Vụ C.P. Việt Nam:
Nghĩa vụ của nhân viên trong việc bảo mật thông tin công ty
Báo chí Việt Nam đưa tin rằng chính quyền Sóc Trăng đã nhận
được lời đề nghị của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam xử lý hành vi cáo
buộc công ty này trộn heo bệnh bán ra thị trường. Điều này dấy lên câu hỏi về
trách nhiệm của nhân viên trong việc bảo mật thông tin công ty trong trường hợp
thông tin đó liên quan đến lợi ích cộng đồng?
Ngày 4/6, ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tỉnh Sóc Trăng nói với báo giới Việt Nam rằng đã nhận được công văn của C.P. Việt
Nam gửi đến sở với nội dung đề nghị xử lý hành vi đăng tải thông tin sai sự thật,
bôi nhọ uy tín doanh nghiệp.
Văn bản, do ông Chinoros Benjachavakul, Phó Tổng Giám đốc cấp cao phụ
trách nhân sự và đối ngoại của C.P. Việt Nam, ký ngày 28/5.
Ông Liễu Quý Ngân, người được nêu tên trong văn bản, đã sử dụng Fanpage
"Jonny Lieu" và tài khoản Zalo cá nhân "Ngân Tech" để chia
sẻ thông tin nói trên.
Theo văn bản được báo giới dẫn lại, các thông tin mà ông Ngân đăng tải
"cố ý vu khống, thổi phồng sai lệch về quy trình sản xuất, chất lượng sản
phẩm của công ty; gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người
tiêu dùng, đối tác và cộng đồng địa phương; vi phạm nghiêm trọng quy định pháp
luật về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng".
C.P. kiến nghị sở xác minh và xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với
ông Ngân. Công ty cũng đã yêu cầu toàn bộ nội dung vi phạm được gỡ bỏ và có
hình thức công khai cải chính thông tin.
Ông Đâu xác nhận đã nhận công văn của C.P. và cho biết sẽ chờ kết luận điều
tra chính thức của cơ quan công an và sau đó ''sẽ thực hiện đúng chức trách của
mình".
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã ký
văn bản gửi Bộ Công an đề nghị điều tra và xử lý thông tin đang lan truyền trên
mạng xã hội tố cáo C.P. nói trên.
Những diễn biến mới này dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của nhân viên
trong việc giữ kín thông tin nội bộ trong doanh nghiệp, trong trường hợp thông
tin đó có thể mang đến lợi ích công, sức khỏe hoặc sự an toàn của người tiêu thụ
sản phẩm của doanh nghiệp đó.
BBC đã liên hệ với luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế Giới Luật
Pháp tại TP HCM, để giải thích vấn đề này.
''Người lao động có nghĩa vụ giữ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của
doanh nghiệp theo Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, không phải mọi thông tin nội bộ
đều được coi là 'bí mật kinh doanh' theo nghĩa pháp lý,'' ông Sơn nói.
Luật sư Sơn viện dẫn Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, theo đó quy định bí mật
kinh doanh phải đáp ứng ba tiêu chí: thông tin chưa được công khai, có giá trị
thương mại do tính bí mật và được chủ sở hữu giữ bí mật bằng biện pháp cần thiết.
''Thông tin về sản phẩm kém chất lượng hoặc vi phạm an toàn thường không
đáp ứng các tiêu chí này, do đó không thuộc đối tượng được bảo vệ."
''Khi xảy ra xung đột giữa nghĩa vụ bảo mật theo hợp đồng lao động và lợi
ích công cộng, pháp luật Việt Nam ưu tiên bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng,''
luật sư nói tiếp.
Trong việc tố giác, pháp luật cho phép người dân làm điều này trong hai bộ
luật khác nhau.
Luật Tố cáo 2018 trao quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại
đến lợi ích công.
Luật cũng cam kết nhà nước bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo,
trong đó có quyền ''đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các
biện pháp bảo vệ người tố cáo.''
Bên cạnh đó, Luật An toàn thực phẩm 2010 khuyến khích việc tố giác các
hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
''Điều này cho thấy pháp luật không chỉ cho phép mà còn khuyến khích việc
tiết lộ thông tin khi liên quan đến an toàn người tiêu dùng,'' ông Sơn giải
thích.
Vì vậy, theo ông, người lao động được pháp luật trao quyền và bảo vệ khi
tiết lộ thông tin về sản phẩm kém chất lượng gây nguy hiểm cho người tiêu dùng,
do "đây không phải bí mật kinh doanh được pháp luật bảo hộ mà là thông tin
cần thiết để bảo vệ lợi ích công cộng."
Cơn lốc thông tin mang tên C.P. diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt
Nam siết chặt việc kiểm soát hàng giả, kém chất lượng đang tràn lan trên thị
trường.
Hôm 4/6, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2025, Thủ tướng Phạm
Minh Chính đã nhắc lại thông điệp an toàn thực phẩm liên quan tới sức khỏe,
tính mạng người dân đang có ''diễn biến phức tạp''.
Cùng ngày, trang web chính thức của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam (VCCI) đã có bài viết với câu hỏi: ''Tại sao sự việc chỉ được phát hiện
sau khi có đơn tố cáo từ nội bộ, thay vì qua các đợt kiểm tra định kỳ như quy định?''
Tác giả bài viết cho rằng chất lượng của một công ty ''không thể phụ thuộc
vào 'lòng tự trọng' của từng nhân viên hay quản lý cửa hàng'', mà cần phải có hệ
thống quản trị rủi ro nghiêm ngặt, bao gồm việc ứng dụng công nghệ truy xuất
theo thời gian thực.
''Việc một nhân viên cũ có thể kể lại hàng loạt vi phạm kéo dài nhiều năm
cho thấy quy trình kiểm tra nội bộ tại cấp cửa hàng hoặc bị bỏ qua, hoặc quá dễ
dàng bị thao túng. Đây không phải là vấn đề của riêng C.P. Việt Nam, mà là thực
trạng chung của nhiều chuỗi thực phẩm,'' tác giả viết thêm.
Tiền lệ tố giác công ty
Đây không phải lần đầu tiên nhân viên của một công ty tại Việt Nam tố cáo
sản phẩm của công ty đang thuê họ.
Theo tìm hiểu của BBC, năm 2011, kỹ sư Lê Văn Tạch, một cán bộ kỹ thuật
làm việc cho Công ty Toyota VN (TMV) 10 năm, đã đề nghị nhiều cơ quan chức năng
Việt Nam vào cuộc vì các sản phẩm do TMV sản xuất có nhiều vấn đề về chất lượng.
Sau đó, công ty này đã phải triệu hồi trên 73.000 xe ô tô.
Sau tố cáo của ông Tạch, vào tháng 8/2011, Tổng giám đốc TMV đã ký các
quyết định kỷ luật, điều chuyển ông Tạch từ bộ phận kỹ thuật sang bộ phận giám
sát an toàn, với lý do ông Tạch gửi một số thư từ đến lãnh đạo TMV với lời lẽ
thiếu nhã nhặn, gây mất ổn định trong công ty.
Ở vị trí mới, lương của ông Tạch là 9 triệu/tháng trong thời hạn 6 tháng,
so với mức lương 12,5 triệu/tháng trước đó.
Ông Tạch sau đó đã gửi đơn khởi kiện về quyết định kỷ luật của TMV lên
Tòa án Nhân dân Thị xã Phúc Yên. Vào tháng 4/2012, tòa này đã tuyên ông Tạch
thua kiện với lý do nội quy lao động của TMV là đúng pháp luật và ông Tạch
không có ý kiến gì về vấn đề này trong quá trinh làm việc.
Luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC rằng chưa có nhiều vụ việc nhân viên
tố giác công ty vì lợi ích công được công bố rộng rãi.
''Tuy nhiên, pháp luật đã thiết lập hệ thống bảo vệ khá toàn diện. Khi
doanh nghiệp có hành vi trả thù người tố cáo, họ có thể phải đối mặt với nhiều
hậu quả pháp lý, tùy theo hành vi và mức độ trả thù,'' ông diễn giải và liệt kê
một số ví dụ như bồi thường thiệt hại do sa thải trái pháp luật.
''Dù vậy, trong thực tế, việc chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa hành
vi tố cáo và việc bị trả thù vẫn còn nhiều thách thức,'' luật sư Sơn nói.
Sa thải đúng luật?
Từ khi ông Ngân cáo buộc công ty C.P. bán ra thị trường thịt heo nhiễm bệnh
tại tỉnh Sóc Trăng vào tuần cuối tháng Năm, các cơ quan chức năng đã vào cuộc
nhanh chóng và hầu như ngày nào cũng có ít nhất một diễn biến mới được báo giới
Việt Nam đưa tin.
Tính đến sáng hôm 5/6, chưa có thông tin C.P. sẽ đâm đơn kiện ông Ngân,
nhưng thông tin họ yêu cầu chính quyền Sóc Trăng xử lý hành vi chia sẻ thông
tin ''sai sự thật'' đã được công bố.
Theo đơn cho thôi việc của công ty C.P. đề ngày 1/6 được truyền thông dẫn
lại, C.P. cho ông Ngân, người đảm nhận vị trí admin support staff (nhân viên quản
trị hỗ trợ), nghỉ việc vào cùng ngày với lý do "tự ý bỏ việc liên tục 5
ngày làm việc mà không có lý do chính đáng''.
Ông Ngân nói với VOV rằng ông mắc bệnh thận mãn tính và phải chạy thận định
kỳ. Ông đã báo cáo công ty và được cho phép ông làm việc từ xa tại nhà tại huyện
Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, theo ông Ngân, C.P. sau đó đã yêu cầu ông
về làm việc tại Cần Thơ, dù ông không được thông báo cụ thể về thời gian làm việc
và chính sách hỗ trợ.
Dựa vào văn bản và thông tin đã được công bố trên, luật sư Sơn cho biết
C.P. không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của ông Ngân với lý do
trên.
Vị luật sư viện dẫn Bộ luật Lao động 2019 và cho biết công ty chỉ được chấm
dứt hợp đồng khi người lao động điều trị mà khả năng lao động chưa hồi phục
trong thời gian 12 tháng liên tục theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Con số này có thể là 6 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng
lao động có xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
Công ty cũng có thể chấm dứt hợp đồng khi thời gian điều trị quá nửa thời
hạn hợp đồng lao động đối với trường hợp hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng.
Công ty C.P. đã nói gì?
Ngay sau khi cáo buộc của ông Ngân lan truyền trên mạng xã hội, vào hôm
30/5, C.P. Việt Nam công bố trên trang Facebook chính thức của công ty rằng
thông tin này là ''bịa đặt, sai sự thật'', và hình ảnh đính kèm bài viết ''đều
không rõ nguồn gốc, thời gian và không phải là hình ảnh sản phẩm của Công ty Cổ
phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.''
Tuy nhiên, hôm 2/6, đại diện C.P. Việt Nam tại Hậu Giang xác nhận với báo
chí rằng hình heo bệnh lan truyền xuất phát từ tài khoản mạng xã hội của ông
Ngân là có thật.
Hình ảnh này được chụp tại cơ sở giết mổ Dững Nga tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh
Hậu Giang, một cơ sở làm gia công cho C.P. Theo giải thích của công ty, con heo
cụ thể trong ảnh đã được đem tiêu hủy theo quy định.
Tuy nhiên, việc tiêu hủy bằng cách "nấu cho cá ăn" đã đặt ra
nhiều câu hỏi.
Về vấn đề này, ngày 3/6, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi
trường, bà Nguyễn Thu Thủy, Cục phó Cục Chăn nuôi - Thú y (Bộ Nông nghiệp và
Môi trường), cho biết tại thời điểm báo cáo, cơ sở giết mổ chỉ báo cáo có triệu
chứng ở ngoài da chứ không báo cáo dịch bệnh, thế nên xin xử lý nhiệt và cho cá
ăn, đây là việc đã có hướng dẫn của Cục Thú y.
Tuy nhiên, bà Thủy cho biết có vấn đề về việc đóng dấu trong bức hình được
chia sẻ.
"Nếu heo bị bệnh thì sẽ phải đóng dấu dấu tròn, heo tiêu hủy phải
đóng dấu hình tam giác. Trong khi đó, trên hình ảnh heo bị bệnh của C.P. Việt
Nam năm 2022 đóng dấu dấu vuông - đây là dấu kiểm soát giết mổ ra thị trường",
bà Thủy nói.
Theo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho
rằng cách xử lý hai thân thịt trên bằng cách cho cá ăn ''là sai", trường hợp
như vậy phải xử lý bằng vôi, hóa chất hoặc đốt.
"Đã như thế là bệnh, không có triệu chứng gì cả... Nhìn thân thịt
con heo mẩn đỏ hết, triệu chứng xuất huyết, không vi rút thì vi khuẩn, không đổ
cho cá ăn được," ông Tiến nói thêm.
BBC đã liên hệ ông Benjachavakul, người ký quyết định cho ông Ngân nghỉ
việc, và các cá nhân liên quan tại C.P. Việt Nam và công ty mẹ tại Thái Lan,
nhưng chưa nhận được phản hồi.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với ông Ngân qua trang Facebook và email của
ông cung cấp và chưa được hồi đáp.
Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P.) Thái Lan đầu tư vào Việt Nam từ năm
1988, sau khi Việt Nam mở cửa năm 1986 theo chủ trương đổi mới, với hình thức mở
văn phòng đại diện tại TP HCM.
Năm 1993, C.P. thành lập Công ty TNHH chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV), xây
nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa,
tỉnh Đồng Nai.
Hiện công ty có hơn 30.000 nhân viên tại Việt Nam.
Vào tháng 3/2025, báo chí Thái Lan đưa tin rằng C.P. đang chuẩn bị đẩy
nhanh quá trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết đơn
vị lớn nhất ở nước ngoài của mình tại Việt Nam để có nguồn tài chính cho việc mở
rộng kinh doanh.
Hai tháng sau, ông Soopakij Chearavanont, chủ tịch Tập đoàn C.P., cùng
ban lãnh đạo cấp cao CPV đã có buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội
nhân dịp Thủ tướng Vương quốc Thái Lan sang thăm Việt Nam.
Tại đây, ông Chearavanont đã tái khẳng định cam kết sẽ mở rộng đầu tư,
nâng cao năng lực sản xuất tại Việt Nam và đồng hành cùng Việt Nam trong kỷ
nguyên vươn mình.
''C.P. Việt Nam không chỉ cung cấp các sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn
gốc rõ ràng mà còn góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo
hướng hiện đại, công nghệ cao và bền vững,'' theo nội dung liên quan đến buổi gặp
mặt được truyền thông Việt Nam đưa tin.
Nhận xét
Đăng nhận xét