DẤU PHẨY GIÁ BAO NHIÊU?

DẤU PHẨY GIÁ BAO NHIÊU?
Chúng ta đều biết, chức năng của dấu phẩy là tách biệt các thành phần câu. Nó cho phép diễn đạt chính xác điều muốn nói. Nhiều khi, vì đặt sai dấu này, đã có bao chuyện dở khóc dở cười…

Trong những bài viết, nhiều nhà văn, nhà báo và cả những chính khách đều rất chú ý tới dấu câu. Có người hỏi Oscar Widle (nhà văn Anh, 1856-1900): “Sao trông ông lại đăm chiêu như vậy?”. Ông đáp: “Sáng nay tôi đã bỏ quên một dấu phẩy trong một bài thơ. Chiều nay tôi phải lấy lại.”

Cách đặt dấu phẩy khác nhau dẫn tới ý nghĩa khác nhau

Hãy tạm gác những dấu phẩy đặt sai làm câu thành ngô nghê, như một sinh viên Lào, năm 1977, đã đặt dấu phẩy cho câu Kiều “(Dở dang nào có hay gì) / Đã tu tu trót quá thì thì thôi!” như sau: “Đã tu tu, trót quá thì thì thôi!”

Một giáo viên tiếng Anh đã đề nghị mỗi sinh viên đặt những dấu thích hợp vào câu sau: “Woman without her man is nothing”. Cánh con trai ngắt câu: “Woman, without her man, is nothing” (Đàn bà, nếu thiếu nửa kia của mình, thì chẳng là gì cả), còn cánh con gái lại ngắt câu như sau: “Woman: without her, man is nothing” (Phụ nữ: thiếu cô ta, đàn ông chẳng là gì cả).

Vì sao phải đánh vần dấu câu trong bức điện tín?

Một phụ nữ Mĩ đi du lịch ở châu Âu gửi điện về cho chồng: “Có một chiếc xuyến đẹp mê hồn, giá 75 đô. Em mua được không?” Anh chồng lập tức trả lời “No, price too high” (Không, giá quá cao). Nhưng nhân viên điện tín mắc một sai lầm nhỏ đã bỏ qua dấu phẩy và thành: “No price too high” (Không giá nào là quá cao). Được lời như cởi tấm lòng, chị chàng mua ngay chiếc xuyến. Khi về Mĩ, cô vợ khoe chiếc xuyến làm anh chồng choáng váng. Người chồng đem vụ “bỏ sót dấu phẩy” này ra kiện và đã thắng. Từ đây, các hãng điện tín đòi hỏi nhân viên phải đánh vần các dấu câu trong bức điện chứ không dùng kí hiệu. Nghĩa là phải viết “No comma price too high” (Không phẩy giá cao quá). Thật ra chỉ viết “price too high” (giá cao quá) là đủ.

Mất người yêu chỉ tại thiếu dấu phẩy

Có một giai thoại: “Họ yêu nhau nhưng chàng trai rất nghèo. Anh đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền cưới vợ. Những biến động xã hội nơi xứ người khiến thư từ đi lại thất thường. Sau mấy tháng bặt tin anh, cô gái viết thư sang yêu cầu anh cho biết thái độ dứt khoát, cô không yên tâm và không đủ kiên nhẫn chờ anh… Được thư, anh hốt hoảng viết vội ba chữ trả lời: “Đừng chờ anh!”. Thế là cô gái đi lấy chồng. Khi về nước anh trách cô gái bội ước. Cô gái đưa thư cũ của anh ra. Anh chàng chết điếng, vì trong lúc đầu óc mụ mẫm, anh đã viết thiếu một dấu phẩy (Thực ra anh định viết “Đừng, chờ anh!”). Nhưng sự thiếu tai hại này đã làm anh mất tong một cô người yêu.

Nhầm thành dấu phẩy, Nhà nước mất bao nhiêu?

Năm 1870, trong danh sách các mặt hàng được miễn thuế vào Mĩ lẽ ra là câu “Tropical fruit-plants for the purpose of propagation” (Các câynhiệt đới ăn tráinhằm mục đích nhân giống) nhưng người ta đánh nhầm dấu nối thành dấu phẩy “Tropical fruit, plants for the purpose of propagation” (Trái cây nhiệt đới, cây nhằm mục đích nhân giống). Thế là toàn bộ các loại trái cây nhiệt đới được nhập miễn thuế vào Mĩ cho tới khi người ta phát hiện ra sai sót chết người này. Tính ra đã mất khoảng 500.000 USD tiền thuế không đòi lại được.

Hiểu sai dấu phẩy, quan chủ khảo bị vài chục… gậy

Trong Lều chõng, Ngô Tất Tố kể chuyện rằng, danh sĩ đời Lê, cụ Nguyễn Công Hoàn là bậc văn hay, học vấn uyên thâm, chỉ vì cái tật đặt câu cầu kì, thành ra thi mãi không đỗ. Bởi vì, “trong lúc quan trường chấm văn, người ta chấm như ăn cướp”, còn thì giờ đâu mà ngẫm nghĩ về ý tứ sâu xa của câu văn. Trong khi đó Nguyễn Công Lân là con, sức học kém cụ rất xa, nhưng mà văn chương hoạt bát nên đã đỗ tiến sĩ.
“Khoa ấy […] ông Lân đã làm chủ khảo, cụ Nguyễn vẫn còn cắp quyển đi thi, và cũng lại hỏng như trước…

 (Xong việc trường thi, ông Lân về nhà thăm cha). Cụ Nguyễn hỏi:
- Khoa này có được quyển nào khá không?
- Có một quyển khá, chỉ vì phải câu tứ lục thất niêm, không thể lấy đỗ.
- Câu tứ lục ấy thế nào? Có nhớ không?
Ông con thưa rằng nhớ và đọc:
Lưu hành chi hoá tự Tây Đông, Nam Bắc vô tư bất phục.
Tạo tựu chi công tự Cảo Mân, Kì Phong dĩ mạc bất hưng...Ông ngậm ngùi tiếc: Nếu như hai câu dưới, họ đảo hai chữ Cảo Mân ra làm Mân Cảo thì hay biết chừng nào… Không đợi con nói hết lời, cụ Nguyễn vác gậy phang luôn chừng vài chục gậy: …dốt nát như thế mà đi chấm trường, chôn sống biết bao nhiêu người […].
 Thì ra hai câu tứ lục ấy chính của cụ Nguyễn, ý cụ đặt như thế này:
Lưu hành chi hoá tự Tây, Đông Nam Bắc vô tư bất phục
Tạo tựu chi công tự Cảo, Mân Kì Phong dĩ mạc bất hưng” […]. Bởi vì nhà Chu khởi ở phương Tây, đóng kẻ chợ ở đất Cảo, người ta chỉ có thể nói “Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, các phương Đông Nam Bắc đâu đâu cũng phục cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, các xứ Mân Kì Phong đều cùng dấy theo. Chứ ai lại nói “Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, phương Đông, cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, xứ Mân”…
(NTT, TP, tập 2, 367, NXB VH, 1977)

 Được người yêu nhờ quy tắc đánh vần dấu câu

Ông bố nọ muốn lấy tên nhà thơ La Mã vĩ đại Virgile đặt cho con trai mình. Khốn nỗi, ông lúng túng viết nhầm thành VIRGULE, tiếng Pháp có nghĩa là dấu phẩy. Anh chàng lớn lên cũng khẳng khiu như dấu phẩy, không thành nhà thơ mà vào làm bưu điện. Anh thầm yêu trộm nhớ cô hàng xóm Sophie. Cô gái này lại yêu chàng trai không yêu cô. Bao nhiêu thư gửi đi mà không nhận được hồi đáp. Rồi một hôm cô quyết định ra bưu điện gửi bức điện (chứ không viết thư nữa) cho chàng trai nọ.

- Tôi muốn gửi một bức điện. Cô buồn rầu nói mắt không nhìn Virgule - nhân viên bưu điện.
- Cô vui lòng đọc nội dung… - Virgule cầm bút cảm động lắp bắp nói.
- “Je t’aime, virgule, Je t’adore, virgule, Je voudrais tant que tu me dises que tu m’aimes aussi, point.” (Em yêu anh, phẩy, em thương anh, phẩy, em muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em, chấm). Anh chàng Virgule không cho virgule là dấu phẩy mà hiểu đó là tên mình: Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule…

Anh chàng bưu điện yêu cầu cô gái nhắc lại. Sophie làm theo Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule…Mắt anh ta sáng lên. Sophie nhận ra anh chàng này đáng yêu làm sao. Virgule thì thầm nói “Anh cũng yêu em, Sophie!” Và họ đến với nhau.

Đặt nhầm dấu phẩy, thoát một mạng người

Giai thoại về Alexandre Đệ Tam (Nga): khi ông từ chối ân xá cho một phạm nhân “Pardon impossible, to be sent to Siberia”. Vợ ông là Dagmar (cháu gái vua Đan Mạch Christian IX) là một người vô tâm, nên đã đánh nhầm dấu phẩy thành “Pardon, impossible to be sent to Siberia”. Thế là người tù này thoát tội. Đây là kiểu mơ hồ có trong mọi ngôn ngữ do dấu phẩy ngắt phần “không được” vào hai vế khác nhau của câu. Ví dụ:

Tiếng Việt:
a) Khi uống bia, không được cho đường.
b) Khi uống bia không được, cho đường.
c) Khi uống bia không, được cho đường.
Tiếng Nga:
a) Казнить,нелзя помиловаь (Xử tử, không ân xá)
b) Казнитьнелзя, помиловаь (Không được xử tử, ân xá)
Như vậy, có những tình huống dấu phẩy vắng cũng được, có cũng chẳng sao. Nhưng có những tình huống nếu vắng dấu phẩy sẽ gây ra những tổn thất khôn lường.

GS TS NGUYỄN ĐỨC DÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến