TRẢ LỜI ẨU: KHÔNG PHẢI TỪ CÓ TRONG TỪ ĐIỂN LÀ CÓ THỂ MANG RA DẠY HỌC SINH

 TRẢ LỜI ẨU: KHÔNG PHẢI TỪ CÓ TRONG TỪ ĐIỂN

LÀ CÓ THỂ MANG RA DẠY HỌC SINH

Những người có trách nhiệm trong biên soạn và thẩm định Sách giáo khoa tiếng Việt Một trả lời rằng, những từ bị dư luận cho là tiếng địa phương, tiếng lóng... đều có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, nên không thể xem là không thông dụng hay không phổ thông. Trả lời như vậy là ẩu, coi khinh người đối thoại và người đọc.
Nguyên tắc ai cũng biết về Từ điển là phải ghi nhận toàn bộ vốn từ đã và đang sử dụng trong đời sống, từ từ cổ đến từ hiện đại, kể cả từ lai tạp và từ địa phương của các vùng miền. Một từ điển tốt cho việc tra cứu phải là từ điển có dung lượng từ giàu có nhất, kể cả tiếng lóng, tiếng tục. Điều này không chỉ cho tiếng Việt mà cho tất cả các thứ tiếng.
Nếu chỉ là từ thông dụng hay phổ thông thì Từ điển phải dùng định ngữ "phổ thông" hay "thông dụng" làm giới hạn.
Từ điển của Hoàng Phê có gần 40.000 mục từ dựa trên 100.000 phiếu điều tra từ thực tế đời sống của người bản ngữ, kể cả phương ngữ. Gọi là điều tra thì ắt ai cũng hiểu người làm từ điển phải khảo sát từ chính cuộc sống chứ không ngồi phòng lạnh mà nghĩ ra hết cả kho tàng ngôn ngữ của đời sống. Khác với các từ điển khác và khác với thông lệ quốc tế, Từ điển Hoàng Phê tuy có loại bỏ nhiều tiếng lóng, tiếng tục, nhưng không thể nói gần 40.000 mục từ trong đó là phổ thông hay chuẩn mực được. Tôi đã nói nhiều lần là học viết trong học đường khác với học nói. Học viết trong nhà trường đòi hỏi sự chuẩn mực, quy phạm chứ không bừa bãi. Trong khi từ điển thì 1) phục vụ cho cả nói và viết vì nó ghi nhận tiếng nói của đời sống, 2) phục vụ cho tra cứu chứ không phải để học, vì không có sách giáo khoa hay giáo trình nào đủ chỗ tha hết cả đống ngôn từ của đời sống vào đó.
Một cá nhân tôi hay bất cứ ai viết công trình nghiên cứu, làm văn, làm thơ đều chỉ sử dụng một phần rất nhỏ trong khối lượng mênh mông từ ngữ của đời sống. Cứ lấy một quyển sách dày nhất, thậm chí cả hệ thống tác phẩm đồ sộ nhất của một nhà văn, thử thống kê lượng từ sử dụng là bao nhiêu? Tôi đảm bảo một quyển sách dày nhất, vốn ngôn từ phong phú nhất cũng chỉ sử dụng khoảng trên dưới ngàn từ.
Khi bắt gặp ai đó dùng từ tôi chưa biết thì tôi tra từ điển. Tra để biết chứ không phải buộc tôi phải có toàn bộ cái vốn đó để sử dụng. Bởi nếu biết hết thì hoàn toàn thừa thãi, vì có vô số từ đồng nghĩa hoặc kém chất lượng. Viết là sự lựa chọn trong đống hỗn loạn của đời sống để diễn đạt chính xác tư tưởng, cảm xúc về hiện thực chứ không bê cả đống hỗn loạn, kể cả rác rưởi của đời sống vào sự viết để khoe.
Thú thực, rất nhiều từ trong Sách tiếng Việt Một, tôi chưa bao giờ sử dụng, nhưng tôi vẫn đọc và viết bình thường. Vậy trẻ em lớp Một học thứ ngôn ngữ ấy để làm gì? Để khoe như giáo sư tiến sỹ vẫn khoe mình nhiều chữ sao? Mà khoe cái vốn từ của dân nhậu vỉa hè như cuỗm (cắp), nhá (nhai), chén (ăn), tợp (ngậm), chả (không)... thì được danh giá là người có học sao? Nếu học viết mà cần phát triển vốn từ đó thì trẻ em ra vỉa hè học các bợm nhậu chứ cần gì vào học đường học thầy cô giáo hay học giáo sư tiến sỹ?
Mà nói thật, những từ dùng trong sách Tiếng Việt Một rất tối nghĩa trong ngữ cảnh của văn bản, tức chất lượng rất kém, chứ nếu diễn đạt chính xác điều cần diễn đạt thì coi như trẻ em học thêm cũng được. Chẳng hạn, từ nay mỗi khi dạy cháu tôi, tôi hỏi, rằng cháu có hiểu không, nó bảo "chả hiểu" thì có nghe được không? Rồi khi cháu tôi mời tôi ăn uống gì đó, nó bảo: "Mời ông nhá cơm" hay "Mời ông chén thịt", "Mời ông tợp khổ mỡ"... thì phải khen nó đã phát triển năng lực bợm nhậu sao?
Từ điển Hoàng Phê có đủ những từ ngữ nhạy cảm mang tính trần tục như "đĩ điếm", "âm đạo", "âm hộ", "dương vật", "giao cấu", "giao hợp", "đái", "ỉa"... , nếu gọi là phổ thông thì có sử dụng vào Sách giáo khoa tiếng Việt Một được không? Rồi trong số gần 40.000 mục từ đó có vô số những từ thuộc chuyên môn sâu như triết học, khoa học hàn lâm... nếu ném hết vào sách lớp Một thì vẫn biện minh là "phổ thông" được không?
Thành thật cúi đầu xin lỗi quý thầy, vì trong trả lời trên có người là thầy tôi. Tôi, một người đã trưởng thành, thấy quý thầy trả lời sai, ẩu mà không lên tiếng thì chỉ có thể là một học trò chỉ biết ăn theo nói leo, không chịu tiến bộ, ngôn ngữ cải cách của các thầy là không chịu "phát triển năng lực", trong đó hiển nhiên có năng lực phản biện.
Giữa quý thầy và trẻ em, giữa tình riêng và trách nhiệm với nền giáo dục chung, tôi phải chọn và đứng về phía trẻ em và cả nền giáo dục vậy!
Chu Mộng Long

Nhận xét

Bài đăng phổ biến