấp độ khác.

Không chú ý tới cách viết, không chú ý tới những câu có thể hiểu theo hai, ba cách, nhiều khi vô tình chúng ta tạo ra những câu mơ hồ tai hại, phản lại ý của chính mình.

Thí dụ: (10). Các thầy, các cô nên cố gắng thực hiện việc “trồng người” xã hội chủ nghĩa vì lợi ích trăm năm của Bác Hồ. (Báo Nhân Dân, ngày 05-10-1975).

Nguyễn Đức Dân và Trần Thị Ngọc Lang cho rằng ở câu (10) có cái nghĩa rất tệ hại: “vì lợi ích trăm năm của Bác Hồ”. Để tránh cái nghĩa tệ hại này; chữa câu (10) bằng cách: chuyển trạng ngữ trỏ mục đích lên đầu câu hoặc đứng sau chủ ngữ. Và nên thay từ “việc” bằng cụm từ “lời dạy”. Câu (10) được sửa thành:

(10b). Vì lợi ích trăm năm, các thầy, các cô nên cố gắng thực hiện lời dạy “trồng người” xã hội chủ nghĩa của Bác Hồ.

Câu (10b) vẫn còn mơ hồ, nhưng không còn nghĩa tệ hại như câu 10 nữa. Tuy nhiên, để rõ ràng chúng ta tiếp tục sửa:

(10c). Vì lợi ích trăm năm, các thầy, các cô nên cố gắng thực hiện lời dạy của Bác Hồ “trồng người” xã hội chủ nghĩa. 

Chúng tôi hiểu ý tác giả viết câu (10) là muốn dùng lại ý câu nói của Bác: “Vì lợi ích mười năm trồng cây; vì lợi ích trăm năm trồng người”, nhưng tác giả viết không rõ. Có thể sửa câu (10) như sau:


(10d). Vì lợi ích trăm năm, các thầy, các cô nên cố gắng thực hiện việc “trồng người” xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ đã căn dặn.

(11). Hội nghị sinh viên quốc tế chống chế độ phát xít Chi Lê ủng hộ Việt Nam. (Báo Nhân Dân, ngày 21-11-1975) 

Câu (11) có thể lỗi do người viết hay do lỗi in sơ ý không đánh dấu phẩy sau chữ
 

“Chi Lê”. Chữa câu (11) chỉ cần thêm một dấu phẩy sau từ “Chi Lê”, ta được câu rõ ràng:


(11b). Hội nghị sinh viên quốc tế chống phát xít Chi Lê, ủng hộ Việt Nam.


(12). Ăng-gô-la thực hiện chính sách không liên kết và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa.

(Báo Nhân Dân, ngày 21-11-1975) 
Câu (12) chỉ cần đảo thứ tự trật tự từ, ta được một câu chỉ có một cách hiểu:


(12b): Ăng-gô-la thực hiện chính sách hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và không liên kết.

(13). Cũng theo tài liệu trên, sự thiếu vốn để tiến hành cạnh tranh dài hạn là nguyên nhân chủ yếu để dẫn đến sự sụp đổ của 80% số công ti. (BáoNhân Dân, ngày 29-10-1983).

Câu (13) mơ hồ về quy chiếu. Người đọc hiểu câu này theo hai nghĩa. 
- Trong số các công ti bị sụp đổ thì có tới 80% là do thiếu vốn cạnh tranh.


- Trong tổng số các công ti ra đời thì có 80% bị sụp đổ.


(14). Mỗi người một ý, ai cũng nhất trí làm chiếc cầu qua suối.

(Báo Quân đội Nhân Dân, ngày 26-12-1975)

Câu (14) có cấu trúc ngữ pháp nhất định nhưng hàm ý lại khác nhau nên tạo ra sự mơ hồ tai hại. Có thể chữa câu này như sau:

(14b). (Tuy) mỗi người một ý về kiểu dáng chiếc cầu nhưng ai cũng nhất trí làm chiếc cầu qua suối.

(15). Cảm nghĩ nhân chuyến thăm Đông Nam Á của thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Đề báo Nhân Dân, ngày 23-10-1978)

Ở câu (15), Thủ tướng cảm nghĩ hay nhà báo cảm nghĩ?

(16). Tuyên dương công trạng của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. (Đề báo Quân đội Nhân Dân, ngày 21-12-1969) 

Ở câu (16), Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tuyên dương công trạng (cho ai)? Hay cấp nào đó tuyên dương (về công trạng của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội)?


(17). Thất bại nhiều nghi vấn của Kasparov.
(Đề báo Người lao động, ngày 14-5-1977) 

Ở câu (17): “Thất bại trong trận đấu cờ vua với Deep Blue, Kasparov có nhiều nghi vấn!” hay “Thất bại của Kasparov (trong trận đấu cờ vua với Deep Blue) có nhiều nghi vấn”?

3.
Như vậy, trong tiếng Việt, các từ kết hợp để tạo thành các ngữ, các câu theo những cách khác nhau. Có những từ ngữ có thể kết hợp với các từ ngữ đứng trước nó trực tiếp hoặc gián tiếp và có những từ ngữ có thể kết hợp trực tiếp hoặc gián tiếp với những từ ngữ sau nó. Đó là nguyên nhân gây ra các cấu trúc mơ hồ.

Những điều trình bày trên đây cho thấy hiện tượng mơ hồ là tất yếu trong mọi ngôn ngữ tự nhiên. Sự phát hiện ra những chuỗi từ mơ hồ trong tiếng Việt không hề làm cho tiếng Việt giảm giá trị. Lại càng không thể từ đó mà kết luận rằng tiếng Việt thiếu chính xác hay thiếu khoa học… Trái lại, khi phát hiện ra những chuỗi từ mơ hồ mà lại đề ra được nhiều cách loại trừ tính mơ hồ của chúng thì càng chứng tỏ rằng tiếng Việt rất phong phú, có nhiều cách diễn đạt khác nhau về cùng một nội dung nào đó. Trong một số hoàn cảnh, ngữ cảnh cần thiết, người viết lại phải biết tạo ra những câu mơ hồ.

Ths. Hà Hồng Vân


[1] Bài đã được in trong cuốn “Tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1999

Nhận xét

Bài đăng phổ biến