NGUYỄN HUY THIỆP
QUA GÓC NHÌN NGUYÊN NGỌC
Tôi không có vinh dự đăng truyện ngắn "Tướng về hưu" của anh.
Nhưng đọc, tôi nhận ra đây là một tài năng không bình thường chút nào. Tôi chăm
chú theo dõi. Thậm chí có hơi lo.
Một đêm, ở căn phòng vốn là phòng của anh Thanh Tịnh tại 4 Lý Nam Đế,
Nguyễn Khải và tôi lẩm cẩm trao đổi với nhau: E rằng cái thằng này viết xong Tướng
về hưu hoặc là nó tịt luôn, hoặc là nó… chết mất. Tinh hoa phát tiết hết ra
ngoài rồi còn gì!
Ít lâu sau tôi nhận được của Nguyễn Huy Thiệp truyện "Muối của rừng".
Tôi đăng ngay, và mừng quá. Hóa ra sức anh chàng này thật ghê. Vẫn là Thiệp đấy,
nhưng đồng thời lại hoàn toàn khác. Hiếm có một cây bút mới đầu đã đa dạng như
vậy. Nguyễn Khải bảo còn hay hơn cả Tướng về hưu. Có thể đúng. Truyện, theo
tôi, viết rất mượt nhưng đặt một vấn đề rất dữ: kiêu ngạo và kết quả thê thảm của
kiêu ngạo ấy ở con người trước thiên nhiên, tạo hóa.
Đến số Tết 1988, chúng tôi đăng tiếp Con gái thủy thần của anh. Lại một mặt
khác, rất lạ, của tài năng này.
Mãi đến lúc ấy tôi vẫn chưa biết mặt Nguyễn Huy Thiệp. Anh rất ít đến tòa
soạn. Lâu lâu mới tạt qua đưa một bài, cho tổ Văn, toàn những hôm tôi không có
mặt ở báo.
Một bữa, vào đầu 1988, tôi đang dẫn con gái tôi đi ngắm sách ở cửa hàng
ngoại văn, quốc văn Tràng Tiền, phố sách Đinh Lễ, loanh quanh Bờ Hồ, rồi tạt
vào vườn hoa Chí Linh, thì thấy hai người thanh niên đang đi xe đạp phía trước
Ngân hàng Trung ương bỗng dừng lại, dắt xe đi về phía bố con tôi. Một người
cao, trắng trẻo, đeo kính trắng, trông có vẻ thư sinh. Một người thấp, nhỏ con,
hơi gầy và đen, khắc khổ, có thể đoán là dân ngoại thành, làm nghề thủ công gì
đó.
Anh “thanh niên ngoại thành” ấy hỏi:
- Anh có phải là anh Ngọc?… Em là Thiệp đây.
Nguyễn Huy Thiệp?
- Còn đây là Hưng, bạn em, làm điêu khắc.
Tôi gặp và quen Nguyễn Huy Thiệp như vậy.
Từ đấy thỉnh thoảng Thiệp đến nhà tôi chơi, bao giờ cũng ngồi ở chiếc ghế
xa-lông tồi tàn đặt ở cái góc tối nhất trong phòng khách chật bó của tôi. Anh lẳng
lặng ngồi hút thuốc và uống nước trà, rất ít nói, hầu như không bao giờ nói
chuyện văn chương. Cũng có hôm cả Thiệp và Hưng cùng đến, Hưng đèo tôi, Thiệp
thong thả đạp xe bên cạnh, lang thang qua các phố, ghé lại một hàng quán nào đó
bên vỉa hè, uống chén chè và ăn vài cái kẹo vừng. Hoặc có bữa Thiệp mang đến
cho con gái tôi vài quyển sách giáo khoa mới in. Anh đang làm việc ở Nhà xuất bản
Giáo Dục. Tôi hỏi:
- Biên tập à?
Anh bảo:
- Không. Trình bày mỹ thuật.
- Cụ thể là trình bày cái gì?
Anh cười, nụ cười bao giờ cũng buồn, hơi cười gằn, pha chút mỉa mai: hóa
ra cái gọi là trình bày mỹ thuật của Thiệp là kẻ chữ mấy cái bìa sách và can lại
những tranh vẽ con cua, con cá, thân thể người ta…, loại tranh vẽ thật thà ngây
ngô con cái chúng ta hằng ngày vẫn được học để “hình dung ra thế giới”. Chỉ
tiêu công tác của Thiệp là mỗi buổi sáng phải can đủ ba bức tranh mỹ thuật như
vậy; buổi chiều ngồi nhà viết. Hoặc đi làm thêm kiếm tiền.
- Làm gì?
Hưng và Thiệp nhận trang trí nội thất cho bất cứ nơi nào thuê, bấy giờ
thiếu gì. Các cửa hàng mậu dịch, các quán giải khát, trăm nghìn thứ đại lý, đại
diện xà phòng, kem đánh răng, bột giặt, nước hoa… Hưng vẽ, Thiệp tô màu…
Con người đã làm chấn động đời sống văn học ta, ít ra cũng trong mấy năm
trời, là như vậy đấy. Đố ai nhận ra được Thiệp giữa đám người lao động đủ loại
hỗn độn bát nháo hằng ngày giữa đường. Đôi lúc tôi đã có ý nghĩ, chắc là lẩm cẩm
rồi: hay anh thuộc một loài người khác, ở đâu đó không biết, cải trang, hóa
hình, sống chen chúc giữa cõi đời này của chúng ta, để theo dõi quan sát cái thế
giới người ngộ nghĩnh và khá lôi thôi này của chúng ta.
Anh như một kẻ đứng ngoài cuộc, vô can, “vô trách nhiệm” nữa, không vướng
víu như chúng ta bởi trăm thứ ràng buộc, quá khứ, hiện tại. Cứ nhìn thật kỹ đôi
mắt anh mà xem, hơi đen tối thế nào ấy, hơi giễu cợt, ranh ma làm sao ấy. Cả
khuôn mặt nữa: có gì đó tăm tối, quá giản dị một cách không bình thường.
Chẳng lẽ Nguyễn Huy Thiệp cũng là một người cầm bút, một người viết văn
bình thường như anh, như tôi, như bao nhiêu người cầm bút ta vẫn gặp?
Đọc văn anh mà xem. Tục tĩu đến mức nhầy nhụa. Thanh cao hết mực thanh
cao, anh Hoàng Ngọc Hiến gọi là thăng hoa. Phanh phui, mổ xẻ sự đời, tâm địa
con người đến tàn nhẫn, không thương tiếc. Mà khi dắt ta vào cõi mờ ảo thì cũng
đến tận cùng sương khói.
Có lần Thiệp kể cho tôi nghe câu chuyện này, không biết có thật không: một
dạo ở bệnh viện Bạch Mai, khoa tâm thần, có một người đàn bà bỗng dưng tự xưng
là nàng Vinh Hoa, nhân vật kỳ ảo trong truyện ngắn Phẩm tiết từng gây rất nhiều
tai tiếng của Thiệp. Chị múa hát, ăn nói, đi lại, hành động hệt như Vinh Hoa.
Người ta đến xem rất đông. Nghe tin, Thiệp cũng tò mò đến xem. Thoạt trông thấy
Thiệp - mà chắc chắn chị chưa hề gặp bao giờ - đột nhiên chị tái mặt, sững người,
hoảng sợ, mất tiệt hết “ma lực”…, và sau đó hoàn toàn trở lại bình thường! Thiệp
cũng sợ quá, vội lủi đi ngay.
Tôi có cảm giác những cái Nguyễn Huy Thiệp viết, anh vừa viết rất ý thức,
rất tự giác - ít cây bút nào tỉnh táo đến lạnh lùng, tàn khốc như anh -, lại vừa
như bị “ma ám”, có lẽ.
Trong văn của anh, nhiều đoạn có thể chép nguyên làm mẫu tuyệt vời cho
các sách giáo khoa dạy văn, ngay cả ở cấp 1, cấp 2 - như đoạn thả diều trong Những
bài học nông thôn chẳng hạn. Đọc, bỗng nhớ Người gieo hạt (Le semeur) của
Victor Hugo. Lại có đoạn, có truyện, chắc không bậc phụ huynh nào dám để cho
con cái mình, dẫu đến tuổi mười lăm, mười sáu mó tới.
Từ giữa 1988, tôi đăng liên tiếp ba truyện ngắn thường được gọi, một cách
không đúng, là những “truyện ngắn lịch sử” của Nguyễn Huy Thiệp: Kiếm sắc, Vàng
lửa, rồi Phẩm tiết.
Một lần nữa tôi lại nói “tôi” chứ không phải “chúng tôi” để nói rằng tôi
chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc báo Văn nghệ đã giới thiệu với độc giả mấy
tác phẩm rồi sẽ gây cả một vụ xì-căng-đan văn học ấy.
Cuộc cãi vã trở nên sôi nổi, ầm ỹ, lan ra cả ngoài văn học. Có người nhân
danh nhà sử học chửi nó xuyên tạc lịch sử. Có người, từ góc độ chính trị lên án
nó bôi nhọ anh hùng dân tộc, hạ bệ thần tượng lịch sử, cứ đà này rồi chẳng bao
lâu sẽ đi đến hạ bệ cả những thần tượng đương đại. Có người mắng nó tục tĩu đến
hôi thối, lợm giọng…
Người bênh vực Thiệp cũng nhiều, và cũng từ nhiều góc độ, cố gắng giải
thích mấy truyện ngắn này. Một nhà sử học có tên tuổi cam đoan rằng ông có đầy
đủ cứ liệu lịch sử tin cậy để chứng minh cho hình tượng Nguyễn Huệ đúng như
Nguyễn Huy Thiệp đã viết. Nhiều nhà lý luận phê bình khác phân tích ý nghĩa thẩm
mỹ cao siêu ẩn dụ trong mấy tác phẩm nọ…
Tôi thì tôi có dịp được chứng kiến một cuộc trao đổi về chính mấy truyện
ngắn ấy ở Viện Văn học, có mặt cả Nguyễn Huy Thiệp. Cũng như mọi lần, Thiệp ngồi
một góc, im lặng, thậm chí có vẻ lơ đãng chẳng muốn nghe. Chừng anh đang mải
nghĩ chuyện gì đó khác, hoàn toàn khác. Chuyện làm ăn chẳng hạn. Chẳng là dạo ấy
anh đang tính toán một nghề kiếm sống nào đó khác, khá hơn cái nghề trình bày mỹ
thuật bất đắc dĩ kia. Anh đang tính cùng Hưng mở một cái cửa hàng chuyên sơn xì
xe đạp, xe ô-tô…
Anh Huệ Chi, chắc là để cố “moi” Thiệp, hỏi:
- Đề nghị anh Thiệp cho biết trong mấy truyện vừa rồi của anh, chỗ nào
anh căn cứ trên tư liệu lịch sử có thật, chỗ nào anh bịa thêm?
Thiệp đứng dậy, ngơ ngác một chút, rồi trả lời gọn lỏn:
- Tôi chẳng bịa gì cả.
Anh ngồi xuống, im lặng một lát, rồi nói tiếp:
- Chừng mươi năm sau nữa, nhớ lại những chuyện nói hôm nay, chắc tất cả
chúng ta sẽ thấy buồn cười.
Từ đó đến cuối buổi anh chẳng nói gì thêm nữa.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và người bạn chí cốt - Nhà điêu khắc Nguyễn Hồng
Hưng.
