Từ đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT:
'Yếu thế, khó khăn thì
đừng nên chọn'?
Gần đây, tôi đọc được ý kiến đại ý rằng tiếng Anh là môn tự
chọn trong kỳ thi THPT 2025, nên nếu học sinh yếu thế, không tự tin về năng lực
ngôn ngữ thì đừng chọn môn tiếng Anh, chọn chi rồi làm bài không được lại than
đề khó!
Vậy thì có phải cứ là môn tự chọn thì được "quá khó", khó hơn hẳn
nhiều môn khác? Và học sinh yếu thế, thì đừng nên chọn thi tiếng Anh tốt nghiệp?
Là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ sau 24 ngày chào đời, suốt 22 năm
đầu đời, tôi sống trong trại trẻ mồ côi. Tôi vẫn nhớ kỳ thi tốt nghiệp lớp 12
và kỳ thi tuyển sinh đại học năm ấy (trước đây có 2 kỳ thi), tôi run rẩy, nhớ đến
lời động viên của người mẹ nuôi quá cố "Ráng học và thi cho thật tốt môn
tiếng Anh nha con".
Nhờ nỗ lực học tập tiếng Anh, cuộc đời tôi dần rẽ sang một hướng khác. Cậu
bé mồ côi là tôi đã thi đậu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, là thầy giáo, rồi giám đốc
học thuật một tổ chức tư vấn giáo dục - đào tạo. Mười năm sau ngày tốt nghiệp,
đầu năm 2025, tôi nhận được hàng loạt thư mời nhập học vô điều kiện và học bổng
từ những đại học danh giá nhất thế giới trong lĩnh vực giáo dục: University of
Pennsylvania; University College London (UCL); London School of Economics and
Political Science (LSE), Stockholm University.
Tôi chia sẻ những điều trên để thấy rằng, dưới đây không đơn thuần là bài
phân tích của một người công tác trong lĩnh vực giáo dục, mà là tiếng nói từ một
người từng lớn lên trong nghèo khó, cô đơn, thiệt thòi và đầy định kiến - như
hàng trăm ngàn các em học sinh yếu thế vừa bước ra khỏi phòng thi tốt nghiệp
THPT 2025 với hy vọng đổi đời qua cánh cửa giáo dục.
Rủi ro gì nếu học sinh yếu thế, khó khăn không còn dám thi
môn tự chọn tiếng Anh tốt nghiệp?
Năm 2025, lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT áp dụng chương trình giáo dục
phổ thông 2018. Thí sinh thi 4 môn, trong đó bắt buộc là toán, ngữ văn; hai môn
tự chọn. Tiếng Anh không phải là môn thi bắt buộc. Tôi có đọc được nhiều ý kiến
bình luận, đại ý tiếng Anh là môn tự chọn, nếu học sinh yếu thế, không tự tin về
năng lực ngôn ngữ thì đừng chọn môn tiếng Anh, chọn chi rồi làm bài không được
lại than trách đề khó!
Tôi thấy quan điểm này không ổn.
Thứ nhất, Việt Nam đang thúc đẩy chiến lược hội nhập toàn diện, tiếng Anh
không chỉ là một môn học trong nhà trường, mà là một công cụ sống còn giúp học
sinh tiếp cận tri thức, nghề nghiệp, và nâng cao vị thế xã hội.
Các văn bản chính sách giáo dục hiện hành cũng đã xác định rõ định hướng:
"Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước
đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học" (Kết luận
91-KL/TW của Bộ Chính trị, 2023). Điều đó có nghĩa tiếng Anh là nền tảng tri thức
cho hội nhập, cho thị trường lao động, cho cơ hội phát triển con người, không
thể chỉ được nhìn như một lựa chọn phụ.
Cùng lúc, nhiều báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp
tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều khẳng định kỹ năng tiếng Anh là một trong
những yếu tố quyết định đến năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc gia,
đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch sang nền kinh tế số và kinh tế tri thức.
Vì vậy, việc khuyên học sinh yếu thế, vùng sâu vùng xa nên "né"
môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT - đồng nghĩa với việc các em bỏ qua môn học
này, không cần chú trọng nó trong quá trình học phổ thông - không chỉ là một lời
khuyên ngắn hạn, mà có thể tạo ra hệ quả dài hạn rất nghiêm trọng, đẩy các em
ra ngoài lề của hành trình hội nhập, và bỏ lỡ cơ hội đổi đời bằng tri thức.
Thứ hai, nếu nhìn một cách toàn diện và có chiều sâu hơn, việc khuyên học
sinh yếu thế không nên chọn môn tiếng Anh không chỉ đơn thuần là cắt giảm một lựa
chọn cá nhân, mà còn là hợp thức hóa sự chênh lệch cơ hội giữa các vùng miền,
giữa các nhóm thu nhập, và đào sâu hơn nữa khoảng cách bất bình đẳng vốn đã tồn
tại trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Có phải là môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì
được quyền "quá khó"?
Tôi cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT không chỉ là đề kiểm tra kiến thức,
mà còn để giữ nhịp cầu công bằng cho hàng triệu học sinh, đặc biệt là những em
đến từ vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện học tiếng Anh còn vô cùng hạn chế. Cần
khẳng định rằng: đề thi tốt nghiệp THPT không nên trở thành một công cụ để phân
loại, mà phải được thiết kế như một cơ chế đảm bảo quyền được công nhận học vấn
cơ bản cho mọi công dân - một quyền bình đẳng, bất kể hoàn cảnh.
Nếu đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT các năm sau vẫn tiếp tục duy trì
cách tiếp cận nặng tính phân hóa (hay có người nói vui là "nặng tính thanh
lọc"), sử dụng cấu trúc, từ vựng, nội dung xa lạ với nội dung giảng dạy
chính khóa, thì điều đó không chỉ đi ngược lại tinh thần cải cách giáo dục, mà
còn đe dọa làm suy yếu chính tầm nhìn chiến lược về một hệ thống giáo dục công
bằng, toàn diện và hội nhập. Đặc biệt, với một môn học vốn đã có sự chênh lệch
lớn về điều kiện tiếp cận như tiếng Anh, thì nguyên tắc công bình (equity) dựa
trên điều kiện và năng lực, càng cần được đặt làm trung tâm trong mọi khâu xây
dựng và đánh giá đề thi.
Nhiều người cho rằng "đã không học tốt tiếng Anh, không tự tin với
môn học này mà còn thi môn này thì tự phải chịu trách nhiệm". Những người
cổ vũ cho quan điểm này thường mặc nhiên cho rằng mọi học sinh đều có cơ hội
ngang bằng để học tốt tiếng Anh.
Thậm chí, họ có xu hướng viện dẫn câu chuyện cá nhân vượt khó để chứng
minh rằng "ai cũng có thể làm được nếu đủ quyết tâm", một lập luận cảm
tính mang tính ngoại lệ, không thể thay thế cho nguyên lý phổ quát trong thiết
kế chính sách. Bởi vì trải nghiệm cá nhân không thể đại diện cho hệ thống. Và
trong hệ thống ấy, điều kiện tiếp cận tiếng Anh, từ giáo viên đạt chuẩn, tài liệu
chất lượng, lớp học thêm đến môi trường thực hành... vốn đã phân bố vô cùng bất
cân xứng giữa thành thị và nông thôn, giữa học sinh có điều kiện và học sinh yếu
thế, mồ côi.
Tôi cho rằng, việc duy trì đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT với mức độ
phân hóa sâu, trong khi không đồng thời đảm bảo điều kiện tiếp cận công bằng
cho mọi học sinh, đã vô hình trung đẩy toàn bộ gánh nặng rủi ro sang cho từng
cá nhân, đây là biểu hiện điển hình của hiện tượng tư nhân hóa rủi ro giáo dục
(privatisation of educational risk). Nghĩa là nếu một em học sinh yếu thế không
làm được bài với đề thi tiếng Anh năm nay, thì lỗi bị quy về năng lực cá nhân
thay vì đặt vấn đề ở cấp hệ thống. Tư duy "tự chịu trách nhiệm" trong
bối cảnh không công bằng về tiếp cận chẳng khác nào trừng phạt những em nhỏ vốn
đã thua thiệt ngay từ vạch xuất phát.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều đề án nhằm nâng cao chất lượng
đội ngũ giáo viên, cải thiện điều kiện học tập ở vùng sâu vùng xa, và nghiên cứu
đổi mới phương thức thi, từ thi trên máy tính đến chuẩn hóa đề thi theo Khung
năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Đây là những bước đi đúng đắn và có chiều sâu để kiến
tạo một nền giáo dục bình đẳng hơn về mặt ngôn ngữ.
Tuy nhiên, để tinh thần cải cách ấy thực sự đi vào đời sống, điều cốt lõi
nằm ở việc xây dựng đề thi, bởi đó là nơi thể hiện rõ nhất triết lý giáo dục mà
chúng ta lựa chọn. Nếu đề thi vẫn quá khó, tiếp tục nặng tính phân loại, sử dụng
cấu trúc phức tạp và xa rời nội dung được giảng dạy phổ thông, thì không chỉ đi
ngược lại định hướng phổ cập, mà còn vô tình đẩy những học sinh yếu thế ra xa
hơn khỏi cánh cửa cơ hội. Việc khuyên học sinh yếu thế bỏ lựa chọn môn tiếng
Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể là giải pháp tạm thời cho cá nhân,
nhưng lại phản ánh rõ sự buông tay của hệ thống trước khoảng cách ngày một giãn
rộng giữa các vùng miền, giữa những mảnh đời.
Nếu chúng ta để điều đó xảy ra, tức là chúng ta sẽ bỏ rơi một bộ phận lớn
thanh thiếu niên - những người lẽ ra có thể đổi đời bằng tri thức, và mặc nhiên
chấp nhận thất bại trong sứ mệnh từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ
hai, một thất bại không chỉ thuộc về ngành giáo dục, mà thuộc về tương lai của
quốc gia.
Giáo dục công bằng không loại ai ra khỏi hành trình hội nhập, kể cả bằng
một đề thi.
Nhận xét
Đăng nhận xét