BỎ RƠI VIỆT NAM:-75-SỰ SỤP ĐỔ CỦA SÀI GÒN

 
BỎ RƠI VIỆT NAM:
75-SỰ SỤP ĐỔ CỦA SÀI GÒN

Trong khi phi công Bắc Việt tấn công Tân Sơn Nhất và người miền Nam chuyển giao quyền lực cho Tướng Minh, lực lượng Bắc Việt di chuyển vào vị trí cho cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn. Về phía đông nam của thành phố, Sư đoàn quân Bắc Việt 325 đã đến thị trấn Nhơn Trạch, từ đó các khẩu pháo 130 mm tầm xa của họ có thể bắn vào Tân Sơn Nhất. Về phía tây thủ đô, một sư đoàn quân Bắc Việt khác dưới quyền Thiếu tướng Di Thiên Tích ban ngày thì ẩn mình. Khi trời tối, lực lượng di chuyển vào các vị trí tấn công dọc theo sông Vàm Cỏ, chảy dọc theo rìa phía tây nam của Sài Gòn. Sau này, Dũng đã viết rằng “không còn nơi nào an toàn” cho lực lượng ngụy quyền.
 
Về phía đông Sài Gòn, sau một trận pháo kích qua đêm, cuộc tấn công cuối cùng vào Biên Hòa đã bắt đầu. Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III, đã rời Biên Hòa về Sài Gòn.  Khi tiếng đạn pháo nổ, phần còn lại của ban tham mưu của Toàn cũng bỏ chạy. Tạp chí Time, đưa tin rằng Toàn đã thừa nhận riêng tư rằng trận chiến giành Sài Gòn đã thua, trích lời một quan sát viên quân sự Hoa Kỳ nói rằng hầu hết các lãnh đạo cấp cao của QLVNCH đã thực sự cam chịu sự thảm bại: “Tinh thần và sự lãnh đạo của họ đang trôi tuột đi.” Quan điểm ảm đạm của các nhà lãnh đạo đã có tác động tàn phá đến các lực lượng được cho là đang chiến đấu trong trận chiến đỉnh cao giành Sài Gòn. Như một phi công trẻ của không quân miền Nam sau này đã nói, “Chúng tôi—những người trẻ tuổi—chúng tôi mong đợi sẽ tiếp tục chiến đấu. Nhưng làm sao chúng tôi có thể chiến đấu khi không còn tướng lĩnh nào chỉ huy chúng tôi nữa?”
 
Vào sáng sớm ngày 29 tháng 4, quân đội Bắc Việt bắt đầu một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Tân Sơn Nhất. Trong cuộc tấn công, hai Thủy quân Lục chiến Mỹ bảo vệ an ninh đã thiệt mạng.Trung sĩ Darwin Judge và Hạ sĩ Charles McMahon Jr. là những quân nhân Mỹ cuối cùng hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam.
 
Quân Bắc Việt tiếp nối cuộc pháo kích tên lửa bằng các quả đạn pháo bắn ra từ các khẩu pháo 130 mm tầm xa ở Nhơn Trạch. Hỗn loạn bùng phát khi binh lính và phi công miền Nam tranh nhau leo lên bất cứ thứ gì có thể bay được. Phi hành đoàn của một chiếc C-130 chở quá tải đã đẩy binh lính ra khỏi thang dốc hàng hóa phía sau để máy bay có thể đạt đủ tốc độ chạy trên đường băng để cất cánh. Một chiếc máy bay khác, một chiếc C-7 Caribou vận tải, đã quay khỏi đường băng, đâm sầm và bốc cháy. Các phi công Không quân Việt Nam điều khiển bất cứ thứ gì có thể bay được và cất cánh đến Thái Lan; cuối cùng 132 máy bay đã đáp xuống Căn cứ Không quân U Tapao ở Thái Lan.
 
Cùng ngày hôm đó, Trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Không quân Việt Nam, và một nhóm gồm 30 sĩ quan không quân cao cấp có vũ trang đã xông vào khu liên hợp DAO tại Tân Sơn Nhất và yêu cầu họ phải được sơ tán ngay lập tức.  Tướng Smith chỉ đạo tùy viên không quân phụ tá của mình, Trung tá Dick Martin, thông báo với các sĩ quan rằng họ sẽ bị bắn ngay tại chỗ trừ khi họ buông vũ khí và bình tĩnh lại. Họ đã làm đúng yêu cầu và Martin đã nhốt họ. Sau đó, họ được sơ tán. Trong đánh giá cuối cùng, DAO sau đó đã báo cáo rằng sự cố này “báo hiệu tình trạng mất hoàn toàn quyền chỉ huy và kiểm soát” của lực lượng không quân “và làm trầm trọng thêm tình hình vẫn đang xấu đi”.
 
Trong khi cơn tuyệt vọng và nỗi kinh hoàng đang ngự trị tại Tân Sơn Nhất, Tổng thống Ford đã triệu tập một cuộc họp với các cố vấn của mình tại Nhà Trắng. Sau nhiều cuộc thảo luận, Tổng thống Ford đã chỉ đạo thực hiện các giai đoạn cuối của Chiến dịch Gió Lốc. Các cuộc tấn công bằng đạn pháo và tên lửa đã loại trừ khả năng cho bất kỳ cuộc sơ tán nào nữa bằng máy bay cánh cố định từ Tân Sơn Nhất.  Trong nhiều ngày tiếp theo, trực thăng của Hoa Kỳ đã vận chuyển khoảng 7.100 quân nhân và nhân viên dân sự của Hoa Kỳ và Việt Nam ra khỏi Sài Gòn, nhiều trực thăng bốc lên từ mái tòa nhà đại sứ quán. Các tàu hải quân đã vận chuyển hơn 70.000 dân miền Nam đến các tàu của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Trong một trong nhiều thảm kịch của cuộc chiến, người Mỹ đã bỏ lại 420 người Việt đã làm việc cho họ và đã được hứa sẽ cho sơ tán. Đại tá Harry Summers, một sĩ quan quân đội được giao nhiệm vụ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, sau đó đã viết rằng sự cố này là “một ngày đáng xấu hổ đối với nước Mỹ” và việc sơ tán đại sứ quán là “Lịch sử Chiến tranh Việt Nam thu nhỏ”. Như những gì đã xảy ra trong phạm vi lớn hơn, người Mỹ đã đưa ra những lời hứa hẹn mà họ không thực hiện được.
 
Khi cuộc sơ tán của người Mỹ bắt đầu nóng lên, cảnh tượng hỗn loạn đã nhấn chìm thành phố. Đám đông xuống đường, lật đổ xe hơi, đốt phá các tòa nhà và cướp bóc. Những căn hộ và văn phòng cũ của người Mỹ là mục tiêu chính của những tên hôi của, chúng lấy đi mọi thứ có thể mang được, thậm chí cả vật dụng trong phòng tắm. Một phóng viên sau đó đã viết: “Trong chớp mắt, chúng mở ngăn kéo, xé rèm cửa, đổ hết đồ trong tủ lạnh, lấy khăn trải giường, chăn, bát đĩa, ghế xoay, máy đánh chữ, quạt máy . . . . Đó là một màn biểu diễn ấn tượng về cơn thịnh nộ, điên cuồng và hả hê của những kẻ có máu hôi của.”
 
Các đoàn quân Bắc Việt tiến chậm rãi vào trung tâm thành phố, gặp rất ít sức kháng cự. Bộ chỉ huy quân sự Sài Gòn hầu như không còn tồn tại. Gần 7:00 tối, tân Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Vĩnh Lộc, đã ban hành lệnh đầu tiên và duy nhất trong ngày, cảnh cáo các sĩ quan và binh lính của mình không được “chạy trốn như chuột”, và hứa rằng, “Từ giờ trở đi, tôi và các tướng lĩnh chỉ huy sẽ có mặt giữa các anh em… suốt ngày đêm.” Ngay sau đó, Lộc lên trực thăng để di tản. Hầu hết các chỉ huy cấp cao khác cũng đã đánh bài chuồn. Một phóng viên đã quan sát tiến trình sụp đổ của lực lượng vũ trang miền Nam và chính quyền dân sự ở Sài Gòn sau đó đã viết: “Giống như các con rối không còn có dây điều khiển, toàn bộ bộ máy chính quyền Sài Gòn đang sụp đổ. Không có trật tự, không có quân đội, không có quyền lực nào ngoài súng và vũ khí mà rất nhiều, rất nhiều người vẫn còn và đang sử dụng.”
 
Vừa qua 5:00 sáng  vào ngày 30 tháng 4, Đại sứ Martin, mang theo lá cờ Mỹ đã cuốn lại mà ông lấy từ văn phòng của mình, khởi hành bằng trực thăng CH-46 đến tàu U.S.S. Blue Ridge đang neo ở ngoài khơi Biển Đông. Vào lúc 10:24 sáng, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố VNCH đầu hàng vô điều kiện. Gần như ngay lập tức, những người lính miền Nam bắt đầu cởi bỏ vũ khí và quân phục, cố gắng hòa mình vào đám đông để tránh sự trả thù của những kẻ chiến thắng. Một số người đã chọn cách khác. Một đại tá QLVNCH đã đến Quảng trường Lam Sơn, nơi có đài tưởng niệm những người lính miền Nam đã hy sinh trong chiến tranh. Ông chào bức tượng người lính khổng lồ rồi tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục.
 

Đến trưa, xe tăng của Quân đoàn II của Tướng Dũng ầm ầm tiến qua vùng ngoại ô Sài Gòn và tiến vào thành phố mà không bị cản trở, theo sau là những chiếc xe tải mui trần chở đầy bộ đội Bắc Việt được trang bị vũ khí hạng nặng. Một đoàn xe tăng lăn bánh qua Đại lộ Công Lý xuống Đại lộ Thống Nhất hướng về Dinh Độc Lập. Chiếc xe tăng dẫn đầu, số 843 do thiếu tá Bắc Việt Nguyễn Văn Hòa chỉ huy, đã đâm ngã sầm cổng dinh. Những chiếc xe tăng khác theo sau, đỗ thành hình bán nguyệt trên sân dinh trước cầu thang. Một bộ đội Bắc Việt nhảy xuống khỏi xe tăng, chạy lên các bậc thang và bắt đầu vẫy lá cờ xanh và đỏ với ngôi sao vàng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời một cách hân hoan. Neil Davis, một phóng viên chiến trường của Reuters, đã hỏi tên người lính và chàng trai trẻ trả lời, “Nguyễn Văn Thiệu.” Với tình tiết mỉa mai đó, Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.
 
Với người dịch, hình ảnh đọng lại trong thời khăc lịch sử đó là vào trưa ngày 30/4, khi tôi hăm hở xách máy quay phim 8mm lên đường đến Dinh Độc Lập, định bụng quay những cảnh tượng lịch sử của từng nhóm dân chúng tụ tập tại đó, vẫy tay chào đón các chú bộ đội mặt mũi hiền lành ngồi trên xe tăng trước Dinh. Nhưng khi vừa đi đến đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), tôi bỗng thấy chạy lúp xúp tới là một tiểu đội lính Nhảy Dù của VNCH, trong quân phục chỉnh tề, vai đeo súng M16, trong đội hình hai hàng dọc, chạy bên cạnh là một tiểu đội trưởng chỉ huy. Khẩn trương nhưng không hoảng loạn, họ quẹo qua đường Mạc Đỉnh Chi . Có thể thấy rõ họ thuộc lực lượng phòng thủ Dinh Độc Lập vừa được lệnh giải thể sau khi Tướng Minh tuyên bố đầu hàng. Tội vội núp sau một thân cây cổ thụ bên đường, vừa nhắm máy quay vào họ vừa phập phồng lo sợ một phản ứng khó lường của một nhóm kẻ vừa thua cuộc có thể cay cú trước một người chĩa ống kính vào mình, xúc phạm đến cảm xúc đổ vỡ,  tuyệt vọng. Bỗng họ tấp vào một vỉa hè rộng trên đường Mạc Đỉnh Chi, lặng lẽ cởi súng, cứ ba cây chụm đầu làm một tháp súng, sau đó đặt mỗi mũ bê-rê màu đỏ thắm đặc trưng lên từng mũi súng. Rồi, vẫn lẵng lặng, họ cỡi giày bốt, xếp thành hàng ngay ngắn, như sau một buổi diễn tập thường ngày trên quân trường. Cuối cùng, họ nhanh chóng trút bỏ bộ quân phục rằn ri, chất thành một đống gọn gàng. Giờ đây, họ đôi chút ngượng ngịu và trông buồn cười trong bộ áo thun với quần đùi trước cả thế giới. Sau tiếng hiệu lệnh của tiểu đội trưởng, các kẻ thua cuộc lập tức xếp lại hai hàng dọc. Không có quân phục bậm trợn và vũ khí sắt lạnh, lúc này trông họ chẳng khác một nhóm tù binh bất lực. Lại một tiếng quát, và cũng nhanh chóng như khi đến, đầu hơi cúi xuống, trong cõi im lặng nặng nề, họ buồn bã bước nhanh về phía đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ), tại đó họ quẹo trái và mất hút vào ngã rẽ của lịch sử.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến