AI MÀ NÓI DỐI VỚI AI


AI MÀ NÓI DỐI VỚI AI

Từ ngày xưa hẳn đã bao thế hệ người Việt không khỏi mỉm cười khi nghe câu ca dao:

Ai mà nói dối với ai
Thì trời giáng họa cây khoai giữa đồng

Ở nông thôn Việt Nam ngày xưa, người ta một khi thề thốt mà đã phải gọi đến cả ông trời, tức là câu chuyện đã đến lúc nghiêm trang hoặc rất gay cấn. Một số cách thề thốt nặng lời thường gặp là: Nếu như thế… như thế… thì trời tru đất diệt (trời đánh thánh vật, trời làm ốm làm đau, trời làm mù hai mắt, trời làm…), hoặc: Trời giáng hoạ đứa nào mà…

Thử tưởng tượng tình huống của câu ca trên: Giữa đống hoang tàn của những bát đĩa vỡ và trong những bề bộn của những ngôn từ chì chiết chát chúa vì ghen tuông, bỗng ỏn ẻn một giọng điệu mô phỏng và bóp méo lời thề thốt quen thuộc: Nếu mà ai nói dối với ai đó thì trời sẽ “giáng họa” vào cây khoai giữa đồng… Cái ngược đời là ở chỗ: Tình thế thì cực kỳ nghiêm trọng (đến mức phải thề gọi đến cả trời), mà dưới cái vỏ "thật thà" kia lại là một nội dung hết sức ỡm ờ!

Sự thể là: Trong lời thề thốt “Ai mà nói dối với ai…”, thì ai ở vị trí thứ nhất (ai mà…) có thể là chỉ người nói, còn ai ở vị trí thứ hai (… với ai) có thể chỉ người nghe. Nhưng cũng có một cách hiểu khác rằng “ai” ở vị trí thứ nhất là người nghe, còn “ai” kia là người nói. Thậm chí còn có thể nghĩ rằng “ai” ở cả hai vị trí đều là những người khác nào đó, là bất kỳ người nào (chứ không phải là ai trong hai người)… Chính sự không rõ ràng đó đã tạo nên vẻ ỡm ờ trong lời thề thốt có vẻ thật thà ấy.

Nhưng chưa hết: Vẻ ỡm ờ còn ở vế thứ hai của câu ca “Thì trời giáng họa cây khoai giữa đồng”. Cây khoai giữa đồng nào đó cũng là một sự vật hết sức kém xác định, và nhất là nếu nó lại bị "giáng họa" thật thì phỏng có liên quan gì đến ai!

Nhân đây xin được bàn thêm rằng cái hình ảnh “cây khoai giữa đồng” tội tình vì bị đòn oan nọ rất dễ làm liên tưởng tới một lời thanh minh khác có vẻ thật thà hơn trong câu ca dao:

Anh đang vác cuốc thăm khoai
Nào anh có dám thăm ai ngoài đồng

Tạ Văn Thông


Nhận xét

Bài đăng phổ biến