Cách tất cả chức vụ ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ

 
Cách tất cả chức vụ ông
Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ

Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bị kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng.
 
Diễn biến này xảy ra vào ngày 19/7, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng bế mạc Hội nghị trung ương 12, đúng một năm ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.
 
Một nhân vật lãnh đạo cấp cao khác là ông Lê Minh Khái, cựu Phó thủ tướng Chính phủ, cũng nhận hình thức kỷ luật tương tự.
 
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị 12, Trung ương Đảng đã khai trừ khỏi Đảng bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế.
 
Trung ương Đảng cũng đồng ý để ông Đỗ Đức Duy, người đang bị đình chỉ chức bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 và và ông Võ Chí Công thôi giữ chức ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
 
Đây là những nội dung về thi hành kỷ luật cán bộ tại hội nghị trung ương lần này.
 
Trong số ba lãnh đạo chủ chốt nằm trong Tứ Trụ bị kỷ luật lần này, ông Phúc và ông Huệ đã bị kỷ luật ở mức cảnh cáo vào cuối năm 2024.
 
Trong khi đó, ông Võ Văn Thưởng, ở thời điểm cuối năm 2024, chưa bị kỷ luật do đang điều trị bệnh.
 
Việc cùng lúc kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng của ba cựu lãnh đạo chủ chốt này là một động thái chưa có tiền lệ.
 
Những hình thức kỷ luật như vậy thường được thấy ở các cựu lãnh đạo cấp thấp hơn, như trường hợp mới đây là ông Trương Hòa Bình, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Phó Thủ tướng.

 
Ông Võ Văn Thưởng và câu hỏi 'lãnh đạo cấp trên'
Ông Võ Văn Thưởng được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước từ tháng 3/2024, sau hơn một năm ngồi ghế chủ tịch nước.
 
Ông là ủy viên trẻ nhất của Bộ Chính trị khóa 13 và lúc bấy giờ được đánh giá có tiền đồ xán lạn nên việc ông đột ngột rời chính trường là một "cơn địa chấn chính trị".
 
Thông báo của Đảng khi đó nói rằng ông Thưởng "đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
 
Tháng 11/2024, ông Thưởng lại bị Bộ Chính trị nhắc tên, với những chi tiết cụ thể hơn về sai phạm so với thông cáo hồi tháng 3.
 
Công chúng khi đó được biết ông Thưởng mắc khuyết điểm trong thời gian dài kể từ thời ông còn làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010-2015, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho đến thường trực Ban Bí thư và chủ tịch nước.
 
Ông được cho là liên quan đến vụ án Phúc Sơn, và có vai trò như một "lãnh đạo cấp trên" - một nhân vật bí ẩn xuất hiện trong cáo trạng và các lời khai trước tòa.

 
Ngôi sao Vương Đình Huệ
Khi ông Vương Đình Huệ nhận quyết định kỷ luật cảnh cáo từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào ngày 20/11/2024, ông đã rời chức chủ tịch Quốc hội được hơn 6 tháng.
 
Ông Huệ là người đầu tiên trong Tứ Trụ bị kỷ luật cảnh cáo.
 
Bên cạnh kỷ luật Đảng, số phận của ông Vương Đình Huệ cũng bị treo lơ lửng khi ông gián tiếp được nhắc hai lần trong Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An.
 
Chi tiết hai bữa ăn ở nhà bí thư Thành ủy Hà Nội năm 2020 và nhà chủ tịch Quốc hội vào tháng 12/2021 được ghi trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án này.
 
Ở vụ án tại Tập đoàn Thuận An, người trợ lý thân cận của ông Huệ là ông Phạm Thái Hà đã bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
 
Ông Huệ, được đánh giá là một ngôi sao sáng hồi đầu nhiệm kỳ khóa 13, với nét lịch lãm, trí thức và tính cách mạnh mẽ trong điều hành, đôi lúc lấn lướt cả phía chính phủ.
 
Ông Hà bị bắt ngày 22/4/2024, và không lâu sau, đến ngày 26/4, ông Vương Đình Huệ được Trung ương Đảng xem xét cho thôi giữ các chức vụ như ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Quốc hội.
 
Cựu Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc
Ông Nguyễn Xuân Phúc là vị "lãnh đạo chủ chốt" đầu tiên trong khóa 13 bị "cho thôi" chức.
 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 vào ngày 17/1/2023.
 
Đến 18/1/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Phúc bị miễn nhiệm chức chủ tịch nước.
 
Đến 13/12/2024, ông Phúc bị Bộ Chính trị kỷ luật ở mức cảnh cáo.
 
Như vậy, ông Phúc trở thành nhân vật Tứ Trụ thứ hai bị cảnh cáo, sau ông Vương Đình Huệ.
 
Đến nay, với việc bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, cả ba ông Phúc, Thưởng và Huệ cùng nhận kỷ luật nặng trong một ngày.
 
Đảng có bốn mức kỷ luật, từ nhẹ đến nặng, gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
 
Cựu Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách vào ngày 13/12/2024.
 
Cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trương Hòa Bình bị cảnh cáo.
 
Việc cách các chức vụ trong Đảng là một hình thức kỷ luật nặng hơn. Những người bị hình thức kỷ luật này sẽ chỉ còn là Đảng viên bình thường, và các chế độ dành cho cán bộ cấp cao sau khi về hưu như bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cũng sẽ không còn nữa.
 
Một số người bị kỷ luật cách chức này thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý như trường hợp các ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
 
Khai trừ ra khỏi Đảng là hình thức kỷ luật nặng nhất. Và đó là mức kỷ luật mà cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải nhận tại Hội nghị trung ương 12 lần này.
 
Khả năng bà Kim Tiến đối mặt với việc bị xử lý hình sự sau khi bị khai trừ ra khỏi Đảng là rất cao.
 
Trong khóa 13 này, có không ít ủy viên Trung ương bị kỷ luật khai trừ đã bị khởi tố, bắt giam, như các cựu bí thư tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan ở Vĩnh Phúc, Trần Đức Quận ở Lâm Đồng...
Cả ba ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ đều bị "cho thôi" chức vụ dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.
 
Việc kỷ luật cảnh cáo ông Phúc và ông Huệ được thực hiện sau khi ông Trọng qua đời và ông Tô Lâm lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng.
 
Nhưng dường như chỉ cảnh cáo thôi là chưa đủ, ông Tô Lâm còn đẩy mạnh thêm việc kỷ luật lên một mức cao hơn: cách tất cả chức vụ trong Đảng, cho dù các nhân vật này - vốn từng được coi là đối thủ chính trị của ông - đã về hưu và đã bị kỷ luật Đảng.

 
Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự từ Đại học New South Wales (Úc), nói với BBC News Tiếng Việt rằng động thái trên là một bước đi rất quyết liệt và mở rộng trách nhiệm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông Tô Lâm thực hiện việc kỷ luật mạnh tay hơn với những người vốn đã bị xử lý dưới thời ông Trọng.
 
"Có lẽ Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng việc để các lãnh đạo được rút lui trong danh dự là chưa đủ để thực thi kỷ luật Đảng, cần phải có một hình thức kỷ luật. Khi Trung ương họp để chuẩn bị công tác cho Đại hội 14, việc kỷ luật ba lãnh đạo từng ở trong Tứ Trụ là thông điệp rõ ràng về một tiêu chuẩn mới với các đảng viên vi phạm, ngay cả những lãnh đạo cao nhất cũng không là ngoại lệ," Giáo sư Thayer nói.
 
Nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm phân tích thêm rằng việc bị cách hết tất cả chức vụ mang tính biểu tượng nhiều hơn vì sự nghiệp chính trị của các ông Phúc, Thưởng, Huệ về cơ bản đã chấm dứt khi các ông rời chính trường vào các năm 2023 và 2024.
 
"Tôi nghĩ rằng điều này đã thiết lập nên một chuẩn mực mới, làm cho chuyện đó trở thành bình thường. Nói cách khác, bất cứ ai muốn thách thức ông Tô Lâm hoặc ban lãnh đạo mới thì trước hết cần xem bản thân có vấn đề gì không đã."
 
Cựu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Cùng chịu số phận bị cách tất cả chức vụ trong Đảng như ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ là ông Lê Minh Khái, cựu Phó Thủ tướng Chính phủ.
 
Ông Khái, hồi tháng 8/2024, đã bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, được cho là do liên quan siêu dự án Đại Ninh.
 
Ông Khái là người đã giữ chức vụ tổng Thanh tra Chính phủ, bí thư Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2021.
 
Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận là "đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Thanh tra Chính phủ giải quyết đơn kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh trái quy định của Luật Thanh tra; kiến nghị cho dự án được giãn tiến độ, gia hạn sử dụng đất trái quy định; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự".
 
Với cương vị là bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn xảy ra sai phạm, có thể thấy việc ông Khái bị kỷ luật là liên quan trực tiếp tới dự án Đại Ninh.
 
Vụ việc tại dự án Đại Ninh đã khiến nhiều quan chức lãnh án tù, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến