LỪA LỌC


LỪA LỌC
Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng trong hai tiếng lừa lọc, chỉ có lừa mới mang nghĩa 'làm cho người khác mắc mưu' chứ lọc thì tuyệt đối không.

Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng lừa lọc là “lừa người bằng mánh khóe xảo trá (nói khái quát)”, còn quyển từ điển cùng tên do Văn Tân chủ biên lại giảng là “chọn lọc và xếp đặt” với thí dụ là một câu Kiều: Khuôn xanh lừa lọc đã đành có nơi. Vậy quyển nào giảng đúng? Cả hai đều đúng và đều thiếu: quyển trước thiếu nghĩa đen còn quyển sau thiếu nghĩa hiện hành.

Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng trong hai tiếng lừa lọc, chỉ có lừa mới mang nghĩa “làm cho người khác mắc mưu” chứ lọc thì tuyệt đối không. Vậy thì tại sao hai tiếng này có thể cặp kè với nhau mà tạo thành ngữ vị từ đẳng lập lừa lọc? Đó là vì, xét về từ nguyên thì chúng là hai từ đồng nghĩa.

Lọc là gì? Là ngăn chất cặn bã bằng vải, than hoặc cát để làm cho một chất lỏng trở nên trong. Thì cái nghĩa ban đầu của lừa cũng là như thế. Lừa là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [], mà âm Hán Việt hiện hành là lự và có nghĩa là lọc cho nước trở nên trong. Thí dụ lự bố [濾布] là vải lọc, lự thủy khí [濾水器] là dụng cụ lọc nước. Chính là vì cái nghĩa này mà Mathews’ Chinese-English Dictionary mới dịch lự [] là “to strain, to filter” còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur dịch là “filtrer”. Từ cái nghĩa gốc này, lừa mới có cái nghĩa phái sinh là “dùng lưỡi đưa qua đưa lại, tách lấy riêng ra khỏi những cái khác đang ngậm trong miệng”, như đã giảng trong từ điển Hoàng Phê. Nghĩa này có thể thấy trong một ngữ vị từ thông dụng là lừa xương. Rồi từ cái nghĩa phái sinh “cấp 1” này, ta lại có nghĩa phái sinh “cấp 2” liên quan đến bóng đá, mà Tự-điển Việt Nam (ảnh) của Ban Tu thư Khai-Trí giảng là “đưa quả banh ở chân mình để tránh cầu thủ địch” với thí dụ: lừa banh, lừa bóng.

Nhưng tại sao từ nghĩa gốc là “chọn lọc và xếp đặt” mà lừa lọc (cũng nói lọc lừa) lại chuyển nghĩa thành “lừa người bằng mánh khóe xảo trá”? Đó là do sự lây nghĩa mà chúng tôi đã nói đến nhiều lần. Ở đây, đã có một sự lây nghĩa của từ lừa trong lừa gạt, lừa đảo đối với từ lừa trong lừa lọc (theo nghĩa gốc), nhất là khi nghĩa gốc của lừa là “lọc” đã tuyệt tích giang hồ (nên người ta không còn biết đến).

Nhân tiện, xin nói rằng lọc cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [] mà âm Hán Việt hiện hành là lộc, có nghĩa là... lọc. Sự chuyển biến ngữ âm từ ôc sang oc của lộc (thành lọc) thì cũng y như từ độc [] trong độc giả sang đọc trong người đọc, từ khốc [] trong thống khốc sang khóc trong khóc òa.

AN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến