HAI BỨC THƯ VÀ TẬP LỊCH SỬ NƯỚC AN NAM – Huỳnh Văn Mỹ + BảoTrung
HAI
BỨC THƯ VÀ
TẬP LỊCH SỬ NƯỚC AN NAM
TT - Người Việt Nam
sử dụng được chữ quốc ngữ sớm nhất ở thời điểm nào? Thật không dễ có đáp án
chính xác cho câu hỏi có vẻ đơn giản này nếu không có những bản văn viết tay
của hai người Việt được lưu lại đến ngày nay.
Trang cuối lá thư của Igesico Văn Tín viết ngày 12-9-1659 bằng chữ
quốc ngữ - Ảnh tư liệu
Đây được coi là
những sản phẩm đầu tiên mà người Việt gieo trồng và thu hoạch được trên cánh
đồng quốc ngữ vừa được khai mở...
Hai bức thư
Trong bài viết “Một
vài văn kiện bằng quốc âm tàng trữ ở Âu châu” đăng ở tập san Đại Học số 10,
tháng 7-1959 tại Sài Gòn, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết về việc Viện bảo tàng
dòng Tên ở La Mã (Ý) còn giữ được những tư liệu quan trọng. Đó là bức thư và
tập lịch sử của Bentô Thiện gửi cho giáo sĩ G. Philippo de Marini đề ngày
25-10-1659 và bức thư của Igesico Văn Tín cũng gửi cho vị giáo sĩ này, đề ngày
“mươy hay thánh chính D.C.J. ra đờy một nghìn sáu tram nam muoy chinh” (mười
hai tháng chín Đức Chúa Jesus ra đời một nghìn sáu trăm năm mươi chín).
Trong sách Lịch sử
chữ quốc ngữ (1620-1659), linh mục Đỗ Quang Chính, S.J. - người tiếp cận nhiều
tư liệu gốc cho việc nghiên cứu sự hình thành chữ quốc ngữ ngay tại các bảo
tàng và văn khố ở châu Âu - đã chép lại toàn văn các văn bản của Igesico Văn
Tín và Bentô Thiện để người đọc có thể thấy chữ quốc ngữ ở thời khởi nguyên
được viết thế nào.
Có thể nói những
người học và sử dụng chữ quốc ngữ sớm nhất ở nước ta là những tân tòng - người
mới theo đạo (Công giáo) - trẻ tuổi và ham học hỏi bởi họ gần gũi, tiếp xúc
thường xuyên với các vị giáo sĩ truyền đạo vốn là những người đang sử dụng chữ
quốc ngữ buổi đầu. Igesico Văn Tín và Bentô Thiện đều là tân tòng rồi dần trở
thành thầy giảng (đạo). Bức thư của Igesico Văn Tín được viết ở vùng Kẻ Vó
(Đàng Ngoài/tức miền Bắc). Còn bức thư của Bentô Thiện được viết tại Kẻ Chợ
(tức Thăng Long, cũng thuộc Đàng Ngoài).
Bức thư của Igesico
Văn Tín gồm hai trang, trang đầu viết trong khổ 17x25cm, có 27 dòng chữ cỡ
trung bình, trang hai trong khổ 16x9cm có 11 dòng. Thư của Bentô Thiện cũng gồm
hai trang, cỡ chữ nhỏ, viết trong khổ 21x31cm. Cả hai bức thư đều là những lời
thăm hỏi, kể về tình hình của những tân tòng, công việc truyền đạo trong vùng
cũng như bày tỏ lòng tôn kính, nhớ mong của họ với giáo sĩ Marini.
“Ơn đức Chúa Blờy
blả’ caõ cho thầi đờy đờy. Bấi nhieu mlờy tôy chép tháng mươy ĩ Igreja mà thư
nầi thi ngài Lễ Bà Thánh Daria cũ õn Thánh Chrisanto tử vì đạo, tôy lại ơn thầi
là cha vì thương đến con cũ tôy xin cha chớ quên làm chi. Từ Đức Chúa Jesu ra
đờy cho đến rài một nghìn sáu trăm năm mươy chín năm. Bentô Thiên tôy tá nhà
Thầi (Ơn đức Chúa Trời trả công cho thầy đời đời. Bấy nhiêu lời tôi chép tháng
mười Igreja, mà thư này thì ngày lễ bà thánh Daria cùng ông thánh Chrisanto tử
vì đạo. Tôi lạy ơn thầy là cha thì thương đến con cùng. Tôi xin cha chớ quên
làm chi. Từ Đức Chúa Jêsu ra đời cho đến rày một nghìn sáu trăm năm mươi chín
năm. Bentô Thiện tôi tá nhà thầy) - những câu cuối thư của Bentô Thiện. Và câu
cuối thư của Igesico Văn Tín “D. C. Blờy blả’ cõn cho Thài đờy nài và đờy sau
(Đức Chúa Trời trả công cho thầy đời này và đời sau). Cả hai cho thấy phần nào
cách dùng từ, văn phong và cách viết quốc ngữ ở giai đoạn tiên khởi.
Bìa quyển Tự điển An Nam-Bồ Đào Nha-Latin của giáo sĩ Đắc Lộ được
in ở La Mã năm 1651 - Ảnh tư liệu
Và tập lịch sử nước An Nam
Ngoài bức thư gửi
giáo sĩ G. P. de Marini, thầy giảng Bentô Thiện còn viết một tập Lịch sử nước
An Nam (LSNAN) gửi cho vị giáo sĩ này. (Tác giả Bentô Thiện không đặt tên cho
tập tư liệu lịch sử của mình, nhưng căn cứ vào nội dung tập tư liệu của ông,
linh mục Đỗ Quang Chính đã đặt tên là Lịch sử nước An Nam).
Qua lời trong thư
của Bentô Thiện gửi giáo sĩ Marini, rõ là tập LSNAN được Bentô Thiện viết gửi
cho giáo sĩ Marini theo đề xuất của vị giáo sĩ này. Căn cứ từ những dữ liệu xác
tín, linh mục Đỗ Quang Chính khẳng định tập tư liệu này được Bentô Thiện viết ở
khoảng đầu năm hoặc giữa năm 1659. Nhờ đích thân Bentô Thiện viết cho một tư
liệu lịch sử, giáo sĩ Marini không chỉ nhắm đến năng lực chữ quốc ngữ mà còn ở
vốn kiến thức của người thầy giảng mà giáo sĩ từng biết qua thời gian truyền
đạo ở vùng Kẻ Vó.
Với sáu tờ giấy
viết chữ cỡ nhỏ ở hai mặt, tức 12 trang, phần nhiều được viết trong khổ
20x29cm, có thể nói tập LSNAN là văn bản quốc ngữ “dài hơi” đầu tiên của người
Việt được lưu lại. Nhận thức rằng đây là “công trình” có giá trị với người nước
ngoài, mà cụ thể là với vị giáo sĩ mình yêu kính, Bentô Thiện đã viết thành hai
bản để gửi đến giáo sĩ Marini qua hai chuyến tàu, mỗi chuyến tàu một bản, để
phòng rủi bị thất lạc ở chuyến tàu này thì còn có bản gửi ở chuyến tàu kia. Bản
gửi theo chuyến tàu thứ nhất được tác giả ghi ở đầu thư là 1a via, còn bản gửi
theo chuyến tàu thứ hai được ghi là 2a via. Và may mắn cho bảo tàng chữ quốc
ngữ, cả hai bản sử lược này đều đến tay giáo sĩ Marini, tất cả đều còn được lưu
giữ trọn vẹn ở văn khố dòng Tên tại La Mã.
Chỉ với 12 trang
viết, LSNAN được viết hết sức đại lược. Tuy vậy những sự kiện chính yếu diễn ra
ở các triều đại đều được tác giả kể ra, cả các chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh,
Trọng Thủy - Mỵ Châu, Thánh Gióng cũng được ghi lại với những tình tiết hấp
dẫn. Ngoài phần lược sử các triều đại, cây bút “viết quốc sử bằng chữ quốc ngữ
đầu tiên” này còn dành phần nói về văn hóa: phong tục tập quán, việc hành
chính, địa lý, điểm qua một số chùa chiền, nhà thờ...
“Họ nhà Mạc thì
trốn lên Cao Bằng hết, còn có ai ở đâu thì Chúa (tức Chúa Trịnh) lại bắt. Nước
Annam đã an hết về làm một nhà Lê mà thôi. Còn ông Đoan là cha ông Thụy ở trong
Hóa xưa, thì Chúa Tiên đòi ra ở làm tôi, mà ông ấy thấy chúa chẳng yêu đãi cho
đủ bao nhiêu, thì ông ấy lại trốn vào ở Quảng, thì Đức Chúa ngờ là về Thanh
Hóa; chẳng ngờ ông ấy đã vào Hóa, thì Đức Chúa theo. Song le chẳng theo kịp,
thì lại trở ra Kẻ Chợ mà trị cho đến con cháu bây giờ. Rày lại đánh nhau cùng
Kẻ Quảng. Song le chửa biết đời trị loạn, thì chửa có tra vào sách” (trích).
Trong thời hoàng
kim của chữ Việt - quốc ngữ hôm nay, đọc hai bức thư của hai thầy giảng Igesico
Văn Tín và Bentô Thiện, nhất là bản LSNAN, sẽ giúp chúng ta thấy được phần nào
tiến trình cùng tài năng, công sức lao nhọc của những người dựng xây ngôi nhà
quốc ngữ buổi đầu.
……………………………………………………………………………………………..
Hai sách quốc ngữ đầu tiên
Hai sách chữ quốc ngữ đầu tiên được xuất bản là Tự điển An
Nam - Bồ Đào Nha - Latin và Phép giảng tám ngày. Được in và xuất bản tại La
Mã năm 1651, Tự điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày, theo linh mục Đỗ
Quang Chính, được giáo sĩ Đắc Lộ viết ở Áo Môn khoảng từ năm 1637-1645.
Nhận thấy ý nghĩa và giá trị của hai quyển này, Tòa thánh
La Mã đã cho phép Bộ Truyền giáo - vốn mới được thành lập từ giữa năm 1622 -
in ấn và xuất bản ngay. In ấn sách chữ Việt lần đầu là một việc làm tốn nhiều
công sức. Với các thanh điệu mới, cách ghép vần khác hẳn với chữ viết của các
nước dùng mẫu tự Latin trong vùng vốn đã quen thuộc, để có thể in được chữ
quốc ngữ, xưởng in của Bộ Truyền giáo đã phải đúc khuôn chữ in mới.
Với gần 500 trang, Tự điển Việt-Bồ-La, lúc đầu giáo sĩ Đắc
Lộ chỉ soạn bằng hai loại chữ quốc ngữ và Bồ Đào Nha. Về sau, theo ý các vị
bề trên ở La Mã, ông soạn thêm phần chữ Latin vào để tiện cho người Việt học
tiếng Latin.
Phép giảng tám ngày - công trình về giảng dạy giáo lý -
được Đắc Lộ viết bằng hai thứ chữ quốc ngữ - Latin. Theo nhà nghiên cứu Võ
Long Tê dẫn theo linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, quyển sách nổi danh về truyền
dạy giáo lý này được Đắc Lộ biên soạn hay khởi thảo từ những năm 1627-1629.
|
HUỲNH VĂN MỸ - BẢO TRUNG
Nhận xét
Đăng nhận xét