VĂN LÀM NGU NGƯỜI, GỌI LÀ VĂN HAY?

 
VĂN LÀM NGU NGƯỜI,
GỌI LÀ VĂN HAY?
Đó là câu hỏi mà thằng nhóc nhà tôi đã hỏi khi nó đọc báo, đọc trên trang mạng của các thầy cô. Những trang báo, trang mạng dẫn lại những câu văn thế này và khen là hay đến "nổi da gà", đến "đốn tim":
1. “Nếu văn học Việt Nam là một bầu trời thì Nguyễn Minh Châu là tia nắng rực rỡ giữa bầu trời ấy”.
2. “Nguyễn Minh Châu đã nhặt nhạnh những tinh hoa của cuộc đời, những trăn trở trớ trêu mà cuộc sống giấu sau những cái đẹp, gội rửa qua lăng kính của ông hình thành tác phẩm”.
3. “Văn chương chân chính không phải là kiếp ve sầu ngắn ngủi sau một mùa hạ, cũng chẳng giống những đóa hoa chóng tàn mỗi độ thu sang, mà đó là những nấc thang nâng tầm giá trị nhân sinh, nghệ thuật trong tâm hồn con người qua dòng chảy của lịch sử…”.
4. " Chao ôi! Nghệ thuật không thể là màn sương mờ ảo màu sữa pha ánh màu hồng ban mai che lấp đi những đau thương của kiếp người… "
5. "Văn chương là thành trì chữ nghĩa”, “văn chương tạo một nốt trầm đặc biệt cho cuộc sống”...
Có trang báo còn tổng hợp lại thành mẫu mực, kinh điển cho lớp sau học tập nữa mới hãi!
Bài trước tôi chỉ nói, đó là văn sến súa, văn kẹo kéo.
Bài này buộc tôi phải phân tích cụ thể ra từng câu để thấy thằng nhóc nhà tôi nói có lý. Quan trọng hơn, là để các cháu cảnh giác, chớ nên học những câu văn mẫu này. Không nên tranh phần ngu của các giáo sư, các thầy cô giáo chuyên tạo và bán văn mẫu.
Câu 1: Xem "văn học Việt Nam" như "một bầu trời", rồi ví Nguyễn Minh Châu như "tia nắng rực rỡ" là so sánh sáo rỗng, nịnh nọt, bốc phét. Bầu trời, trong cái nhìn biểu kiến, cũng là cái nhìn nghệ thuật, là khoảng không gian hình vòm úp xuống mặt đất; còn trong cái nhìn khoa học là khoảng không trống rỗng. Cả một nền văn học với trùng điệp tác phẩm, từ dân gian đến bác học, lớn có nhỏ có mà bị xem như cái bầu trời hay nắp vung úp xuống mặt đất, hoặc như một khoảng không trống rỗng, rõ là xem thường văn học dân tộc hết cỡ. Nền văn chương ấy hoặc là cái nhà tù khổng lồ hoặc là hư vô sao? Đặt Nguyễn Minh Châu vào đó, xem Nguyễn Minh Châu là "tia nắng rực rỡ" để tạo ra sự tương phản, khác nào xem cái bầu trời văn chương kia u ám, tăm tối, thậm chí cứ coi đó là bầu trời muôn vàn sao (chứ không phải hư vô) thì vẫn là cái cách nịnh nọt, bốc phét kiểu tuyên giáo: "Mây đen u ám toàn cầu/ Mặt trời rực rỡ trên đầu Việt Nam".
Nếu muốn xác định vị trí văn học sử Nguyễn Minh Châu như vậy thì sao không viết: "Nguyễn Minh Châu là mặt trời rực rỡ giữa bầu trời văn chương Việt Nam"? Gọi là "tia nắng" thì có ý nghĩa gì? Giáo trình, giáo khoa văn học sử của các giáo sư có loại kiến thức xác định Nguyễn Minh Châu là trung tâm, là đỉnh cao chói lọi của văn học Việt Nam sao? Đây chính là bệnh cứ đụng đến tác giả nào thì tác giả ấy thành đỉnh cao. Giống như lãnh đạo đến địa phương nào cũng xem là đầu tàu, kết quả, đi đủ 5 địa phương là đất nước cứ như bị "ngũ mã phanh thây"!
Câu 2: Từ "nhặt nhạnh" thật vô duyên khi làm động từ cho công việc của nhà văn. "Nhặt nhạnh" chỉ động tác lượm lặt có tính chất vặt vãnh, ở đây lại là nhặt nhạnh "tinh hoa" của cuộc đời. Không khéo mai kia lên Thủ tướng, khi cầu hiền, học sinh ấy sẽ đọc bài diễn văn có câu: "Thủ tướng chính phủ nhặt nhạnh các giáo sư về trung ương để phục vụ cho Đảng và Nhà nước"? Đúng là dùng từ của đứa vô học. Lại nữa, "trăn trở" là hoạt động nội tâm, thể hiện trạng thái tâm lý bất ổn, dằn vặt khi phải lo toan về điều gì đó. Gắn chữ "trớ trêu" vào đó thành thứ "trăn trở" của đứa ngớ ngẩn, điên khùng à? Nguyễn Minh Châu là thằng điên vừa lang thang đi "nhặt nhạnh" rác mà tưởng "tinh hoa" mới "trăn trở trớ trêu"? Lại nữa, "tinh hoa của cuộc đời", "trăn trở trớ trêu của cuộc sống" mà sao lại "giấu sau cái đẹp", rồi đem "gội rửa"? Phân tích đến đây thì tôi cũng "nổi da gà" khi "tinh hoa" đã đánh tráo thành cặn bã, rác rưởi mới bị giấu sau cái đẹp và phải đem ra gội rửa. Sao giống Mao gọi trí thức là "cục phân" vậy? Lại nữa, cái vật gọi là "lăng kính" có học trong bài học vật lý lớp 7, nó chỉ có tác dụng khác xạ ánh sáng chứ có phải là nước đâu mà dùng để gội rửa?
Câu văn này nếu không có ý xỏ lá trí thức, gồm giáo sư, tiến sỹ, thì chỉ có thể là sản phẩm của triệu chứng rối loạn ngôn ngữ.
Câu 3: Mệnh đề "không A mà là B" có lẽ mượn từ Nam Cao: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp sống lầm than". Tiền giả định để Nam Cao có phát ngôn này là, thơ lãng mạn, đại diện là Xuân Diệu, từng tuyên ngôn: "Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây". Trong khi, chưa có ai từng nói một cách ngu ngốc: "Văn chương chân chính là kiếp ve sầu ngắn ngủi hay những đóa hoa chóng tàn" cả. Vậy mà tự dưng bịa ra một mệnh đề đối lập rồi phản biện như thể ai cũng ngu, chỉ có mình khôn? Lãng xẹt và vô duyên! Chẳng khác đám dư luận viên ám thị rồi tưởng tượng ra ai cũng thù địch và lên tiếng phản biện, đấu tranh với những mệnh đề chưa hề tồn tại vậy!
Mệnh đề phủ định trong câu là vô căn cứ. Đến mệnh đề khẳng định thì rối rắm: "đó là những nấc thang nâng tầm giá trị nhân sinh, nghệ thuật trong tâm hồn con người qua dòng chảy của lịch sử". Văn chương vận động theo cái quy luật hình sin, thăng trầm theo từng giai đoạn chứ sao lại là "cái nấc thang nâng tầm giá trị nhân sinh hay nghệ thuật trong "tâm hồn" hay "dòng chảy lịch sử"? Ai dạy cho học sinh cái kiến thức của anh dân quê bắc thang hái dừa vậy?
Câu 4 cũng tương tự. Tự tạo ra mệnh đề phủ định cái điều chưa hề tồn tại rồi phản biện như là ta "đỉnh cao trí tuệ", còn lại đều thấp tè ngọn cỏ. Thách giáo sư, tiến sỹ ngữ văn hay thầy cô giáo dạy văn nào dẫn ra, ai đã từng nói: "Nghệ thuật là màn sương mờ ảo màu sữa pha ánh màu hồng ban mai che lấp đi những đau thương của kiếp người… "? Chưa ai từng nói mà mang ra phủ định thì đối thoại với ma sao? Hay là các thầy cô chấm thi từng dạy vậy, nay bị học sinh mang ra phản biện thì "nổi da gà" hay bị "đốn tim"? Còn nếu dẫn ra từ miệng của bệnh nhân tâm thần thì phải cho học sinh điểm không chứ sao lại chấm điểm cao?
Cuối cùng là những mệnh đề với các cụm từ được cho là "sáng tạo độc đáo" đến mức giám khảo như được cho bữa ăn lạ, ngon: "Văn chương là thành trì chữ nghĩa”, “văn chương tạo một nốt trầm đặc biệt cho cuộc sống”. Tôi thú thực không nuốt nổi cái món văn chương mà ai đó liên tưởng đến cái "thành trì" ngày xưa người ta dựng lên để ngăn giặc và hình ảnh "nhất phiến công thành vạn cốt khô". Có loại văn chượng chữ nghĩa đẫm xương máu hận thù vậy mà được tôn vinh sao? Còn cái "nốt trầm" là của âm nhạc, chỉ những âm thấp trong giai điệu của bài hát. Nhà thơ, nhà văn là con vịt đực trong cái đời sống toàn vịt cái?
Tôi không có ý trách học trò, vì đảm bảo các em viết những câu văn trên chưa chắc đã hiểu mình viết gì. Đó là loại văn tôi từng đọc ở các trang bình văn tán nhảm, tán vô tội vạ, tán bừa bãi, thiểu năng trí tuệ lẫn què quặt kiến thức, nhưng lại được xem là văn hay, văn mẫu, bắt học trò phải học thuộc để đi thi. Chỉ nói đơn giản cho các em hiểu rằng, nghị luận văn học hay nghị luận gì đi nữa là làm sáng tỏ vấn đề chứ không làm rối mù vấn đề như người mắc bệnh tâm thần hay bệnh ngu. Các giáo sư nói, phê bình văn học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Ở đây, các câu văn trên phản khoa học lẫn phản nghệ thuật. Một so sánh, nếu là khoa học thì so sánh cùng loại, chính xác, còn nếu là so sánh tu từ hay nghệ thuật thì giữa hai đối tượng khác loại chí ít phải có quan hệ tương đương nào đó. Chẳng hạn, dân gian nói: "Thấy anh như thấy mặt trời" thì giữa "anh" và "mặt trời" là khác biệt nhưng vẫn có quan hệ tương đương. So sánh cũng là để làm sáng tỏ cái đang mập mờ, bí ẩn chứ không phải để làm cho cái mập mờ, bí ẩn càng mập mờ, bí ẩn hơn. Còn đã phản biện thì phải theo nguyên tắc hội thoại, chí ít phải xác định một điều có thực nhưng bị cho là sai mới dám phủ định. Không ai đi tưởng tượng một điều chưa từng xảy ra rồi phán quyết nó "không là...", trừ phi bị bệnh tự kỷ ám thị.
Ông Thuyết dày công đưa vào sách tiểu học cho trẻ em học các biện pháp tu từ, cả lý thuyết hội thoại với đủ loại nguyện tắc, phương châm, mà ra kết quả dùng phép so sánh và đối thoại (hay phản biện) như vậy đấy!
Trẻ em sinh ra đã là thiên tài. Khi sở đắc ngôn ngữ, mọi đứa trẻ đều biết dùng ngôn ngữ để khu biệt (phân tích, phân loại hình thức) và nối kết các đối tượng (hình thành biểu tượng) như một hoạt động nhận thức căn bản của trí khôn. Nhưng chính môn Ngữ văn đã giết chết tiềm năng ấy để sinh ra loại người loạn ngôn, nịnh nọt, bốc phét vô lối, ám thị và hoang tưởng. Tôi cực lực phản đối môn Ngữ văn do ông Thuyết, ông Thống và các đồng môn biên soạn. Hiện tượng báo chí, thầy cô ngợi ca và chấm điểm cao các câu văn trên chứng minh hùng hồn cái môn học này không làm cho trẻ em khôn hơn mà rơi vào bệnh ngu và loạn não!
Tôi vì tương lai trẻ em mà công phu viết bài này. Không tấn công cá nhân và cũng không vì lý do nào khác!
Chu Mộng Long

Nhận xét

Bài đăng phổ biến