DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC: SAI CÓ HỆ THỐNG CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG HẠT SẠN

 DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC:

SAI CÓ HỆ THỐNG CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG HẠT SẠN

Lời ngỏ: Đây là nguyên văn bài Thanh niên đặt hàng. Nhưng hôm nay đọc xong, tôi đau như bị thiến, vì chẳng đầu chẳng đuôi trong cái mớ loằng nhoằng của những ý kiến khác. Có lẽ chủ báo sợ tôi đòi nhuận bút, trong khi tôi đã bảo là dùng miễn phí. Bây giờ thì khỏi share cho mất công. Đăng toàn văn ở đây. Các bạn chịu khó đọc kỹ để thấy ông Thuyết ông Thống và Hội đồng thẩm định không hiểu gì hoặc hiểu lệch lạc về dạy học phát triển năng lực nhưng vẫn to gan "tợp khổ mỡ" 34 ngàn tỷ của dân!
------------
Dư luận đang nóng lên về sách giáo khoa cho lớp Một hiện hành từ quá tải (nhiều môn học) đến những câu chuyện ngụ ngôn phản giáo dục, hoặc tối nghĩa, hoặc nhảm nhí, rồi leo thang đến những hệ thống ngữ liệu cho dạy học tiếng Việt, kể cả những môn học có chữ. Nhiều tiếng địa phương, tiếng lóng, những từ ít dùng hoặc xa lạ với trẻ em như “gà nhí”, “gà nhép”, “chả”, “vọt”, “chén”, “nhá”, “hí hóp”… Tôi là nhà chuyên môn, không chạy theo dư luận, nhưng phải lắng nghe dư luận, bởi dạy học phát triển năng lực là phát triển cho người học, không thuộc chủ quan của nhà chuyên môn. Phụ huynh và giáo viên gần với trẻ em, biết năng lực trẻ em tiếp thu và phát triển đến đâu hơn là các chuyên gia có học hàm học vị.
Tôi hiểu khi đưa nhiều truyện ngụ ngôn cùng với những từ ngữ xa lạ như vậy, những người soạn sách muốn đáp ứng mục tiêu và chuẩn đầu ra của Chương trình là phát triển kỹ năng sống và kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em. Nhưng phát triển kỹ năng vượt bậc như vậy là hoàn toàn sai lầm.
Phải xác định Chương trình và Sách giáo khoa nặng hay nhẹ là thuộc về khả năng tiếp nhận và phát triển năng lực của người học chứ không phải thuộc dung lương kiến thức và hoạt động kỹ năng trong thời gian bao nhiêu như ông Tổng chủ biên thanh minh. Một Chương trình hay Sách giáo khoa dù giới hạn tối thiểu kiến thức hay gia tăng tối đa kỹ năng mà vượt tầm lứa tuổi thì vẫn phải xem là nặng.
Vygosky bằng những thực nghiệm khoa học đã chỉ ra, giáo dục là tác động, kích thích vào vùng tiềm năng của trẻ em. Đành rằng, trẻ em sinh ra có đủ mọi tiềm năng, nhưng sự phát triển của nó vận động theo từng giai đoạn. Piaget đã vạch rõ điều này. Về nhận thức, từ 1 đến 2 tuổi, trẻ phát triển kỹ năng vận động cơ thể và biểu lộ cảm xúc; từ 2 đến 7 tuổi, trẻ phát triển kỹ năng thay thế cái tương đương như hình ảnh, biểu tượng; từ 7 đến 12 tuổi, trẻ phát triển kỹ năng hình thành khái niệm trừu tượng; và từ 12 tuổi đến 15 tuổi mới phát triển tư duy hệ thống và logic. Về hoạt động sống, từ 0 đến 1 tuổi, trẻ giao tiếp với mẹ; từ 2 đến 3 tuổi, trẻ phát triển quan hệ với người thân; từ 4 đến 5 tuổi, trẻ mở rộng quan hệ với gia đình, dòng họ; và từ 6 đến 12 tuổi, trẻ mới tự tin mở rộng mọi mối quan hệ xã hội khác. Nếu bắt ép trẻ em phát triển vượt quá giới hạn ấy, về nhận thức ắt rối loạn tư duy; về hoạt động sống ắt bị tổn thương tâm lý, sinh ra rối loạn chức năng.
Nói tóm lại thế này. Các lý thuyết dạy học phát triển năng lực sau này đều căn cứ vào kết quả thực nghiệm của 2 nhà tâm lý giáo dục trên. Năng lực phát triển theo thang bậc, trình tự từ thấp đến cao. Một bài toán ở trình độ lớp Ba ném xuống lớp Một, khi đứa trẻ không làm được ắt tự nó sẽ mặc cảm nó ngu. Cũng như vậy, một em bé đang quấn quýt với cha mẹ, thân ái với thầy cô và bạn bè, đột nhiên ném nó vào đám láu cá, lưu manh, lừa đảo, ắt nó hoảng hốt và rơi vào tự kỷ. Trong trường hợp ấy, không thầy cô hay người lớn nào có thể định hướng trẻ được. Cho nên không thể lý luận rằng trẻ em cần tiếp xúc nhanh với cái xấu, cái ác để chúng trưởng thành.
Trong cái mong manh của tâm hồn trẻ, nói như ông Thuyết, ông Thống, rằng dạy cho trẻ biết cái xấu, cái ác để chúng cảnh giác cũng hoàn toàn sai lầm, vì trẻ lớp Một chưa cần như vậy.
