MỪNG XUÂN BÍNH THÂN – BÀN CHUYỆN KHỈ KHỌT – Lê Minh Quốc

MỪNG XUÂN BÍNH THÂN
BÀN CHUYỆN KHỈ KHỌT 

Nhà văn Phi Vân của Nam bộ có truyện “Trao thân con khỉ mốc” rất hay, kể rằng đàng trai đi rước dâu tại xóm Kiến Vàng, phải đi ghe máy mất hai ngày. Đến nơi, nhà gái lại làm khó, bắt bẽ từng chút một, từ khay trà rượu, câu đối liễn đến bông đeo tai… Bực lắm nhưng nhà trai vẫn nín nhịn, đến lúc đưa được cô dâu lên ghe máy thì ông trưởng tộc còn chạy đến yêu cầu làm lễ “trao thân gửi mình”. Việc này vượt quá mức chịu đựng nhà trai nên trưởng tộc nhà trai nhảy xuống ghe nói với lên một câu: “Trao thân... con khỉ mốc!”.

Chỉ cấp độ “mốc” cao hơn còn có mốc xì, mốc khô, mốc thếch, mốc meo, mốc xanh ra, mốc hoa cau... Đoạn văn trên, “mốc” có nghĩa phủ định, không có hoặc chẳng có giá trị gì. “Phải chi lấy được vợ vườn/ Tập đi cầu khỉ thêm đường dọc ngang”. Có phải do lúc đi qua cầu khó khăn, dễ té như lúc đang đi xiếc, không khéo rớt ùm xuống sông nên mới chết tên “cầu khỉ”?

“Trò khỉ” dứt khoát là trò nhố nhăng, không thể chấp nhận.

Trong nhiều ngữ cảnh, từ khỉ lại hàm nghĩa khác hẳn, chẳng hạn hai người trò chuyện: “Hôm trước cậu được bồ nhí bao ăn nhà hàng à?”, “Khỉ họ! Làm gì có”; “Cậu vừa mua hàng đa cấp chứ gì?”, “Cái khỉ khô đó mua về thêm rác nhà”; “Ơ kìa, đi một mình à? Thế anh chàng đẹp trai hôm nọ đâu?”; “Hỏi chi cái thứ khỉ đột đó nữa. Xù rồi”. “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/ dưới sông cá lội trên rừng cọp um”. “Khỉ khọt” là nhiều khỉ, sống từng đàn nhưng câu nói: “Chà, cái lớp này học trò khỉ khọt quá mức”, nghĩa là các em hay đùa nghịch, liến láu, liến khỉ, tinh nghịch chạy nhảy cứ như “khỉ mắc phong”. Tương tự, trường hợp nhân vật trong Thềm hoang của nhà văn Nhật Tiến cáu gắt: “Khỉ gió, cấu chết thịt người ta đây này”; hoặc trong bài thơ của Tú Xương: “Cử nhân: cậu ấm Kỷ/ Tú tài: con đô Mỹ/ Thi thế mà cũng thi/ Ới khỉ ơi là khỉ!” hoàn toàn không có con khỉ nào ở đây cả.

Không rõ có ai đã nghe tiếng ho của con khỉ chưa? Nhưng quả thật có câu “Khỉ ho cò gáy” nhằm chỉ nơi xa xôi hẻo lánh, nơi rừng rú hoặc nơi đất đai cằn cỗi. Lại có thành ngữ “Khỉ chê khỉ đỏ đít” là chê kẻ xấu, không ra gì lại còn lên mặt chê bai người khác. Đâu phải chỉ lấy con khỉ ra ví von, người ta còn dùng mèo và chuột nữa, chẳng hạn, “Mèo khen mèo dài đuôi”; “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm”.

Khi né tránh sự bất lợi này lại gặp sự bất lợi khác còn tồi tệ, nguy hiểm hơn, có thành ngữ “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” hoặc “Tránh khỉ mắc độc già”. “Độc” là một loài khỉ dữ, dám tấn công mọi loài, kể cả con người. Với cách nói trên, có thể liệt kê hàng loạt câu nói khác nhau, để thấy rằng tiếng Việt cực kỳ phong phú, muốn cỡ nào có cỡ đó: “Tránh ông một chai gặp ông hai nậm”, chai và nậm cùng dùng đựng rượu, cũng “hũ chìm” như nhau; “Tránh ông Cả ngã phải ông Ba Mươi”, “Tránh hùm mắc hổ”, cũng đều chỉ con cọp; “Tránh ông pháo gặp ông mã”, mã và pháo là hai quân cờ; “Tránh nơi thả lưới mắc đường bẫy treo”, “Tránh lợn cỏ gặp phải gấu chó”…

Không rõ có ai thấy khỉ ăn ớt chưa? Lúc ấy, cái mặt nó nhăn nhó khó coi đến độ đi vào câu cửa miệng: “Nhăn như khỉ ăn ớt”. Lại còn nghe “Nhăn như khỉ ăn mắm tôm”, “Nhăn như khỉ ăn gừng”…

Sống trên đời chớ có dại dột “Nuôi khỉ giữ nhà”, chẳng khác gì cho bọn “phục binh” núp dưới gầm giường, tạo cơ hội cho chúng phản thùng, làm hại mình. Lời khuyên này, đâu phải mỗi con khỉ độc quyền mà còn có nhiều cách nói khác như “Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”, “Nuôi hùm để họa”, “Nuôi gà cỏ trở mỏ về rừng”, “Nuôi cò, cò mổ mắt”, “Nuôi sáo, sáo đốt nhà”…

Nhiều thế hệ ắt còn nhớ đến câu thơ của cụ Phan Văn Trị lúc “bút chiến” với Tôn Thọ Tường: “Chớ mượn hơi hùm rung nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá há lung lay”. Ấy là rút từ thành ngữ “Rung cây nhát khỉ”. Đôi khi bày vẽ cho người khác làm việc gì mà họ đã quá thành thạo có câu “Dạy khỉ leo cây”.

Con khỉ còn có tên gọi là “con tườu”. Ca dao có câu: “Ông trăng mà bảo ông trời/ Những người hạ giới là người như tiên/ Ông trời mới bảo ông trăng/ Những người hạ giới mặt nhăn như tườu”. Tại sao có sự biến âm, lột xác từkhỉ qua tườu oái oăm đến thế? Xin bàn giao lại cho các nhà ngôn ngữ học giải thích vậy.

LÊ MINH QUỐC




Nhận xét

Bài đăng phổ biến