Bài 3 VỀ NGHI VẤN BÀI THƠ TIẾNG THU của Lưu Trọng Lư - Nguyễn Quảng Tuân

VỀ NGHI VẤN XUNG QUANH BÀI THƠ
TIẾNG THU của Lưu Trọng Lư
............................................................................
Bài 3
--------


Nguyễn Văn Quang – Thành phố Hồ Chí Minh hỏi:

Nhân dịp Giáo sư Nhật Bản Numano Mitsuyoshi, Đại học Tổng hợp Tokyo tới Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi có gặp một người Nhật trong phái đoàn và trong câu chuyện giao lưu văn hóa, tôi có hỏi đến bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư được dịch sang tiếng Nhật. Người Nhật đó nói có biết bài dịch đó. Xin ban Hỏi - Đáp của Tạp chí Hồn Việt, nếu có được bài thơ dịch ấy vui lòng chép lại cho chúng tôi và chúng tôi cũng xin hỏi, trong vấn đề giao lưu văn hóa, trước kia Lưu Trọng Lư có lấy cảm hứng từ một bài thơ xưa nào của Nhật không? Nhưng Lưu Trọng Lư không biết tiếng Nhật nên Nguyễn Vỹ hồi đó cho rằng ông đã mượn ý qua một bản dịch sang tiếng Pháp. Nếu ban Hỏi - Đáp có được bài dịch sang tiếng Pháp cũng xin chép lại cho chúng tôi được biết. Xin thành thật cảm ơn.

-----------------------------------------------
Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời:

Vấn đề này đã được Nguyễn Vỹ, một người bạn của Lưu Trọng Lư, nêu ra từ những năm 40 của thế kỷ trước. Gần đây bài Tiếng thu lại được nói đến ở nước ngoài và một giáo sư người Nhật tên là Kawaguchi Ken-ichi, trong quyển Tônan – Azia Bungaku no Shôtai, Sei-unsha, Tôkyo, 2001 (Lối vào văn học Đông Nam Á) đã dịch bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư sang tiếng Nhật:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Urumu tsuki no shita ni
Kimi wa kikazuya
Susurinaite iru aki wo
Ura wakitsuma no kokoro ni
Kimi wa kikazuya
Senjô ni yukishi otto no omokage e no
Yamigataki omoi wo
Aki no mori ni
Kimi wa kikazuya
Samayou shika ga kareba wo fumu
Sono kasokeki oto wo

Vị giáo sư người Nhật này không thắc mắc gì bài thơ của Lưu Trọng Lư có chịu ảnh hưởng gì bài waka cổ của nước ông tuy cũng có con nai vàng đạp trên lá vàng khô:

Okuyama ni
Momiji fumiwake
Naku shika no
Koe kiku toki zo
Aki ga kanashiki

Có thể dịch là:

Trong núi sâu
Đạp và làm tung lên những chiếc lá phong đỏ
Của con nai kêu
Chính là khi nghe thấy tiếng
Mùa thu buồn làm sao

Bài thơ tiếng Nhật như bài này phải đọc ngược từ câu dưới lên mới hiểu được rõ nghĩa. Chính vì vậy mà Michel Revon, một giáo sư ở Đại học Sorbonne, trong quyển Anthologie de la poésie japonaise (Hợp tuyển thơ Nhật Bản) do Delagrave xuất bản năm 1910 ở Paris đã dịch ngược như vậy là:

Combien triste est l’automne
Quand j’entends la voix
Du cerf qui brame
En foulant et dispersant les feuilles des érables
Dans la profondeur de la montagne

Xin dịch lại như sau:

Mùa thu buồn làm sao
Khi tôi nghe tiếng
Con nai nó vừa kêu
Vừa đạp và làm tung lên những chiếc lá phong
Ở trong núi sâu

Theo Nguyễn Vỹ thì Lưu Trọng Lư đã mượn ý của bài waka nhưng lại qua một bản dịch tiếng Pháp vì ông không biết tiếng Nhật. Sự phỏng đoán ấy của Nguyễn Vỹ có thể là đúng như chúng tôi đã tìm đọc được bài dịch của Michel Revon trong quyển Anthologie de la poésie japonaise.

Nhưng Lưu Trọng Lư, nếu không trông thấy rừng phong với con nai chạy đạp trên lá vàng hay lá hồng mà mượn ý trong một bài thơ của Nhật dịch sang tiếng Pháp thì cũng không có gì là lạ cả. Cái quí là Lưu Trọng Lư đã diễn tả được thành những câu thơ Việt Nam thật hay cũng như Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ của Thôi Hộ:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

mà viết ra hai câu lục bát thật hay:

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Thì cũng có ai nói gì đâu mà còn thán phục nữa.


Học giả NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến