Vì sao tinh gọn nhưng một sở lại có đến 18 phó giám đốc?
Khi Bà Rịa-Vũng Tàu sáp nhập với TP HCM và Bình Dương, ông
Nguyễn Công Vinh rời ghế phó chủ tịch tỉnh để ngồi vào ghế giám đốc Sở Tài
chính TP HCM mới.
Ông sẽ phụ trách một "siêu sở" nơi nắm giữ túi tiền của một
thành phố có diện tích 6.772 km2 với dân số hơn 13,7 triệu người, chiếm đến 24%
GDP của Việt Nam.
Giúp sức cho ông là 18 phó giám đốc sở mà hầu hết trong số đó là các giám
đốc và phó giám đốc của 3 sở tài chính trước thời điểm sáp nhập.
Con số 18 phó giám đốc trong chỉ một sở là điều dường như chưa từng xảy
ra trong lịch sử chính quyền địa phương ở Việt Nam.
Nếu so với cơ quan cấp bộ tương ứng, con số 18 gấp đôi số lượng thứ trưởng
hiện tại của Bộ Tài chính.
Nếu so sánh giữa sở có số lượng phó giám đốc nhiều nhất và sở có phó giám
đốc ít nhất, con số chênh lệch lên đến 18 lần, cụ thể là Sở An toàn thực phẩm
chỉ có 1 phó giám đốc.
Cuộc sáp nhập ba địa phương TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu dường
như chỉ mới giúp giảm số đầu mối xuống, chứ chưa làm tinh gọn bộ máy bên trong
nếu nhìn qua lăng kính số lượng lãnh đạo cấp phó.
Ở TP HCM, tổng cộng 15 sở, ngành, với tổng cộng 14 giám đốc và 137 phó
giám đốc.
Bên cạnh Sở Tài chính, Sở Xây dựng có 17 phó Giám đốc, còn Sở Nông nghiệp
và Môi trường có 16 phó giám đốc.
Nếu cộng số lượng phó giám đốc của ba sở này lại sẽ ra con số 51 người.
Số lượng phó giám đốc các sở khác cũng khá đông đảo.
Ngoài ra, TP HCM không phải là địa phương duy nhất. Một số tỉnh thành mới
nơi có ba địa phương sáp nhập với nhau cũng đang chứng kiến bộ máy lãnh đạo các
sở, ngành phình to.
Chẳng hạn, Sở Tài chính Cần Thơ cũng có số lượng phó giám đốc lên đến 10
sau khi Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ hợp nhất với nhau. Kỷ lục số lượng phó
giám đốc sở ở Cần Thơ thuộc về Sở Xây dựng, với con số 13.
13 cũng là số lượng phó giám đốc của Sở Tài chính ở Vĩnh Long, nơi 3 địa
phương Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh về chung một nhà.
Tại tỉnh này, sở có đông phó giám đốc nhất là Nông nghiệp và Môi trường với
17 người.
Trên khắp cả nước, những đợt sáp nhập các cơ quan chuyên môn từ trung
ương đến địa phương, sau đó là sáp nhập tỉnh thành đã khiến cho bộ máy quản lý
trở nên phình to ra.
Đà Nẵng sau sáp nhập có 14 sở, ngành, với 14 giám đốc và gần 100 phó giám
đốc. Trong khi Sở Ngoại vụ Đà Nẵng có hai phó giám đốc, thì Sở Nội vụ có 11 người
nắm giữ chức danh này.
Tỉnh Lâm Đồng có hai "siêu sở" là Sở Xây dựng cùng với Sở Nông
nghiệp và Môi trường, mỗi sở có 15 phó giám đốc sau khi ba địa phương là Lâm Đồng,
Bình Thuận và Đắk Nông hội tụ với nhau.
Điều đáng nói là số lượng cấp phó nhiều đến mức như thế đang diễn ra
trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn biên chế do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động.
Thông điệp của cuộc cách mạng này là "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng
- Hiệu lực - Hiệu quả".
Sự phình ra trong bộ máy lãnh đạo dường như đang đi ngược lại thông điệp
đó.
Lạm phát cấp phó là hệ quả của cuộc sắp xếp lại bộ máy và sắp xếp lại
giang sơn, một cách nói được ông Tô Lâm đưa ra khi nói về chuyện sáp nhập tỉnh
thành, bỏ cấp huyện.
Những đơn vị như Sở Tài chính TP HCM trong thời gian qua đã chịu hai lần
sáp nhập.
Lần thứ nhất, bắt đầu từ tháng Ba, Sở Kế hoạch và Đầu tư sáp nhập với Sở
Tài chính tại cả ba địa phương gồm TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lần này, cả ba sở tài chính của ba địa phương lại hợp nhất với nhau một lần
nữa.
Trong ba giám đốc Sở Tài chính, có hai người rời ghế, xuống làm phó giám
đốc. Thêm 16 phó giám đốc sở khác, tạo nên một bộ máy lãnh đạo hùng hậu của TP
HCM mới.
Dường như số lượng lãnh đạo sở, ngành đang không thể hiện tinh thần sáp
nhập "không cơ học" mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định
trong suốt giai đoạn chuẩn bị và thực thi của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Khởi nguồn là gì?
Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã trải qua hai đợt sáp nhập. Lần đầu là sự
sắp xếp lại bộ máy của chính quyền theo đó sáp nhập một số cơ quan, bộ ngành lại
với nhau, và lần thứ hai là sáp nhập tỉnh thành.
Chẳng hạn, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáp nhập với Bộ Tài chính, cấp sở
tương ứng ở địa phương cũng sáp nhập theo, bắt đầu từ 1/3.
Thời điểm đó, sau khi hợp nhất, Sở Tài chính TP HCM có bảy phó giám đốc,
theo báo Người Lao động.
Khoảng bốn tháng sau đó, ba Sở Tài chính của TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và
Bình Dương lại sáp nhập với nhau, bộ máy lại thêm một lần xáo trộn.
Không chỉ đơn thuần bộ máy lãnh đạo của ba sở được gom lại với nhau mà cơ
quan này còn được bổ sung thêm một nhân vật từng là bí thư huyện ủy Dầu Tiếng,
Bình Dương.
Dường như việc sắp xếp tìm ghế cho các cán bộ sau sáp nhập địa phương và
bỏ cấp huyện cũng góp phần vào điều đó.
Số cấp phó tăng đột biến này đã vượt quá mức số lượng cấp phó tối đa là 3
người theo quy định tại Nghị định 45/2025/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào ngày
28/2/2025.
Quy định này cho phép chính quyền các địa phương có thể tăng thêm số lượng
cấp phó tùy theo tình hình.
"Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng
Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng
thêm không quá 10 Phó Giám đốc," Nghị định 45 nêu.
Nếu theo quy định này, TP HCM có 15 sở, ngành, số lượng tối đa các phó
giám đốc sở không vượt quá 55.
Điều đó cho thấy con số tổng 137 phó giám đốc sở ngành hiện tại ở TP HCM
là đã vượt quá xa so với quy định.
Chỉ có hai sở bảo đảm số lượng phó giám đốc đúng quy định là Sở An toàn
thực phẩm (1 người) và Sở Du lịch (2 người).
Bên cạnh đó, trái ngược với tốc độ "thần tốc" của việc đưa ra
quyết định và thực thi sáp nhập bộ máy, sáp nhập tỉnh thành, việc xử lý nhân sự
dôi dư, cụ thể là cấp phó ở sở, lại được thực hiện chậm rãi hơn, với thời gian
tối đa lên tới 5 năm (cũng theo Nghị định 45).
Từ địa phương tới trung ương
Những con số này cho thấy dường như cuộc cách mạng tinh gọn vẫn không chạm
đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhiều sở ban ngành tại các địa phương.
Cách mạng tinh gọn trong sáp nhập các tỉnh thành dự kiến sẽ tinh giản được
khỏang 130.000 người, trong đó việc thiết lập chính quyền địa phương hai cấp
đóng góp một phần rất lớn.
Bộ máy lãnh đạo phình to không chỉ mới xảy ra ở cấp địa phương, không chỉ
ở các sở ban ngành mà còn cả trong bộ máy của chính quyền trung ương.
Vào tháng 2/2025, trong cuộc sắp xếp lại bộ, ngành, đã có 4 người gia nhập
đội ngũ lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội và Chính phủ.
Cụ thể, vào ngày 18/2, ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng nhậm chức
phó thủ tướng, trong khi ông Lê Minh Hoan và ông Vũ Hồng Thanh được bầu giữ chức
phó chủ tịch Quốc hội.
Bộ máy lãnh đạo của chính phủ được nâng lên 7 phó thủ tướng, và bộ máy
lãnh đạo quốc hội có 6 phó chủ tịch.
Trước khi nhậm chức phó thủ tướng, ông Chính là Trưởng Ban Dân vận Trung
ương, cơ quan phải sáp nhập với Ban Tuyên giáo.
Trong khi đó, ông Dũng là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan sáp nhập
vào Bộ Tài chính.
Tương tự, ông Hoan là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước
khi sáp nhập với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Thanh từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước khi
cơ quan này sáp nhập với Ủy ban Tài chính và Ngân sách.
Có thể thấy rằng việc gia tăng số lượng nói trên là hệ quả của việc sáp
nhập bộ máy.
Thời điểm ấy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn
Phương Thủy đã giải thích rằng trong bối cảnh khi giảm số lượng đầu mối các bộ
của Chính phủ, giảm số lượng các ủy ban của Quốc hội thì việc các cơ quan có
tăng thêm số lượng lãnh đạo "là bình thường thôi".
Bà Thủy cũng nhắc tới một số nghị quyết cho phép số lượng lãnh đạo vượt
quá quy định hiện hành.
Ngoài ra, đầu tháng Hai, Quốc hội thông qua một nghị quyết cho phép tăng
thêm số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng ở năm đơn vị, gồm: Ngân hàng
Nhà nước – sáu người (tăng một), Bộ Ngoại giao - bảy người (tăng một), Bộ Nội vụ
- bảy người (tăng hai), Bộ Tài Chính - chín người (tăng bốn) và Bộ Xây Dựng -
chín người (tăng bốn).
Hiện tại, hai bộ đã bổ nhiệm số thứ trưởng ở mức tối đa chín người là Bộ
Tài chính và Bộ Xây dựng.
Trong khi các bộ đã cơ bản ổn định từ tháng Ba thì các sở lại thêm một lần
xáo động vào tháng Bảy. Chính vì thế, ở các địa phương có ba tỉnh thành sáp nhập,
số lượng cấp phó trở nên tăng đột biến, như trường hợp Sở Tài chính TP HCM.
Nhưng những điều đó cũng đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của cuộc cách mạng
tinh giản bộ máy không chỉ giảm các đầu mối mà còn tinh gọn bên trong như thông
điệp ban đầu.
Nhận xét
Đăng nhận xét