HOANG MANG TRƯỚC THỀM NĂM HỌC MỚI


HOANG MANG TRƯỚC THỀM NĂM HỌC MỚI

 Không phải đến trước thềm năm học mới này, dư luận xã hội mới xôn xao về sách giáo khoa, mà năm nào cũng có chuyện. Nhưng, dư luận nổi sóng ba đào dữ dội nhất là khi trên mạng lưu hành một clip với hình ảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh dạy học sinh lớp 1 đánh vần: “Qua” đọc là: Cờ - ua – qua; “Ki” đọc là: cờ - i - ki. “Uôn” đọc là: ua - nờ - uô. Các chữ K, Q, C đều phát âm là... cờ. Theo người chia sẻ clip: cách đánh vần này được giáo viên dạy theo sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại. Cách đánh vần này khác hoàn toàn với cách mà các phụ huynh đã từng học là: K (ca); Q (cu), C (cờ). Một cuộc tranh luận nổ ra tưởng chừng như không bao giờ dứt. Phụ huynh thì lo lắng, hoang mang. Giáo viên thì rối bời.

Chuyên gia ngôn ngữ thì dè dặt, băn khoăn không biết trả lời đúng sai. Chưa có tổng kết, đánh giá. Tiếng Việt lớp 1 nằm trong bộ sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ trương từ năm 1986. Năm 2013, Bộ Giáo dục - Đào tạo có quyết định cho phép cuốn Tiếng Việt lớp 1 của ông được áp dụng đại trà. Năm 2002, bộ sách này bị dừng bởi Luật Giáo dục quy định thực hiện thống nhất cả nước một chương trình, một bộ sách giáo khoa. Gần đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo thời bộ trưởng Phạm Vũ Luận và thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại cho phép bộ sách này thực nghiệm đại trà trong nhà trường. Một cách học (cụ thể là đánh vần) phải được nghiệm thu, tổng kết, đánh giá trên cơ sở khoa học có thể dạy thực nghiệm ở một số trường, nhưng đưa vào thực hiện đại trà là điều không thể chấp nhận và nó trái với Luật giáo dục.

Không dừng ở chuyện “đánh vần lạ”, các phụ huynh, giáo viên và những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà lại tiếp tục phát hiện ra nhiều vấn đề nan giải, bất cập, thậm chí sai lệch trong sách giáo khóa Tiếng Việt 1. Có lẽ ngổn ngang ý kiến nhất là bài Quả bứa (sách Công nghệ giáo dục), trang 87, sách Tiếng Việt 1, tập 2, viết: "Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả bứa, liền la to. Sáu nhanh tay nhặt lấy. Hai đứa tranh nhau, cứ giành đi giành lại. Vừa may, có cậu Cả đi qua, hai đứa nhờ phân xử. Nghe hai đứa lần lượt để lại chuyện đã xảy ra, cậu Cả lấy dao bổ quả bứa ra làm hai, đoạn, phán quyết: "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này.
Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi". Hai đứa ngẩn tò te, trơ mắt ra".

 Đọc bài Quả bứa, có người đọc đặt câu hỏi: “Chẳng biết viết ra mẩu truyện này, người viết muốn nói điều gì? Ban soạn thảo chương trình chọn bài này để dạy các em điều gì?” Lập tức có người hiểu: “Là dạy trẻ biết nhường nhịn nhau, phân chia nhau dứt khoát trước khi bọn xấu có cơ hội dùng tiểu xảo lợi dụng chiếm đoạt của mình”. Lại có người hiểu: “Ghét thì nghĩ bài này dạy trẻ hư thôi. Còn không ghét thì sẽ nhận ra thông điệp: đưa ra cái xấu để nhận diện. Cô giáo sẽ hỏi: các con có thấy hành động lừa dối như thế là tốt không? Chẳng giáo viên nào đần đến mức không giải thích cho các con cái xấu cần phải tránh. Đừng sợ.”. Nhưng, cũng có phụ huynh hiểu rằng: Dạy bài Quả bứa chả khác gì dạy sớm cho trẻ em học tính giành giật, tiểu xảo, khôn lỏi, hớt tay trên. Rất không nên. Hoặc: “Truyện Quả Bứa này dạy cách tháu cáy, khôn lỏi y như Trạng Quỳnh vẽ giun kêu vẽ rồng, y như chuyện người nông dân lừa trói cọp châm lửa đốt, rồi nói trí khôn của ta đây.”. Cá biệt có phụ huynh gay gắt với bài Quả bứa: “lời lẽ rất phản cảm. Gọi nhau bằng mày – tao mà đem dạy trẻ em còn trong sáng ngây thơ. Dạy trẻ em nhận diện kẻ xấu không nhận ra, mà nhiễm tính cơ hội, tiểu xảo ngấm vào người lúc nào chẳng biết. Lại có người nghĩ: “Vẫn cần dạy cho trẻ bài Quả bứa, nhưng nên phải viết thêm vài dòng lật tẩy cái sự tháu cáy, tiểu xảo của kẻ xấu chia phần rồi chiếm đoạt cho rõ ràng”.

Một văn bản đa nghĩa, người lớn còn hiểu theo nhiều cách như vậy, có nên chọn cho học sinh học hay không? Vậy thì, không hoang mang không được. Hoang mang và lo sợ là nỗi niềm của phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục, chứ trẻ em như tờ giấy trắng vẽ cái gì lên đó thì vẽ, vẽ đẹp thành đẹp, vẽ xấu thành xấu, đã biết gì đâu.

Ở một văn bản khác: bài học "Bé xách đỡ mẹ" cũng nhiều điều tiếng khen chê và phản biện. “Mẹ và bé đi chợ về. Bé đi nhanh, mẹ thì ì ạch, có vẻ vất vả lắm.
- Mẹ à, mẹ xách nặng quá hở mẹ?
- Bé có cách gì đỡ cho mẹ?
- Có cách, mẹ ạ!
- Cách gì đó bé?
- Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ.”

Giật cả mình! Thấy mẹ đi ì ạch vì mang nhiều túi xách, vất vả, thay vì xách giúp mẹ, thì bé lại đã nảy ra mưu mẹo, khôn ranh: "Có cách, mẹ ạ! Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ". Bé 6 tuổi mà đã ranh mãnh thế ư? Chả lẽ đây là một câu chuyện vui đề cao tính đột sáng, thông minh của bé để gây cười? Nhưng người đọc và phụ huynh vẫn có quyền nghĩ: Đứa bé rất láu cá. Muốn lừa cả mẹ bế nó, và xách luôn cả đồ. Người mẹ đã vất vả, ì ạch lại càng ì ạch, vất vả hơn. Đứa bé ích kỉ đến thế là cùng. Cứ như thế này thì mưa dầm thấm lâu, mưu mẹo lừa cả người đẻ ra mình sẽ dần dần ngấm vào bọn trẻ lúc nào không biết. Viết và chọn bài này vào sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đã làm cho những người lớn hiểu theo cách khác nhau, rối mù, huống hồ là học trò.

 Các cụ ngày xưa dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Bây giờ thời hiên đại thì phải vừa học lễ, vừa học văn. Chúng ta hãy xem bài học về vần "oanh/oạch"; "hoạch/quạch", người viết sách giáo khoa “chìa” ra bài: "VẼ GÌ KHÓ?” thế này:

“Họa sĩ Hoành vẽ ở đâu, các bạn nhỏ vây quanh ở đấy.
Bác à, vẽ gì khó ạ ?
Vẽ chó, vẽ trâu khó.
Vẽ gì dễ ạ ?
Vẽ ma quỷ.
Sao lại thế ạ ?
Chó, trâu quanh năm ngày tháng ai chẳng thấy, vẽ sai bị chê ngay. Ma quỷ đã ai thấy bao giờ. Thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạnh họe.”

Bác và cháu xưng hô trống không. Hỏi và trả lời nhau chỉ 1 lần dùng từ “bác”, còn lại bỏ qua đại từ nhân xưng. Chả lẽ, người ta lại vô tình dạy cho các bé cách xưng hô chỏng lỏng, vô lễ và thiếu tình người đến thế?

Phong trào nhà nhà làm sách tham khảo, người người làm sách tham khảo đi đâu cũng thấy. In ấn vô tội vạ. Vở luyện tập Tiếng Việt 1, có nhiều lỗi sơ đẳng, vô lý. Sai chính tả đến mức không tin. Từ GIỖ được viết thành DỖ trong câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày DỖ (giỗ) Tổ, mùng mười tháng Ba”; “cây NÊU” thì  lại ra “cây LÊU”. Rất cẩu thả. Dạy cái sai cho học trò từ năm đầu đi học, trẻ sẽ mang cái sai đi cả cuộc đời. Cách đây 6 năm, năm 2012 dư luận đã ầm ĩ bởi một bài toán rợn người trong cuốn sách: “Phép cộng trừ phạm vi 100”. Ở trang 11 in bài toán quái gở thế này: "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay.

Hỏi em còn lại mấy ngón tay". Bài toán có phần hướng dẫn giải tóm tắt: Bị đứt... hai ngón tay. Hỏi còn lại mấy ngón không bị đứt? Lại in minh họa. Hình vẽ là hai bàn tay, có ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải bị cắt cụt, bỏ sang một bên. Chỉ nhìn đã thấy toát mồ hôi. Vô tình dạy cho trẻ nhỏ làm quen với bạo lực quá sớm. “Phép cộng trừ phạm vi 100” như một vết chém đẫm máu vào bàn tay trẻ nhỏ đang cầm bút đến trường, và cắt tâm hồn trong sáng của trẻ bằng tư duy hời hợt, cách làm sách cẩu thả của người lớn. Tất nhiên, sách luyện tập tham khảo này bị dư luận phản đối và bị thu hồi. Nhưng, người ta không thu hồi được trái tim thánh thiện của trẻ em bị trầy xước bởi thói vô trách nhiệm của người đời.

Nhân chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt 1 có bài Quả bứa, nhà văn Nguyễn Một giật mình, đã phẫn nộ bởi sách “dạy trò tiểu xảo, lưu manh cho các bé qua câu chuyện giành giật và chia quả”. Ông buồn và kể lại chuyện: “Ngày con gái đầu còn học tiểu học, tôi nhớ có lần cháu về đọc bài tập đọc đại ý: “Nhà em có trồng giàn mướp quả rất sai, nhà ăn không hết nên mẹ em sai em đi biếu: Bác em một quả, cô em một quả, dì em một quả...” Tôi giật mình không cho cháu học. Vợ tôi hỏi: Sao vậy? Chỉ là bài tập đọc thôi mà! Tôi nói dù dạy chữ nhưng trái đạo lý không nên học. Người Việt làm gì có chuyện ăn không hết mới biếu. Muốn biếu ông bà còn nhịn ăn để biếu. Sau đó, ông đem chuyện này phản ánh cô Lê Phương Nga. Cô Nga là giảng viên lớp cử nhân giáo dục tiểu học khoá 1 hệ tại chức Đồng Nai, mà ông Một là học viên. Cô Nga hứa sẽ phản ánh với Bộ. Sau đó, bài này bị bỏ khỏi sách.

Trở lại câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – CNGD mới phát hành. Theo thông tin tràn ngập trên báo chí thì có tới 49 tỉnh với 800 ngàn học sinh học chương tình này. Con số in sách giáo khoa này lên tới 100 ngàn bản. Phụ huynh không yên lòng với sự học của con cái, có người chuyển lớp, chuyển trường cho con về “trường truyền thống”. Đành rằng cần phải trang bị tiến tới nâng cao nhận thức, tri thức của trẻ nhỏ. Nhưng, tuổi măng non lớp 1 có hiểu nổi không khi nhan nhản các thành ngữ: "trăm thứ bà giằn", "bạt ngàn san dã", "đổ vỡ tóe loe"…; hoặc các từ láy: thia lia", "thìa lìa", "quằm quặp",  "chon chót", "sứt sát", "khuýp khuỳm khuỵp"… quá khó?

Thực ra, cái mới ra đời bao giờ cũng khó khăn, phải đối diện với nhiều thử thách. Cái mới ra đời cũng chưa hẳn đã đúng ngay, mà cần đến thời gian để hoàn thiện, để đi dần đến chân lý. Song cái mới ở Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục đang còn mới quá, mới đến mức phụ huynh dường như bất lực trước sự học của con mình.

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến