Kỳ 144 -TẦN THỦY HOÀNG VÀ TOAN TÍNH ĐƯA 3 VẠN PHỤ NỮ KHÔNG CHỐNG XUỐNG ĐẤT VIỆT


Kỳ 144
TẦN THỦY HOÀNG VÀ TOAN TÍNH
ĐƯA 3 VẠN PHỤ NỮ KHÔNG CHỐNG
XUỐNG ĐẤT VIỆT

Trong phần trước, chúng tôi đã phủ nhận về khả năng nhà Tần sai một viên hiệu úy là Đồ Thư làm chủ một đạo quân 50 vạn đánh xuống phía Nam với hai lý do: thứ nhất, nhà Tần không đủ vật lực để cung ứng cho đạo quân nửa triệu người xuống nơi xa hàng ngàn dặm và thứ hai là Tần Thủy Hoàng không thể mang quân trao cho một viên úy chức vụ thấp kém làm việc này. Chúng tôi cũng phân tích cái sai trong việc sách báo dẫn chứng sai trong việc dùng sử liệu thời kỳ này.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng người Tần huy động một lực lượng lớn quân và dân để vừa bành trướng, vừa đồng hóa. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất xong các nước thời Chiến Quốc thì ông rất coi trọng việc di dân để đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia. Sử ký chép Tần Thủy Hoàng "sai dời các nhà hào khí trong thiên hạ đến Hàm Dương tất cả mười hai vạn nhà". Có thể hiểu đây là việc Tần Thủy Hoàng bắt hết quý tộc các nước bị thu phục về Hàm Dương để giam lỏng, dập tắt mầm mống làm loạn từ Tề, Sở, Yên, Tam Tấn... Cái này gọi là đảm bảo cho an ninh nước Tần.

Ngược với chính sách di dân về đô thì Tần Thủy Hoàng cho di dân ra các vùng biên giới để phục vụ kế hoạch lấn đất. Sử ký phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: "Năm thứ 31 thời Tần Thủy Hoàng (216 TCN), đem đày những quan coi ngục không thanh liêm đi xây Trường Thành và đi thú ở đất Nam Việt (địa bàn người Việt sinh sống gần duyên hải biển Hoa Đông hiện giờ)".

Rồi: “Năm thứ 33 thời Tần Thủy Hoàng (năm 214 TCN), phát những kẻ từng trốn tránh, ở rể, nhà buôn đi cướp lấy đất Lục Lương, đặt thành các quận Quế Lâm, Tượng, Nam Hải (vốn là khu vực người Việt sinh sống ở phía nam Trung Quốc hiện giờ) đem lính thú đến giữ”.

Thời điểm đó, các khu vực Nam Việt, Quế Lâm, Tượng, Nam Hải bị người Trung Nguyên coi là những nơi rừng thiêng, nước độc nên không mấy ai chịu tự nguyện chuyển tới phục vụ cho mưu đồ bành trướng của nhà Tần. Do vậy, để có người đi thì nhà Tần chỉ còn cách ép buộc những kẻ phạm tội xuống đó. Ban đầu là quan coi ngục bị lưu đày, sau mở rộng ra cả người trốn lính, phạm nhân, thậm chí người ở rể.

Chưa hết, năm thứ 34 thời Tần Thủy Hoàng (213 TCN), nhà Tần chủ trương đốt sách chôn Nho, những kẻ tội nặng thì bị chôn sống còn những người bị đày ra biên giới cũng khá nhiều. Sử ký chép: sai ngự sử xét tất cả các nhà Nho. Các nhà Nho tố giác lẫn nhau, có hơn 460 người phạm điều đã cấm. Thủy Hoàng sai chôn sống tất cả ở Hàm Dương,báo cho thiên hạ biết để làm răn. Sau đó lại sai đày biên giới nhiều người bị tội để đi thú".

Bên cạnh việc đưa những người phạm tội thì Tần Thủy Hoàng còn có các chính sách khuyến khích để di dân quy mô. Sử ký chép: "Thủy Hoàng bèn sai dựng đá ở bờ biển Đông Hải (tức biển Hoa Đông) thuộc đất Cù để làm cửa phía đông của Tần, nhân đấy dời 3 vạn nhà đến Ly Ấp, 5 vạn nhà đến Vân Dương, những này đều được tha việc công dịch mười năm".

Với khu vực bành trướng địa bàn người Việt, việc di dân được đẩy mạnh nhưng không thu hút được các hộ gia đình đến đó mà chỉ toàn là lính thú và các phạm nhân bị lưu đày mà thôi. Phạm nhân và lính thú thì cũng toàn là nam giới nên nảy sinh việc mất cân bằng giới tính. Thời điểm đó, Triệu Đà là một trong những viên võ tướng tham gia chiến lược bành trướng xuống phương Nam của Tần Thủy hoàng vào những năm 218 đến 208 trước Công nguyên. Theo cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam, Triệu Đà đã từng xin Tần Thủy Hoàng cho đưa 3 vạn đàn bà con gái không chồng xuống để "may vá áo quần" cho quân sĩ xây dựng cơ sở lâu dài. Triệu Đà cũng khuyến khích các tướng lĩnh, quan lại, quân lính người Hán lấy vợ người Việt nhưng thời gian đó người Việt bất hợp tác nên lấy đâu ra phụ nữ chịu lấy quân lính người Hán đông đảo.

Việc đề nghị đưa 3 vạn đàn bà con gái xuống cho thấy lượng lính và phạm nhân được đưa xuống địa bàn người Việt cũng phải tương đương 3 vạn (chứ không thể có chuyện là 50 vạn được). Việc đưa phụ nữ xuống như vậy sẽ giúp giải quyết 2 chuyện cho kế hoạch bành trướng xuống phía nam của nhà Tần. Thứ nhất sẽ giúp ổn định tinh thần của lính đóng ở biên giới, tránh việc lâu ngày xa nhà sinh loạn. Thứ hai, tạo ra một cộng đồng với các thế hệ cắm rễ lâu dài tại vùng bành trướng. Tuy nhiên, việc này cũng không được thực hiện êm ả chút nào trước sự phản kháng của người Việt.

Những lời đồn đại về cuộc sống khổ cực được ghi vào lời kể của Nghiêm an thượng thư trong phần Bình Tân hầu chủ phụ liệt truyện (Sử ký - quyền 112) nói rằng: "Trong hơn mười năm, đàn ông mặc giáp, đàn bà chuyển chở, khổ chẳng muốn sống, tự treo cổ trên cây bên đường, tuyệt vọng nhìn nhau" - nguyên văn là: "Hành thập dư niên, đinh nam bị giáp, đinh nữ chuyển thâu, khổ bất liêu sinh, tự kinh ô đạo thụ, tử giả tương vọng". 

ANH TÚ


Nhận xét

Bài đăng phổ biến