MẺO và MỈU
MÈO và MỈU
Trong tiếng Việt, con mèo không
chỉ được gọi là mèo, mà còn có những tên gọi khác. Thoảng đâu đó trong truyện
hoặc phim về đề tài lịch sử, ta còn gặp một từ là miêu. Đây là một từ Hán – Việt
có từ rất lâu, là kết quả của sự tiếp biến văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và
Trung Hoa trong lịch sử.
Về mặt ngữ âm, hai từ miêu và
mèo rất gần nhau, chứng tỏ sự cảm nhận về âm thanh và lấy đó làm tên gọi cho
mèo trong quá khứ của hai dân tộc đã không quá cách xa nhau. Tuy rằng so với
mèo, từ miêu rất ít được dùng trong lời nói thông thường của người Việt, nhưng
những biến thể của nó lại đáng được chú ý.
Ở một số gia đình thị thành, mèo
nuôi trong nhà không cốt để bắt chuột mà là để làm vui cho chủ nhà. Với dáng vẻ
xinh xắn dễ thương (thường là tam thể hoặc trắng đen, đôi mắt chăm chú lóng
lánh, bộ ria ngộ nghĩnh và cái mũi hếch thơ ngây), mèo được ăn bằng đĩa, được
vuốt ve trau chuốt bộ lông, được ngồi vào lòng để nghe những lời thủ thỉ tâm
tình, và có khi còn “mạnh dạn” chui vào chăn cùng chủ nhà nữa. Thật đáng được gọi
là miu. So với tên gọi mèo và miêu, quả thực miu gợi lên hình ảnh con vật nhỏ
bé đáng yêu hơn.
Thế rồi có thành ngữ "Chưa
biết mèo nào cắn mỉu nào". Chẳng lẽ trên đời còn có con vật tên là mỉu nữa
ư? Trong tiếng Việt có hàng loạt cặp từ tương tự nhau với một vế mang thanh “hỏi”,
ví dụ: xinh và xỉnh, con và cỏn, toi và tỏi, tẹo và tẻo…, trong đó từ thuộc vế
thứ hai (mang thanh “hỏi”) mang thêm sắc thái nghĩa là nói hơi quá một chút với
hàm ý hài hước, âu yếm hay mỉa mai… Như vậy, mỉu có thể cũng là biến thể của
miu. Cũng là chỉ “mèo” cả thôi, nhưng so với miu thì dường như cái con vật được
gọi là "mỉu" ấy lại trở lên dữ tợn ghê gớm đến mức trở thành kỳ phùng
địch thủ của con vật được gọi là mèo.
Cách đâu không lâu, có một trào
lưu săn lùng mèo để… ăn thịt, vì có tin đồn là món “đặc sản” này rất “bổ dương
tráng khí”. Xuất hiện ở đâu đó những quán ăn như thế, và dân nhậu trong lúc lơ
mơ đã gọi mèo là tiểu hổ (tức là hổ bé). Quả thực mèo và loài thú dữ lớn lông
màu vàng có vằn đen (hổ) này không những có tình họ hàng, mà theo truyền thuyết
thì còn có nghĩa thầy trò: Mèo đã dạy hổ rình mồi, tập nhảy và tập vồ, chỉ
không dạy một miếng võ trèo để đề phòng phản trắc… Tuy nhiên, gọi mèo là tiểu hổ
còn vì một nguyên nhân tâm lý khác nữa: Ăn thịt chúa sơn lâm (dù đó chỉ là
“chúa sơn lâm” trên tên gọi) hẳn là thỏa chí và khoái khẩu hơn là ăn thịt cái
loài hiền lành chỉ dọa được chuột nhắt kia. Gọi tên món ăn một cách sang trọng
chẳng khác gì thêm gia vị cho nó!
Tạ Văn Thông
Nhận xét
Đăng nhận xét