Việc xác định trẻ em 6 tuổi vào lớp Một là phù hợp. Nhưng đây là bước dạo đầu, cũng là bước ngoặt của một tiến trình tâm lý. Điều chúng ta đang nói ở đây là trẻ em lần đầu tiên tiếp cận với chữ viết, giai đoạn mà chúng chuyển kỹ năng thay thế cái tương đương sang cái khác biệt và trừu tượng. Chữ viết là dạng ký hiệu trừu tượng nhất trong mọi hình thức thay thế từ thực đến ảo. Cho nên dạy học chữ là khó nhất. Những người soạn sách rất chủ quan khi cho rằng, trẻ vào lớp Một đã biết nói và có một vốn từ nhất định, cho nên họ đã tích hợp dạy chữ với phát triển từ mới, kể cả phát triển kỹ năng xã hội. Đó là lý do họ vừa đưa những từ xa lạ vào sách kết hợp với những câu chuyện ngụ ngôn cũng rất xa lạ với trẻ em. Trong khi họ quên một nguyên tắc tối thiểu của dạy học phát triển năng lực là dựa vào “nguồn” đã có để đi đến cái “đích” chưa có.
Thứ nhất, nguồn đã có đó chính là vốn ngôn ngữ tự nhiên mà trẻ em đã nói thông thạo trong giao tiếp hàng ngày. Sự liên kết giữa cái đã biết với cái trừu tượng mới có thể giúp trẻ phát triển đúng năng lực của trẻ mà không bị rối loạn. Cho nên khi tiếp cận với ký hiệu trừu tượng là con chữ thì những ký hiệu đó phải gắn liền với tiếng nói phổ thông của trẻ đã. Điều tối kỵ khi dạy trẻ mới học chữ là đưa vào những từ xa lạ, kể cả những biện pháp tu từ như nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ… Phải dạy trẻ bắt đầu từ chữ viết chuẩn phổ thông là “gà con” chứ không phải “gà nhí”, “gà nhép”… Phải dạy trẻ biết viết đúng “cái xẻng”, “cá trắm” chứ không phải “chị xẻng”, “chú trắm”… Khi đã nhận dạng được mặt chữ, biết đánh vần thì ắt những từ ngữ xa lạ, những biện pháp tu từ kia, hoặc trẻ em tự viết được, hiểu được và hiểu sâu thêm ở lớp cao hơn, khi đó chúng được đọc và học văn chương chứ không phải bắt ép ngay từ đầu.
Thứ hai, nhiệm vụ của giáo dục, từ nói đến viết là một quá trình chuẩn hoá. Trẻ em trong quá trình giao tiếp với người lớn, chúng đã có những vốn từ cả chuẩn lẫn chưa chuẩn trước khi học chữ, kể cả những từ ngữ ở vỉa hè, ở chợ. Khi học chữ, tất cả cái vốn tự nhiên ấy phải được chuẩn hoá, từ cách dùng từ đến cú pháp. Phải dạy trẻ biết viết chữ “ăn”, “nhai”, “không” chứ không phải “chén”, “nhá”, “chả” của ngôn ngữ vỉa hè, chợ búa... Theo tôi, thứ ngôn ngữ ấy, kể cả những tiếng tục tĩu, trẻ em nghe và nói theo rất nhanh chứ không cần phải phát triển vốn từ cho chúng. Giáo dục mà không chuẩn hoá ngôn ngữ tự nhiên ắt dẫn đến nói năng, viết lách và nhận thức méo mó, lệch lạc. Đó là tôi chưa nói đến người soạn sách ngoài đưa những từ ngữ rác rưởi như vậy để dạy trẻ, còn có những mẫu câu rất lạ làm cho các câu chuyện ngụ ngôn đã khó hiểu lại càng thêm tối nghĩa. Chẳng hạn câu: “Chị… cho ve tí gì nhé? Gà cho ve và thủ thỉ…” đố biết cho tí gì là cho cái gì?
Thứ ba, hậu quả của việc dạy chữ ắt kéo theo rối loạn về kỹ năng sống. Hầu như tất cả những chuyện ngụ ngôn, ngoài sửa chữa nguyên tác cho vừa khung học vần, bắt ép con chữ với mớ ngữ liệu xa lạ, tối nghĩa, lệch chuẩn vào trong đó, làm cho trẻ em không biết mình đang trải nghiệm cái vốn sống gì ở đây? Với trẻ lớp Một là trải nghiệm kỹ năng sống với gia đình, bè bạn, thầy cô, tất cả đều đang hồn nhiên, trong sáng và chuẩn mực, những chuyện ngụ ngôn không đầu không cuối, toàn câu tối nghĩa và từ ngữ vỉa hè, kể cả nội dung bên trong là các quan hệ phức tạp như trốn tránh trách nhiệm, lười biếng, lừa đảo, láu cá…, trẻ em có bị hoảng sợ, mất niềm tin và rơi vào tự kỷ không?
Tôi khẳng định đây không là những “hạt sạn” mà là lỗi có hệ thống, từ nhận thức không đúng về dạy học phát triển năng lực dẫn đến biên soạn Chương trình và Sách giáo khoa vượt tầm trẻ em và vô cùng có hại.
TS. Châu Minh Hùng
(Trưởng Bộ môn Khoa học xã hội, Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non, Trường Đại học Quy Nhơn)
-------
Hình 1: Sơ đồ Vùng phát triển gần của Vygosky.
Hình 2: Thang bậc về năng lực nhận thức của Piaget.
Hình 3: Thang bậc về năng lực điều tiết và thích nghi xã hội của Piaget.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến