TRÁI và QUẢ


TRÁI và QUẢ
Trong tiếng Việt có hai từ "trái" và "quả" đồng nghĩa. Các nhà ngôn ngữ học xác định rằng quả là từ Hán - Việt, còn trái mới là từ bản địa. Tuy nhiên, khi đã vào tiếng Việt, từ quả đã hoạt động tích cực và lấn át trái, đẩy trái vào phạm vi hoạt động hẹp ở tiếng địa phương miền Nam và một vài cách dùng trong ngôn ngữ toàn dân.

Một trong những cách dùng như vậy là trái trong tư cách "loại từ", dùng để gọi một bộ phận được xem như rất quan trọng, là biểu tượng của tình cảm con người, đó là trái tim. Có thể vì quả khiến người ta hình dung rất rõ nét về dạng của sự vật, nên khi nói quả tim thì người Việt thấy "tim" nặng về hướng vật chất thể xác, còn khi nói trái tim thì người ta lại hình dung thấy đó là một sự vật trừu tượng và thanh tao, nơi ẩn giấu đồng thời là khởi nguồn của những tình cảm chân thành và cao thượng của con người.

Người ta cũng thường thắc mắc vì sao có thể nói được là quả tim, quả thận (và cả quả đấm, hoặc đôi khi cả quả mông nữa), mà lại không nói quả đầu. Chẳng phải "đầu" cũng có hình như một quả cây, và nếu xét về kích thước thì chẳng phải là có biết bao sự vật khác to hơn "đầu" nhiều lần mà vẫn được gọi là quả (quả núi, quả đất...) đó sao?

Câu hỏi này có thể làm lúng túng nhiều nhà ngôn ngữ học, trong số đó có cả người đang kể câu chuyện này. Và, câu trả lời có vẻ vô trách nhiệm nhất là bảo rằng vì người Việt vẫn nói như thế (cũng như bảo rằng Vì ông trời đã sinh ra thế).

Nhưng quả thật người Việt đã trả lời rằng "tim" và "thận" dễ khiến người ta liên tưởng đến "quả" hơn (so với "đầu"). Vâng, từ quả vốn dùng để chỉ sự vật trên cây - do bầu nhụy hoa phát triển mà thành, bên trong chứa hạt, và từ ấn tượng về dạng hình cầu thường gặp ở sự vật này mà người Việt đã dùng tên nó (quả) để gọi nhiều sự vật khác được coi là có hình dạng tương tự như nó. Tuy nhiên giữa một số bộ phận cơ thể người và "quả" của cây có sự liên tưởng hơi khác (chứ không hoàn toàn như "núi" và "đất" trong sự liên tưởng tới "quả" của cây). Có thể là khi gọi "tim" và "thận" là quả, người ta còn chú ý rằng các bộ phận cơ thể này và "quả" cây có điểm chung (có thể được xem như quan yếu, và “đầu” thì không có) là treo trên cuống và chúc (hoặc có vẻ như chúc) xuống dưới.

Với “đầu”, có thể mặc dù nó cũng đại khái là hình cầu, nhưng người Việt đã rất bị phân tâm và không dám gọi nó là “quả”. Nói là "không dám" bởi trên thực tế vẫn có những thanh niên nghịch ngợm, ăn nói phá cách kiểu "hôm nay phải đi làm quả đầu cho nó mát" (tức là cắt tóc), v.v.. Chắc vì thấy còn nhiều sự vật khác rất gây chú ý đi kèm ở “cái vỏ” tức là ở bề mặt của nó. Và rất khó đoán xem bên trong nó có “hạt” hay có những cái gì hoặc đang xảy ra những cái gì...

Tạ Văn Thông

Nhận xét

Bài đăng phổ biến