22- HƯ TRÚC


22
HƯ TRÚC
Nhà sư vướng… mộng!

Này Ðại Huệ, Bồ, bằng tâm đại bi (mahakaruna), phương tiện thiện xảo (upaya) và vô công dụng hạnh (anabhogacarya), Bồ Tát quán thấy chúng sinh như huyễn mộng, như bóng... Khi dần nhập vào từng địa (bhumi) thù thắng hơn, Bồ Tát đó đạt được Tam muội (Samadhi), hiểu rằng tam giới duy tâm (cittamatra). Tam muội đó được gọi là Như huyễn Tam muội (mayopama-samadhi)).(*) 

Trên đây là đoạn trích dịch từ kinh Lăng Già, một kháng thư thâm áo của Phật giáo Đại thừa. Kinh Lăng Già cho rằng bậc Bồ Tát nào quán sát được thế gian như là huyễn, chúng sinh như là mộng sẽ đạt được Như huyễn Tam muội là trạng thái định cao nhất được liệt kê trong kinh. Có nhiều nhà sư vì mang tài hoa mà vướng lụy, nhưng có một nhà sư không vướng lụy mà lại vướng …mộng, và vì vướng mộng nên vướng lụy, đó là Hư Trúc trong Thiên Long Bát Bộ.

Nhà văn Trung Quốc là đại sư Tô Mạn Thù đã viết một cuốn sách não nùng Đoạn Hồng Linh Nhạn Ký (Cánh hồng cô lẻ), thuật lại câu chuyện của đời mình. Con người tài hoa mang hai dòng máu Nhật- Hoa đó từ thuở nhỏ đã xuất gia đầu Phật. Sau khi phương trượng qua đời, cảm thấy bơ vơ nên muốn quay về cõi tục, nhưng kẻ xuất thân tu hành không thể chen chân nỗi với cõi đòi ô trọc, mà tiếp tục tu hành cũng không trọn nghiệp, nên suốt bình sinh cứ chìm nỗi giữa biển dâu. Những mong nương bóng thiền môn để bước chân đi trong cõi Như Lai thanh tĩnh, nên cố làm ngơ trước những tiếng lòng tha thiết, đành quay mặt đi với hai người con gái thông tuệ diễm kiều. 

Nhưng lòng kẻ tài hoa làm sao có thể dùng cõi Như Lai để xóa đi được hình bóng giai nhân vẫn luôn thấp thoáng trong từng trang kinh lời kệ? "Khuya về nhẹ mở tâm kinh, trang nào cũng thấy bóng hình của em, mở bờ sinh tử ra xem, em từ tiền kiếp là em bây giờ" (Hồ Công Khanh). Hẹn nhau từ trong tiền kiếp để bây giờ thị hiện giữa cõi Ta Bà trong từng sát na, gây vương vấn mộng hồn cho kẻ phân vân đứng giữa ngã con đường ngã ba của đời và đạo. Thi sĩ Bùi Giáng chuyển tác phẩm trên sang tiếng Việt thành Nhà sư vương lụy (NXB Văn Học, 2000) bằng ngôn ngữ ngậm ngùi cháy bỏng cả tâm can.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung cũng để cho ni cô Nghi Lâm mang cả một khối u tình vào trong cõi thanh tu. Người nữ tu kiều diễm có tâm hồn như nữ thánh đó đã héo hắt cả dung nhan vì gã “ Lệnh Hồ đại ca” mang cốt cách giang hồ lãng tử. Từng giọt lệ vướng lụy của ni cô rơi trên trang kinh trong đêm vắng, làm tê buốt tâm tình của cả nhân gian. Chuông khuya dẫn mối sầu về. Giọt buồn ai để rơi nhòe trang kinh. Chao ơi! Sư nữ đa tình...

Hết nhà sư vướng lụy, rồi đến lượt ni cô vướng lụy khiến người ta hoang mang tự hỏi hương sắc cõi đời có mỵ lực gì hấp dẫn những tâm hồn đang muốn hướng đến tuyệt đích với vô biên, đến nỗi họ đành quay mặt với cõi đạo để chấp nhận nỗi chìm giữa cõi người ta đầy khổ lụy? Cõi thiện, cõi chân không gần bằng cõi mỹ, nên đôi lúc sắc hương đời thường che lấp bóng Như Lai! 

Đã có lần viết về Giang Nam Tứ Hữu, xem đó là biểu tượng cho thảm họa của tài hoa. Mang tài hoa lánh đời nơi Cô sơn mai trang mà vẫn phải gánh chịu thảm kịch. Nhưng mang một khối tài hoa vào cửa thiền như Tô Mạn Thù vẫn là mang theo khổ não. Cho mình, cho đời và cho lẽ đạo. Đã tài hoa ắt phải đa tình, mà vì đa tình nên thường vướng lụy. 

Nhà thơ tiền chiến J.Leiba có bốn câu thơ thật ngậm ngùi:

Trần thế đã nhiều duyên nghiệp quá 
Lệ lòng mong cạn chốn am Không 
Cửa Thiền một khép trần duyên đứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng


Ông nói thế chắc để tự dối lòng, và để an ủi cho những kẻ tu hành tài hoa đang đắm chìm trong khổ lụy, vì thử hỏi làm sao có thể thực sự "quên hết người quen chốn bụi hồng" được, khi mà lưới tình bủa rộng khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, vây khổn những kẻ đa tình nương náu chốn cửa thiền trong từng trận chiêm bao?

Bất Giới hòa thượng đã làm chuyện ngược đời là vì yêu ni cô mà phải cạo đầu để khoát áo nâu sòng! Sá gì thân náu cửa Không, Cạo đầu bởi chút má hồng ni cô, Tam quy? Ngũ giới? Nam mô! Bất Giới hòa thượng tuy thô lỗ như lại đa tình. Nên ông không vướng lụy nhưng lại làm cho người ta vướng lụy.

Có lẽ chỉ có một người hiền lành chân chất, suốt đời chỉ biết kinh kệ rau dưa nhưng lại vướng lụy trong một hoàn cảnh oái ăm, đó là Hư Trúc. Con người chân chất đó không một chút tài hoa, cũng không một chút đa tình lãng mạn, và chắc chắn trái tim đó không hề biết rung cảm trước nhan sắc, cho dẫu đó là thần tiên giáng thế. Người đẹp Vương Ngữ Yên trước mặt chú cũng không khác gì tượng gỗ. 

Cõi đời thực không có gì có thể cám dỗ nỗi chú, không phải vì định lực của chú cao mà chỉ vì chú cục mịch ù lì như gỗ đá. Từ bé chú chỉ biết gõ mõ tụng kinh, một lòng hướng về Đức Phật, tai như điếc trước thanh, mắt như mù trước sắc, lòng không bị quấy nhiễu bởi vật chất trần gian, thế thì con người giống như hòn đất đó làm sao vướng lụy được? Tâm hồn chú quả giống như pháp danh Hư Trúc, nghĩa là cây trúc rỗng. 

Bút lực Kim Dung quả thật thâm hậu khi bố trí câu chuyện để chú phải vướng lụy trong một tình huống cực kỳ oái ăm! Chú bị Thiên Sơn Đồng Mỗ ép phạm sắc giới với một người đẹp xa lạ trong hầm tối om om. Mơ màng như trong cõi mộng. Cõi đời thực không làm cho chú vướng lụy thì cõi mộng sẽ kéo chú ra khỏi thiền môn!

Trong một trường hợp tình cờ, chú cứu được chủ nhân của Linh Thứu cung là Thiên Sơn Đồng Mỗ, và nhằm để tránh sự truy sát của Lý Thu Thủy, cả hai phải chui vào một hầm trữ nước đá trong Hoàng cung Tây Hạ. 

Hằng ngày, Thiên Sơn Đồng Mỗ lẻn vào vườn ngự uyển, bắt chim về buộc chú ăn để sống. Rồi đến một đêm khuya nọ, Đồng Mỗ lại mang về cho chú một cô gái. Bản năng khao khát sắc dục từ lâu bị chôn vùi dưới lớp tăng bào của cuộc sống tu hành khổ hạnh bỗng nhiên trỗi dậy, dù lúc dầu chỉ mới là cảm giác mơ hồ. Ban ngày thì phải vừa luyện võ nghệ với Thiên Sơn Đồng Mỗ, vừa lo cảnh giác Lý Thu Thủy. 

Nhưng khuya về lại có một Mộng Cô – cô nương trong giấc mộng - kề cận thâu đêm. Cả hai không biết mặt nhau và cứ ngỡ như mình đang sống trong cảnh chiêm bao, vì cứ đêm về là họ lại gặp nhau, như phép màu trong truyện Ngàn Lẽ Một Đêm. Nên họ gọi nhau là Mộng Cô và Mộng Lang. Tất cả "cõi mộng" đó đều diễn ra dưới sự sắp xếp của cao thủ tuyệt đỉnh Thiên Sơn Đồng Mỗ.

Khi quay về lại chùa Thiếu lâm với thân phận chủ nhân cung Linh Thứu, chú vẫn ngây thơ nghĩ rằng mình cần phải cầu kinh sám hối để có thể gột rửa sạch được 'tội lỗi" đã phạm. Nhưng thực ra, trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, bản năng cơ bản đã được đánh thức. 

Ngày trước khi phạm sát giới, chú đã kêu khóc ầm ĩ và xem đó là chuyện tày trời, nhưng đến khi phạm sắc giới, thì chú lại cứ man mác, bâng khuâng. Và hình ảnh Mộng Cô không ngừng ám ảnh trong tâm trí. Chú tiểu khờ khạo của chùa Thiếu Lâm đã biến thành một kẻ si tình mà chú không hề hay biết, dầu chú đang ở trong cảnh giới "dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng" (Kiều). 

Giá như chú có đủ trí huệ để “quan sát tất cả chúng sinh đều như huyễn, như mộng” thì rất có thể chú đã chứng đắc “Như Huyễn Tam Muội”! Và chú không hề hiểu rằng cõi đời đang giang tay đón chờ một người sắp sửa rời cổng thiền môn. Vì đó là con đường tất yếu cho những ai không đủ căn cơ mà lại đi thẳng vào chốn cửa “Không” thanh tĩnh, bỏ qua cửa “Hữu”đầy khổ lụy của trần gian! 

Khi đi cùng Tiêu Phong để hộ tống vị tam đệ đa tình là Đoàn Dự sang Tây Hạ cầu hôn, có ai ngờ nỗi công chúa Tây Hạ lại là chính cô nương Mộng Cô ngày nào. Cô bày ra ba câu hỏi cho các người cầu hôn để thử tìm lại anh chàng Mộng Lang thuở trước, mà rẩt có thể cô cũng nghĩ chỉ là người trong cõi mộng. 

Những ai tìm cách trả lời theo kiểu “đao to búa lớn” đều bị loại. Chỉ có Hư Trúc trả lời ba câu hỏi đó một cách dễ dàng. Không phải chú trả lời các câu hỏi, mà chú chỉ buột miệng nói ra những điều cứ ấp ủ mãi trong lòng. Nơi nào đẹp nhất trong đời chú? Là hầm đá lạnh. Người chú yêu mến nhất trong đời? Là chính Mộng Cô. Dung nhan Mộng Cô ra sao? Chú cũng không hề biết. 

Ba câu trả lời tình cờ đó lại là ba câu mà công chúa Tây Hạ đang mỏi mòn mong đợi. Cơ duyên sắp đặt để hai người trong mộng gặp lại nhau, và tân chủ nhân của cung Linh Thứu trở thành phò mã Tây Hạ. Gặp nhau trong mộng, ái ân trong mộng, nhớ nhau trong mộng, tìm gặp nhau cũng trong mộng nốt, thế thì cõi đời còn gì đẹp hơn câu chuyện Mộng Lang với Mộng Cô? 

Trong các tác phẩm của Kim Dung, chỉ có những con người khù khờ chân chất mới có được tình yêu trọn vẹn, như Hư Trúc với Mộng Cô. Ngay cả anh chàng cục mịch Quách Tĩnh cũng vô tình làm tan nát cõi lòng của Hoa Tranh công chúa khi đến với Hoàng Dung.

Tinh thần văn hóa phương Đông vẫn thường xem cõi đời là giấc mộng. Lý Bạch bảo: "Xử thế nhược đại mộng, hồ lao vi kỳ sinh" (chuyện đời như mộng lớn, việc gì phải nhọc lòng?). Đó là cõi-đời-mộng dưới mắt một thi tiên. 

Kinh Phật có bài Kệ “lục như” nổi tiếng: "Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán" (nên quán sát tất cả các pháp hữu vi như giấc mộng, như điều hư huyễn, như bọt nước, như cái bóng, như sương rơi, như tia điện chớp) nhằm khai ngộ chúng sinh thấy chân tướng cõi đời là mộng huyễn. 

Đó là cõi-đời-mộng dưới sự quán chiếu của bậc đại giác. Tô Đông Pha bảo: "Nhân tự thu hồng lai hữu tín, sự như xuân mộng liễu vô ngân" (con người như chim hồng mùa thu bay đến mang theo tin tức, chuyện đời ngắn ngủi như giấc mộng mùa xuân trôi qua mất chẳng để lại dấu vết nào). Đó là cõi-đời-mộng trong tiếng thở dài minh triết của con người tài hoa khoáng đạt nhưng lại chìm nỗi khổ đau trong hoạn lộ.

Cuộc đời là cõi mộng, nhưng vì chúng ta cứ u mê chấp mộng làm thực nên sinh ra khổ não, vì cái thực đó cũng chỉ là mộng. Nước Đại Yên của dòng dõi Mộ Dung là mộng, nhưng cha con Mộ Dung Bác đều chấp là thực nên Mộ Dung Phục phải đi đến chỗ cuồng điên. Quốc sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí suốt một đời bôn tẩu giang hồ để mong đạt được bản lĩnh vô địch, rốt cuộc ngộ được đó là cõi mộng nên mới trở thành một cao tăng xứ Thổ Phồn. Hư Trúc sống trong cõi thực nhưng cho đó là cõi mộng, nên mộng lại biến hành thực!

Không có nhân vật nào của Kim Dung lại có thể gặp những điều may mắn như Hư Trúc. Chú vịt con xấu xí Hư Trúc, trong một phút giây bỗng biến thành con thiên nga lộng lẫy quá bất ngờ, bắt đầu từ chữ Mộng. Kim Dung đã kín đáo khi để cho công chúa Mộng Cô phải luôn che mặt khi xuất hiện, có phải đó là một lời nhắc nhở: trong cái vẹn toàn như ý vẫn có chút bất toàn, hay muốn độc giả hiểu rằng: dẫu cõi mộng đã biến thành cõi thực, nhưng một phần cõi thực đó vẫn còn là mộng đấy!

HUỲNH NGỌC CHIẾN
_________

(*) O Mahamati, by deeds of great love (mahakaruna), skillful means (upaya), and effortlessness (anabhogacarya), a Bodhisattva reviews all beings and knows that they are like maya, they ressemle shadows… As he gradually goes up the higher stages (bhumi), he will realise a state Samadhi where he comes to understand that the triple world is Mind (cittamatra). The Samadhi he attains is called Maya-like (mayopama) (D.T. Suzuki, Studies in the Lankavatara Sutra, Routledge & Kegan Paul Ltd., 1968, p.97)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến