Đề thi tốt nghiệp THPT 2025:
Môn Toán, tiếng Anh: Quá mới,
quá khó để làm gì?!
Đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều giáo viên
thẳng thắn cho rằng đề thi bị "lệch chuẩn" so với năng lực phổ thông
trung bình.
Đề thi môn toán và tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được đánh
giá là khó hơn nhiều so với đề minh họa công bố cuối năm 2024. Tỉ lệ câu hỏi ở
mức vận dụng và vận dụng cao chiếm ưu thế, trong khi các câu hỏi ở mức nhận biết
và thông hiểu, vốn là chỗ để cho học sinh trung bình gỡ điểm, lại giảm đáng kể.
Điều này khiến nhiều học sinh có thể không đạt được kết quả như mong muốn.
Bỏ quên mục tiêu tốt nghiệp?
Về bản chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT được thiết kế để đánh giá đầu ra, nhằm
công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, cách xây dựng đề thi năm nay lại
mang tính chất phân loại mạnh, phù hợp với mục tiêu tuyển sinh đại học hơn. Sự
thiên lệch này không chỉ làm mất tính công bằng mà còn khiến phần lớn thí sinh,
đặc biệt là những em có học lực trung bình, rơi vào tình trạng bất lợi. Một kỳ
thi tốt nghiệp cần bảo đảm mọi học sinh có cơ hội thể hiện năng lực cơ bản,
thay vì chỉ phục vụ mục tiêu sàng lọc cho các trường đại học.
Một giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ nếu chỉ phục vụ tuyển
sinh đại học thì đề thi khó không phải vấn đề, nhưng với khoảng 400.000 học
sinh chỉ cần xét tốt nghiệp, độ khó này là không cần thiết và gây áp lực quá lớn.
Việc nâng độ khó như năm 2025 có nguy cơ làm mất đi tính công bằng, đặc biệt với
những học sinh có học lực trung bình.
Một chuyên gia khảo thí cũng nhận định ngữ liệu và cách đặt câu hỏi trong
đề thi cũng là một vấn đề lớn. Đề thi nhiều môn có các câu hỏi sử dụng văn bản
dài, cấu trúc phức tạp, đôi khi mang tính học thuật cao, không phù hợp với học
sinh phổ thông. Cách hỏi cũng vòng vèo, trừu tượng, đòi hỏi kỹ năng đọc hiểu và
phân tích vượt xa khả năng của một học sinh có học lực trung bình. Thậm chí,
ngay cả môn toán cũng xuất hiện những câu hỏi yêu cầu tư duy tích hợp phức tạp.
Điều này khiến việc đọc hiểu đề thi trở thành một thách thức khiến nhiều học
sinh "ngã gục".
Về mặt kỹ thuật, quy trình xây dựng đề thi cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Ma
trận phải là công cụ giúp bảo đảm sự cân đối về nội dung kiến thức, cấp độ nhận
thức và định hướng năng lực theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Nhưng thực tế, nhiều đơn vị đã đồng nhất ma trận với bảng phân phối câu hỏi và
sử dụng phần mềm để rút ngẫu nhiên câu hỏi mà không đi kèm đặc tả chi tiết. Sự
nhầm lẫn giữa "ma trận" và "đặc tả đề thi" đã khiến quá
trình xây dựng đề tách rời hoàn toàn khỏi yêu cầu của chương trình, làm mất
tính chuẩn mực trong kiểm tra, đánh giá. Hệ quả là các mã đề thi không đồng đều,
có sự chênh lệch về độ khó và mất cân bằng về nội dung.
Đáng chú ý, đề thi vẫn được xây dựng theo phương pháp truyền thống - dựa
vào kinh nghiệm của tổ chuyên gia, mà thiếu sự hỗ trợ từ một ngân hàng câu hỏi
chuẩn hóa. Không có dữ liệu định chuẩn về độ khó, độ phân biệt, cũng không có
thử nghiệm diện rộng, các câu hỏi dễ rơi vào tình trạng cảm tính, thiếu nhất
quán giữa các môn và các mã đề. Điều này không chỉ làm giảm tính khoa học của kỳ
thi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh.
Dạy - học - thi không thống nhất
Một nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bất cập trên chính là sự thiếu đồng
bộ giữa bối cảnh học tập của học sinh và cách tổ chức dạy học - đánh giá. Lứa học
sinh dự thi năm 2025 là khóa đầu tiên học theo Chương trình GDPT 2018, đồng thời
chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 trong giai đoạn lớp 9 và lớp 10 -
hai năm học nền tảng. Việc học trực tuyến kéo dài khiến chất lượng tích lũy kiến
thức, kỹ năng và tâm lý học tập của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP Hà Nội đánh giá chương trình giảng dạy
hiện tại chưa chuẩn bị cho học sinh những dạng câu hỏi yêu cầu tư duy logic và
kỹ năng xử lý tình huống phức tạp như trong đề thi tốt nghiệp năm nay. Điều này
đặc biệt bất lợi cho thí sinh ở vùng khó khăn, nơi điều kiện học tập còn hạn chế.
Trong khi Chương trình GDPT 2018 yêu cầu phát triển năng lực tư duy, giải
quyết vấn đề và tự học, thực tế việc dạy học ở nhiều địa phương vẫn thiên về
luyện đề, học thuộc lòng và ôn "tủ". Học sinh chưa được rèn luyện đầy
đủ các kỹ năng tích hợp, phân tích dữ liệu hay trình bày phản biện - những năng
lực cần thiết để xử lý các câu hỏi vận dụng cao trong đề thi. Khi đối diện đề
thi được thiết kế theo định hướng đánh giá năng lực, nhiều thí sinh rơi vào trạng
thái bị động, mất phương hướng.
Chưa hết, nhiều câu hỏi trong đề thi vượt xa phạm vi và mức độ được thể
hiện trong sách giáo khoa, khiến học sinh dù học bài bản cũng khó đáp ứng yêu cầu.
Sự khác biệt giữa đề minh họa và đề thi chính thức càng làm gia tăng sự hoang
mang, đẩy học sinh vào vòng xoáy luyện đề và học thêm để "đoán đề".
Điều này được cho là sẽ triệt tiêu mục tiêu phát triển năng lực tự học - một
trong những giá trị cốt lõi của Chương trình GDPT 2018.
=======================================================
Cần minh bạch
quy trình ra đề
Một chuyên gia khảo thí cho rằng để khắc phục các bất cập trên, cần có những
điều chỉnh căn bản trong quy trình xây dựng và triển khai đề thi. Thứ nhất, đề
thi cần quay lại đúng mục tiêu xét tốt nghiệp, ưu tiên các câu hỏi ở mức độ cơ
bản để bảo đảm học sinh trung bình có thể đạt điểm tối thiểu. Việc phân loại
cho tuyển sinh đại học nên được tách bạch rõ ràng, có thể thông qua các kỳ thi
riêng hoặc bài kiểm tra bổ sung. Thứ hai, quy trình xây dựng đề thi cần dựa
trên một ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, được kiểm định thực tế về độ khó và độ
phân biệt. "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần minh bạch hóa quy trình ra đề và
cung cấp định hướng rõ ràng cho giáo viên, học sinh. Việc tổ chức thử nghiệm đề
thi trên diện nhỏ trước khi áp dụng đại trà là cần thiết để kiểm chứng mức độ
phù hợp" - chuyên gia này đề nghị.
======================================================
SỔ TAY:
Đề thi quá
khó là bất bình đẳng!
Khi thử giải đề thi tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 với trình độ
B2 mà không dư thời gian, tôi dò thử đáp án trên mạng thì đúng 32/40 câu, tức 8
điểm. Bài đọc về greenwashing cực kỳ khó về từ vựng, cấu trúc câu, cách đặt câu
hỏi và các đáp án bẫy cũng khó, không luyện quen là mất điểm.
Tôi mất điểm gần hết bài này, lúc làm còn chọn đi chọn lại. Bài đọc
project farming cũng khó không kém. Cấu trúc câu và từ vựng đỡ hơn greenwashing
một chút nhưng thí sinh nào trình độ B1 vẫn phải rất chắc mới làm đúng hết các
câu. Dù học sinh đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo là B1
theo khung CEFR cũng khó có thể làm bài thi này đạt 8 điểm trừ khi được luyện dạng
đề này thật kỹ.
Như vậy, với một bài thi cho mục đích tốt nghiệp THPT, dành cho học sinh
cả nước, không phân biệt vùng miền thì độ khó của đề thi này có hợp lý không?
Đành rằng môn tiếng Anh là tự chọn, học sinh nào tự tin với trình độ tiếng
Anh của mình mới đăng ký thi nhưng đề thi với những 10 câu ở bài greenwashing
toàn là suy luận ngôn ngữ mức độ cao, chưa kể rải rác mấy câu ở các bài khác
thì thật sự "nhức não" và để đạt điểm 7 cũng đã khó.
Bài thi này một lần nữa cho thấy sự bất bình đẳng trong cơ hội học tập của
học sinh ở các gia đình khác nhau và trường học khác nhau. Nếu không được thầy
cô giỏi luyện kỹ, nếu không có tiền đi học thêm để có người kèm cặp thì không
có cơ hội đạt điểm cao và vào được trường đại học tốt có dùng tiếng Anh để xét
tuyển.
Những xôn xao ở đề thi một lần nữa đặt ra vấn đề bài thi "2 trong
1" là vấn đề bất ổn? Nhiều ý kiến cho rằng thi "2 trong 1", tức
bài thi tốt nghiệp THPT phục vụ mục tiêu kép, nên bài thi phải vừa đánh giá được
năng lực đặc thù của học sinh trong từng môn học theo yêu cầu cần đạt của
chương trình để công nhận và cấp bằng tốt nghiệp cho các em; mặt khác, bài thi
phải phân hóa được năng lực của học sinh để tuyển chọn được học sinh giỏi vào
các trường đại học tốt. Tuy nhiên, 2 mục đích khó đạt trong một bài thi là vì kỳ
thi này đúng như tên gọi của nó là dành cho tất cả học sinh. Mục tiêu để đánh
giá mức độ đạt được của học sinh sau 12 năm học phổ thông so với yêu cầu đạt của
chương trình.
Chính vì vậy, bài thi tốt nghiệp thông thường là đánh giá dựa trên tiêu
chí. Các bài thi dựa trên tiêu chí so sánh kiến thức hoặc kỹ năng của một người
với tiêu chuẩn định trước, mục tiêu học tập, mức độ thực hiện hoặc một bộ tiêu
chí. Các bài kiểm tra tham chiếu tiêu chí thường sử dụng các điểm số được gọi
là "điểm cắt" để phân học sinh thành các mức: "dưới trung
bình", "trung bình" và "trên trung bình".
Do đó, các câu hỏi trong bài thi này phải theo sát chương trình học, trải
dài từ dễ đến trung bình rồi trên trung bình. Dù trên trung bình cũng không có
nghĩa là vượt lên chương trình. Bài thi này không được phép gây bất lợi cho
nhóm yếu thế hoặc tìm cách loại bỏ các em!
TS Nguyễn Thị Thu Huyền(Giám đốc Học viện Giáo dục song ngữ Việt Nam)
Nhận xét
Đăng nhận xét