ÔNG THUYẾT NÓI SẢNG

 ÔNG THUYẾT NÓI SẢNG

Ông Thuyết vừa tự thanh minh những truyện ngụ ngôn như Cua, Cò và đàn cá, Hai con Ngựa, Gà và Ve... là những đoạn trích, trẻ em học một phần ở Tập Một, còn phần nữa nằm ở bài sau. Cho nên không có chuyện ông đưa vào những truyện phản giáo dục. Những người phản ứng về việc này, không hiển ngôn nhưng gần như đều bị chụp mũ là không chịu đọc hết sách hoặc cố tình cắt xén, xuyên tạc làm méo mó vấn đề.
Thưa ông, mọi người có mắt cả, không làm thầy bói sờ voi như đám quân xanh của ông nhạo báng. Không ai không biết đó là những đoạn trích. Còn nói cắt xén thì ông là người cắt xén mới đúng. Một câu chuyện là một chỉnh thể, ông cắt đoạn ra như vậy thì ông có hình dung trẻ em học bài nào biết bài nấy không? Và nó biết gì khi học bài Cò lừa con cá để "chén" hết cả đàn, Cua thì mất tiêu, biết gì khi hai con Ngựa đắc chí xem sự trốn việc là "có lý"? Chờ học đến tập Hai mới giải thích cho trẻ để tẩy não sao? Chờ đến khi ấy trong đầu con trẻ đã bị nhồi đủ thứ lười biếng, lừa lọc, láu cá rồi ông ạ.
Đó là chưa nói khi tích hợp dạy chữ với dạy lối sống qua ngụ ngôn, không có câu chuyện ngụ ngôn nào đúng với nguyên bản. Các mẩu chuyện này bị xuyên tạc trắng trợn làm cho mấy nhà ngụ ngôn nổi tiếng như La Fontaine, Tolstoy phải xấu hổ. Xấu hổ vì câu chuyện tối nghĩa, phản giáo dục, cú pháp thì rối rắm và mơ hồ, lời văn như tiếng nói vỉa hè, chợ búa: "chả", "nhí", "nhép", "nhá", "chén"... Ai xuyên tạc làm méo mó vấn đề?
Dạy học phát triển năng lực gì vậy? Năng lực sống với những chuyện ứng xử ngớ ngẩn, láu cá... Năng lực ngôn ngữ với tiếng lóng vỉa hè, chợ búa sao?
Tôi khẳng định đây không là những “hạt sạn” mà là lỗi có hệ thống, từ nhận thức không đúng về dạy học phát triển năng lực dẫn đến biên soạn Chương trình và Sách giáo khoa vượt tầm trẻ em và vô cùng có hại. Hẹn ngày mai mời ông và các bạn đọc đầy đủ về cái lỗi hệ thống này.
Chu Mộng Long


Nhận xét

Bài đăng phổ biến