Tôi vốn hay dại dột, một lần đến nói chuyện với câu lạc bộ các cụ về hưu ở
Đống Đa (các cụ lại hết sức quan tâm đến Văn nghệ), tôi lỡ mồm nói:
- Tôi nghe nhạc Beethoven chẳng hạn, tôi chẳng hiểu gì cả, thực tình nhiều
khi cũng chẳng thấy hay. Muốn thưởng thức âm nhạc, phải học, học từ a b c của
nhạc. Văn học có cái tai họa, nó được diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường, lời
ăn tiếng nói hằng ngày của mọi người. Nên ai cũng tưởng cứ đọc là hiểu. Để đọc
văn học cũng phải học cái “xôn-phe” của nó, như phải học để biết nghe và hiểu
nhạc…
Tôi bị một bà cụ, chắc từng là một cán bộ có cỡ và nghe đâu đã đỗ đến bằng
diplôme thời xưa, mắng cho một trận sa sả: Tôi khinh người quá! Nhiều người
khác trong hội trường cũng la ó rất dữ.
Hôm ấy có anh Mộng Quỳnh (về sau anh đã tự tử ở sông Hồng). Mộng Quỳnh
kéo tôi ra ngoài, an ủi:
- Từ nay về sau anh chớ bao giờ đến những nơi như thế này nữa. Hôm nay
anh chỉ cần nhớ một điều này thôi: Ít ra, có tôi hiểu anh.
Tôi nói với anh Mộng Quỳnh:
- Nhưng chính tôi cũng chưa hoàn toàn hiểu Nguyễn Huy Thiệp, anh ạ.
- Đúng thôi, hiểu ngay thế nào được.
Anh ân cần tiễn tôi ra về.
Quả thật, Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng lạ, có lẽ cứ còn phải đọc và
tìm hiểu nữa. Chỉ có điều tôi thật tình ngạc nhiên sao anh xuất hiện sớm thế,
như một báo trước thật sớm, khi trong đại trà văn học ta đang cố rứt ra khỏi
cái trớn trơn tru cũ, hì hục, cặm cụi, hăng hái xông vào cái hiện thực thô nhám
của cuộc đời hơn, hì hục mô tả nó cho thực, cho đậm. Anh dự báo một cái gì đó
còn rất manh nha.
Còn đối với hôm nay, ít nhất Nguyễn Huy Thiệp đã làm được một điều này:
Anh khiến tất cả những người cầm bút chúng ta, dù muốn hay không, dù yêu hay
ghét anh, đều cảm thấy rất rõ rằng mình không thể tiếp tục viết như trước nữa.
Trung Trung Đỉnh, một cây bút trẻ tinh và rất nhạy cảm tâm sự với tôi:
Sau khi đọc Những bài học nông thôn, anh quyết định hoặc phải viết khác hẳn đi,
hoặc… bỏ nghề.
Nguyễn Khải, cái hôm tôi đưa cho anh đọc Tướng về hưu cũng bảo:
- Mình sẵn sàng vứt hết tất cả những cái trước nay của mình, để chỉ mong
viết được một cái như thế này.
Tất nhiên rồi Nguyễn Khải chẳng vứt gì cả. Trung Trung Đỉnh vẫn tiếp tục
viết. Dễ gì “vứt”, và dễ gì một phát thay đổi. Nhưng sự chấn động có thể tạo
nên bước ngoặt do Nguyễn Huy Thiệp gây ra là có thật.
Báo Văn nghệ “kiên trì” Nguyễn Huy Thiệp suốt một năm rưỡi ấy là đích
đáng. Nếu không thì nó còn là tờ báo của Hội Nhà văn cái nỗi gì!
Và hóa ra, ngay từ đầu, báo Văn nghệ không chỉ mở cửa cho văn học đi vào
đời sống bằng thể loại phóng sự-văn học, trực tiếp, sắc nhọn như một con dao giải
phẫu lợi hại; nó còn cùng lúc mở đường bằng sáng tác hư cấu, mới thật là “nghề
riêng” của nó, và mới đi tới được cốt lõi, lâu bền./.
NGUYÊN NGỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét