LỌT VÀO “MẮT XANH” HAY “MẮT ĐEN”?


LỌT VÀO “MẮT XANH”
HAY “MẮT ĐEN”?

“Mắt xanh” do hai chữ “thanh nhãn” 青眼.
-Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh) giải thích: “thanh nhãn 青眼 – mắt xanh – Trọng thị người ta”.

-Hán Việt tự điển (Thiều Chửu): “thanh nhãn 青眼  coi trọng, Nguyễn Tịch 阮籍 nhà Tấn  tiếp người nào coi là trọng thì con mắt xanh, người nào coi khinh thì con mắt trắng, vì thế nên trong lối tờ bồi hay dùng chữ thùy thanh 垂青 hay thanh lãm 青覽 đều là nói cái ý ấy cả, cũng như ta nói, xin để mắt xanh mà soi xét cho vậy”.

-Từ điển Văn học Quốc âm (GS. Nguyễn Thạch Giang): “mắt xanh: Nói con mắt nhìn ai mà tỏ ý bằng lòng, kính trọng biết phân biệt khinh trọng khác nhau. Nguyễn Tịch vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt xanh, không vừa lòng thì nhìn với đôi mắt trắng”.

Vậy tại sao lại là “mắt xanh” chứ không phải “mắt đen”?

-Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh) giải thích rõ: “mắt xanh: Chữ hán là “thanh nhãn”. Nguyễn Tịch đời Tấn khi tiếp người mình ưa thì nhìn thẳng nên để lộ tròng mắt xanh, khi tiếp người mình ghét thì nhìn nghiêng (lườm) mà để lộ tròng mắt trắng. Vd. Mắt xanh chẳng để ai vào phải không”.

-Điển cố văn học (Đinh Gia Khánh chủ biên): “mắt xanh: Theo Thông chí, khi vui người ta thường nhìn thẳng, lòng đen nằm chính giữa, nên mắt xanh; khi giận người ta nhìn nghiêng, lòng trắng lộ ra nhiều hơn cho nên mắt trắng ra. Từ đó, mắt xanh trỏ sự hài lòng, vừa ý.

Lại theo Tấn thư, Nguyễn Tịch người đời nhà Tấn, khi tiếp khách, vừa ý với ai thì con mắt bèn xanh, ghét ai thì con mắt lộ toàn lòng trắng”.

Bài viết “Mắt xanh”là gì?” trên báo Bình Định (25/2/2018), Ths. Phạm Tuấn Vũ cũng cho rằng khi “nhìn thẳng, tròng đen nằm chính giữa nên trong mắt có màu xanh”.

Vấn đề đặt ra, là tại sao chỉ Nguyễn Tịch khi “nhìn thẳng, tròng đen nằm chính giữa” thì trong mắt mới “có màu xanh”? Mặt khác, với người phương Đông, mắt đen mới thể hiện thiện cảm, còn dùng “mắt xanh” để tiếp đón thì khác nào doạ nạt?

Hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay chỉ giảng nghĩa và ví dụ về cách dùng. Ví dụ:

 “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “mắt xanh • d. [vch] con mắt; thường dùng để nói cái nhìn của người phụ nữ trong việc đánh giá hay lựa chọn người yêu: lọt vào mắt xanh của nàng ~ “Bấy lâu nghe tiếng má đào, Mắt xanh chẳng để ai vào có không?” (TKiều)”.

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “mắt xanh • đt. Cặp mắt khi tỏ ra tử-tế, trọng-đãi một người nào: Đem mắt xanh ra tiếp khách.

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): mắt xanh • Nói đãi người nào một cách biệt-nhỡn, tỏ ý quí-trọng <> Mắt xanh với bạn tri-kỷ.”.

-Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị): “mắt xanh • dt. Ngr. Mắt đẹp”.

-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “mắt xanh • dt. Mắt nhìn, biểu trưng cho sự đánh giá lựa chọn của người con gái: lọt vào mắt xanh của nàng”.
Như vậy, qua tham khảo hơn 10 nguồn tài liệu, chúng ta vẫn chưa biết tại sao lại gọi là “mắt xanh”, chứ không phải “mắt đen”.  

Theo chúng tôi, mấu chốt của vấn đề là trong tiếng Hán, “thanh”  còn có nghĩa là “màu đen” (hắc sắc 黑色). Các cuốn từ điển, tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Trần Văn Chánh…không ghi nhận nghĩa này, nhưng ta có thể tìm thấy trong nhiều cuốn từ điển khác:

-Hán điển giải thích: “thanh nhãn: thanh là sắc đen. Thanh nhãn vốn trong Tấn thư, quyển 49, Truyện Nguyễn Tịch, khi yêu mến người nào thì nhìn bằng mắt đen. Khi nhìn thẳng, thì màu đen của nhãn cầu nằm ở chính giữa. Sau dùng “thanh nhãn” biểu thị sự yêu mến, hoặc coi trọng, cũng gọi là “thanh mục”, “thanh lãi”

[青眼黑色青眼語出 “晋書 .卷四十九.阮籍傳”: 籍大悦乃見青眼人正視時黑色的眼珠在中間以青眼表示喜愛或看重也作 “青目”, “” - thanh mục: thanh, hắc sắc. Thanh nhãn ngữ xuất “Tấn thư. Quyển tứ thập cửu. Nguyễn Tịch truyện”: Tịch đại duyệt, nãi kiến thanh nhãn. Nhân chính thị thời hắc sắc đích nhãn cầu tại trung gian. Hậu dĩ thanh nhãn biểu thị hỉ ái hoặc khán trọng. Dã tác “thanh mục”, “thanh lãi”].[1]

-Hán ngữ đại từ điển ghi nhận “thanh”  chỉ màu sắc, ngoài nhiều gam màu như xanh lục, xanh lam, xanh cật trúc…còn có nghĩa là “màu

đen”: “thanh:  màu đen” [ 黑色 – thanh: . hắc sắc]; “thanh bạch nhãn: “mắt nhìn thẳng thì nhãn cầu mầu đen, nhìn ngược lên thì nhãn cầu màu trắng, gọi là “thanh bạch
 nhãn”.[青白眼眼睛平視則見黑眼珠,上視則見白眼珠,此謂之青白眼” - thanh bạch nhãn: nhãn tình bình thị tắc kiến hắc nhãn cầu, thượng thị tắc kiến bạch nhãn cầu, thử vị chi “thanh bạch nhãn”].[2].

- Hán Việt từ điển trích dẫn: “thanh  8 (tính) đen. Như “thanh bố” 青布 vải đen, “thanh y”  áo đen (cũng chỉ vai nữ trong tuồng, vì những người này thường mặc áo đen). Lý Bạch 李白君不見高堂明鏡悲白髮朝如青絲暮成雪 (Tương tiến tửu 將進酒) Bạn không thấy sao, trước tấm gương sáng trên nhà cao, thương cho mái tóc bạc, Buổi sáng như tơ đen, chiều thành ra tuyết trắng”.

Hai chữ “thuỳ thanh” 垂青, mà Tự điển Thiều Chửu ví dụ, được Hán ngữ đại từ điển giảng rõ ràng như sau:

-“thuỳ thanh: Nói dùng thanh nhãn mà nhìn, biểu hiện sự trọng thị hoặc thân ái. Người xưa gọi mắt đen là thanh nhãn”. [垂青 chuí  qīng.  謂以青眼相看表示重視或見愛古人稱黑眼珠為青眼 - thanh nhãn: vị dĩ thanh nhãn tương khán, biểu thị trọng thị hoặc kiến ái. Cổ nhân xưng hắc nhãn cầu vi thanh nhãn].

Chân dung Nguyễn Tịch

Ngoài ra, “thanh” với nghĩa màu đen còn được Hán ngữ đại từ điển ghi nhận: “thanh ngưu:  con trâu lông đen;   chỉ con trâu đất. Tập tục xưa, đến dịp lập xuân thì nặn con trâu đất để khuyến khích nghề nông, lại gọi là “xuân ngưu”.  [青牛 qīng niú.

1.黑毛的牛; 2.指土牛舊時習俗立春塑土牛用以勸耕.又稱春牛” [thanh ngưu:  hắc mao đích ngưu;  chỉ thổ ngưu. Cựu thời tập tục, lập xuân tố thổ ngưu dụng dĩ khuyến canh. Hựu xưng “xuân ngưu”]; “thanh phát: tóc đen. Đời Đường, Mạnh Giao trong bài “Thu hoài” có thơ rằng: “Thanh phát như thu viên, Nhất tiễn bất phục sinh” nghĩa là “Tóc đen như vườn thu, Chỉ một nhát kéo không thể xanh trở lại” [青髮 qīng fà. 黑髮 孟郊 《秋懷》詩之八:

青髮如秋園一翦不復生 – thanh phát: hắc phát. Đường Mạnh Giao “Thu hoài” thi chi bát: “Thanh phát như thu viên, Nhất tiễn  bất phục sinh”].[3]

Trong tiếng Việt, “xanh”, ngoài chỉ sắc xanh với nhiều gam màu như trong tiếng Hán, cũng còn có nghĩa là sắc đen. Bài hát “Ngày trở về” (Phạm  Duy) có câu: “Vì thương yêu anh nên ngày trở về /Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”. “Trâu xanh” ở đây được hiểu là trâu đen. Hay “tóc xanh” ngoài nghĩa chỉ mái tóc thanh xuân, còn có nghĩa là tóc đen (Ví dụ: Ông ấy 60 tuổi rồi mà tóc vẫn xanh thật, không có một sợi bạc!)

Như vậy đáng lẽ nên hiểu “khi nhìn thẳng, thì tròng đen nằm ở giữa nên mắt có màu đen”, thì các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển lại diễn đạt thành “khi nhìn thẳng, lòng đen nằm chính giữa, nên mắt có màu xanh”, khiến vấn đề trở nên khó hiểu. Theo đó, sự kỳ dị của Nguyễn Tịch không phải là ông có “mắt xanh”, mà là “mắt trắng”. Nghĩa là Nguyễn Tịch có thể trợn mắt (nguyên văn: thượng thị 上視 - nhìn ngược), đẩy hết “hắc nhãn cầu” lên phía trên, lộ toàn bộ “bạch nhãn cầu” phía dưới, thành ra “mắt trắng”, thể hiện thái đội khinh ghét đối với người mình tiếp đón.

Như vậy, trong tiếng Việt, “xanh” cũng còn có nghĩa là sắc đen. “Mắt xanh” được hiểu là “mắt đen”, với nghĩa bóng chỉ cái nhìn trọng thị, yêu mến. Theo đó, “xanh”, ngoài nghĩa:   Dụng cụ để xào nấu thức ăn;   Ông trời;  Có màu xanh lá cây, nước biển;  Chưa chín;   Tuổi trẻ…(Từ điển Vietlex), thì với các từ như “mắt xanh”, “trâu xanh”, “tóc xanh”…, thì “XANH” hoàn toàn đủ điều kiện để các nhà biên soạn từ điển ghi nhận thêm một nghĩa nữa là sắc/màu ĐEN. Tiếc rằng, chưa thấy cuốn từ điển nào ghi nhận nghĩa này.

HOÀNG TUẤN CÔNG

Chú thích:
[1] – Theo Hán ngữ đại từ điển, “thanh”  còn có nghĩa là “màu trắng” (nghĩa 3): “thanh  :  màu trắng. Lão Xá (Tứ thế đồng đường): “Dần dần, cửa sổ sáng ra màu trắng.” [nguyên văn:   白色老舍 “四世同堂”: “慢慢的窗子發了青 – thanh:  bạch sắc. Lão Xá “Tứ thế đồng đường”: “Mạn mạn đích, song tử phát liễu thanh].
[2] - Nguyễn Tịch 阮籍 (210 – 263) tự Tự Tông 嗣宗, người nước Nguỵ thời Tam Quốc, là một trong “Trúc lâm thất hiền” 竹林七賢, từng làm tới chức Bộ binh Hiệu uý 步兵校尉, nên còn gọi là Nguyễn Bộ Binh.
Theo “Nguyễn Tịch truyện”: Nguyễn Tịch là người khoáng đạt, chính trực, không chịu ràng buộc, thích đàn, rượu, không câu nệ, khinh ghét lễ tục, tính chí hiếu. Bấy giờ trong quan Tư ngôn có đứa con giết mẹ, Nguyễn Tịch thốt lên: “Ấy, giết cha còn được, sao có thể giết mẹ?” Những người ngồi nghe cho rằng Nguyễn Tịch lỡ mồm mà nói ra điều kì quái. Vua mới hỏi lại: “Giết cha là tội ác trong thiên hạ, lại nói có thể được sao?” Nguyễn Tịch đáp: “Cầm thú chỉ biết mẹ, không biết có cha. Giết cha, coi như cùng loại với cầm thú. Còn giết mẹ, thì không bằng loài cầm thú”.
Lúc mẫu thân bị bệnh mất, Nguyễn Tịch đang đánh cờ. Đối thủ khuyên Nguyễn Tịch dừng cuộc chơi, nhưng ông khước từ, tiếp tục đánh đến kết thúc ván, đoạn mới uống hai đấu rượu, kêu to một tiếng, rồi thổ huyết đến mấy thăng…
Mắt Tịch vốn có thể nhìn bằng hai màu “thanh” và “bạch”, nên gọi là “thanh bạch nhãn”. Tiếp kẻ dung tục thì Nguyễn Tịch nhìn bằng “bạch nhãn”, tiếp người cao nhã thì Tịch nhìn bằng “thanh nhãn”. Kê Hỉ 嵇喜 tự Công Mục 公穆, từng làm Thích sử ở Dương Châu. Khi Nguyễn Tịch có tang mẹ, Kê Hỉ tới viếng. Vì Hỉ là kẻ dung tục, nên Tịch không khóc đáp lễ, mà nhìn Hỉ bằng mắt trắng. Kê Khang 嵇康, em trai Kê Hỉ là người cao nhã, cùng nhóm “Trúc Lâm thất hiền”, cắp đàn rượu đến hỏi thăm, thì Nguyễn Tịch nhìn bằng con mắt đen. Về sau, hậu thế dùng mắt đen biểu thị sự tôn trọng người khác, mắt trắng biểu thị sự xem thường.
[3] - Có lẽ các nhà biên soạn từ điển Hán Việt đã căn cứ vào cách giảng của “Từ nguyên”.
Chữ “thanh” , Từ nguyên chỉ ghi nhận là “ngũ sắc chi nhất” 五色之一 (một trong năm màu). Mà năm màu cơ bản gồm có: thanh  (xanh), xích  (đỏ), bạch  (trắng), hoàng  (vàng). Nếu căn cứ vào đây, thì cách giảng của Từ Nguyên (mục “thanh bạch nhãn”), được dịch như sau:
 “Thanh bạch nhãn: tròng mắt sắc xanh, xung quanh sắc trắng. Khi vui nhìn thẳng thì thấy phần xanh; khi giận dữ nhìn nghiêng, thì thấy phần trắng. Đời Tấn, Nguyễn Tịch không câu nệ lễ giáo, có thể nhìn bằng “thanh bạch nhãn”. Gặp kẻ theo lễ tục, thì nhìn bằng mắt trắng. Kê Khang cắp đàn rượu đến, Tịch rất vui lòng, đem mắt xanh ra tiếp đón. Bởi thế, ngày nay trọng thị người nào thì gọi là mắt xanh, khinh thường người nào, thì gọi là mắt trắng” (nguyên văn: 青白眼眼睛色青其旁色白喜時正視則見青處怒時邪視則見白處晉阮籍不拘禮教能為青白眼見禮俗士以白眼對之嵇康齊酒挾琴告之籍大悅,乃見青眼.今謂為人所重視者,曰青眼.為人所輕視者曰白眼 ).
Theo chúng tôi, cách giảng của Hán ngữ đại từ điển và Hán điển hợp lý hơn. Vì nếu cứ theo Từ Nguyên, thì Nguyễn Tịch cũng có mắt đen bình thường như bao người. Chỉ khi nào ông tỏ thái độ khinh trọng, thì mới lộ ra mắt xanh hoặc mắt trắng. Theo đây, mắt Nguyễn Tịch có tới 3 màu: đen – xanh – trắng, chứ không phải là hai màu đen - trắng (“thanh bạch nhãn”) nữa. Mặt khác, dẫn chứng “thanh ngưu” 青牛, “thanh phát” 青髮… của Hán ngữ đại từ điển cho thấy trong thực tế, “thanh” còn được hiểu là màu đen.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến