Đề thi tốt nghiệp THPT 2025:
Đổi mới nhưng chưa đồng hành với thực tiễn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 khép lại không chỉ với những
tín hiệu mới về nội dung và phương pháp đánh giá mà còn để lại nhiều phản hồi
trái chiều về mức độ khó, tính phân hóa và sự tương thích với chương trình -
sách giáo khoa - năng lực thực tế của học sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, đề thi năm nay được xây dựng theo định hướng đánh giá năng
lực, tích hợp kiến thức liên môn, yêu cầu học sinh (HS) vận dụng để giải quyết
vấn đề thực tiễn. Một số môn thi đã thể hiện được tinh thần này. Câu hỏi không
chỉ dừng lại ở kiểm tra kiến thức mà hướng đến đánh giá tư duy phản biện, khả
năng phân tích, so sánh, liên hệ.
Sự thay đổi này là cần thiết nếu giáo dục VN muốn chuyển từ học để thi
sang học để hiểu - để sống - để làm - để sáng tạo. Đồng thời, tạo động lực để
giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, từ truyền thụ kiến thức sang phát triển
năng lực HS.
KHOẢNG CÁCH GIỮA CẢI CÁCH VÀ NĂNG LỰC HS
Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng lộ rõ độ "vênh"
lớn giữa mục tiêu cải cách và khả năng tiếp cận của phần đông HS. Tại nhiều môn
thi - đặc biệt là toán và tiếng Anh - đề thi bị đánh giá là quá khó, với mật độ
câu hỏi vận dụng cao dày đặc, thiếu hệ thống câu hỏi ở mức cơ bản giúp HS trung
bình làm được bài.
Với đề thi môn toán, HS phản ánh không tìm được điểm tựa để bắt đầu, nhiều
câu yêu cầu biến đổi kỹ thuật phức tạp, cách đặt câu hỏi dài và ít gợi mở.
Đặc biệt, đề tiếng Anh sử dụng ngữ liệu khó, văn cảnh dài và yêu cầu cao
về từ vựng - cấu trúc, khiến ngay cả HS khá cũng gặp nhiều trở ngại trong phần
đọc hiểu. Đề thi tiếng Anh bị đánh giá là vượt xa trình độ phổ thông trung bình
và thiếu vùng "câu hỏi dễ" để HS lấy điểm nền tảng. Điều này khiến
nhiều HS, đặc biệt ở vùng khó khăn, chọn thi tiếng Anh cảm thấy hoang mang và
chán nản. Nếu xu hướng này tiếp tục, sẽ hình thành tâm lý ngại học, né thi tiếng
Anh - đi ngược lại mục tiêu đưa môn học này thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà
trường, như Kết luận số 91 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Với áp lực quá lớn từ kỳ thi, HS dễ coi tiếng Anh là rào cản thay vì là
công cụ hội nhập, từ đó học đối phó hoặc loại bỏ khỏi lựa chọn tổ hợp thi.
Trong khi đó, để hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh vào đời sống học đường một
cách bền vững, cần đảm bảo rằng đề thi vừa sức, công bằng và có lộ trình rõ
ràng.
LỆCH PHA GIỮA CHƯƠNG TRÌNH - SGK - ĐỀ THI ?
Một điểm khó khăn khác đối với HS là sự thiếu ăn khớp giữa nội dung sách
giáo khoa (SGK) và yêu cầu của đề thi. Theo chương trình mới, SGK chỉ là một
trong nhiều nguồn học liệu và đề thi không được sử dụng ngữ liệu bộ SGK nào.
Tuy nhiên trên thực tế, với HS, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, SGK vẫn là
tài liệu học tập chủ yếu, thậm chí duy nhất.
Nhiều câu hỏi trong đề thi 2025 vượt xa mức độ kiến thức trong SGK, khiến
HS dù học đúng, học đủ vẫn không thể làm được bài. HS rơi vào trạng thái mất
phương hướng, niềm tin, không biết nên học theo SGK hay tài liệu nào để không lệch
quá xa so với đề thi.
Sự lệch pha này không chỉ làm giảm vai trò của SGK, mà còn triệt tiêu
nguyên tắc cốt lõi của chương trình mới: phát triển năng lực tự học. Khi SGK
không còn là điểm tựa đáng tin cậy, HS buộc phải quay lại với học thêm, luyện đề
và học tủ, hay lạm dụng AI.
NGUY CƠ TÁI BÙNG PHÁT HỌC THÊM, LUYỆN THI
Sau kỳ thi năm nay, nhiều HS chia sẻ nếu không luyện đề, học thêm có hướng
dẫn riêng, gần như không thể đạt điểm khá - giỏi. Đề thi khó vượt ra khỏi
chương trình khiến người học cảm thấy phải có "người dẫn đường" mới
làm bài được. Tâm lý này làm sống lại làn sóng học thêm, luyện thi vốn từng được
kiềm chế nhờ tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và
Thông tư số 29 của Bộ GD-ĐT mới đây về dạy thêm, học thêm.
Nếu kỳ thi năm sau vẫn tiếp tục duy trì độ khó như hiện tại mà không đồng
thời cải thiện điều kiện dạy học trong nhà trường, rất dễ dẫn tới tái lập cơ chế
"giáo dục hai tầng": học thật trong nhà trường chỉ mang tính hình thức,
học để thi lại diễn ra ngoài nhà trường - bất bình đẳng và cảm tính.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu "giảm áp lực, tăng chất lượng"
và xói mòn vai trò chính của nhà trường trong việc dạy học chính khóa.
CẦN HỆ SINH THÁI ĐỒNG BỘ
Một lo ngại mang tính hệ thống là quy trình xây dựng đề thi chưa được chuẩn
hóa. Việc tạo đề từ ma trận vẫn bị hiểu sai, làm máy móc: chọn câu hỏi ngẫu
nhiên từ các nhóm nội dung mà không kiểm soát đủ về độ khó, độ phân biệt, hoặc
đặc tả chi tiết. Điều này dẫn đến các mã đề không đồng đều, mất cân bằng về nội
dung và độ khó.
Bên cạnh đó, do chưa có ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa toàn quốc, hầu hết
câu hỏi trong đề thi vẫn được xây dựng dựa vào kinh nghiệm tổ chuyên gia, không
có dữ liệu thử nghiệm thực tế, dễ rơi vào cảm tính hoặc thiếu ổn định giữa các
năm.
Việc ra đề thi với mức độ khó khác nhau đã từng diễn ra ở một số năm trước.
Năm 2018, đề thi khó hơn khiến tổng điểm 10 giảm mạnh từ 4.235 điểm (2017) xuống
còn 477 điểm, nhiều môn như ngữ văn, toán, vật lý… chỉ có 0-2 điểm 10. Năm
2019, đề dễ hơn nên điểm 10 tăng lên 1.270 nhưng vẫn thấp hơn năm 2017.
Vì vậy, để kỳ thi tiếp tục theo hướng đổi mới đánh giá năng lực, cần triển
khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, cần xây dựng và công bố ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo hướng
đánh giá năng lực, có dữ liệu kiểm định về độ khó và độ phân biệt, giúp đảm bảo
công bằng giữa các mã đề và giữa các năm thi, giữa HS các vùng trên phạm vi
toàn quốc. Nhà trường tăng cường kiểm tra, đánh giá với đề thi không có trong
SGK.
Thứ hai, đề thi cần dựa sát hơn vào yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo
dục phổ thông 2018.
Thứ ba, có thể cân nhắc tách biệt hai mục tiêu của kỳ thi: một phần dùng
để xét tốt nghiệp, đảm bảo phổ cập; phần còn lại phục vụ tuyển sinh đại học, có
thể cao hơn về độ phân hóa và chuyên sâu.
Cuối cùng, cần thiết lập cơ chế phản hồi chính thức sau kỳ thi từ phía HS
và giáo viên - để quá trình đổi mới đề thi không mang tính một chiều từ trên xuống,
mà thực sự là sự đồng hành hai chiều giữa người làm chính sách và người học -
người dạy.
ĐỔI MỚI CẦN CHÍNH XÁC, CÔNG BẰNG VÀ KHẢ THI
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải
cách giáo dục. Tuy nhiên, một đề thi dù đúng về mặt định hướng nhưng không phù
hợp với năng lực thực tế của người học thì vẫn chưa thể coi là thành công. Muốn
kỳ thi trở thành động lực cải cách, phải đảm bảo 3 yếu tố: nội dung sát thực -
kỹ thuật chuẩn hóa - đối tượng khả thi.
Cải cách không thể chỉ nằm trên đề thi. Nó phải đi cùng với chương trình
SGK, phương pháp giảng dạy và điều kiện dạy học thực tế. Khi cả hệ thống đồng bộ,
HS sẽ không còn phải học thêm để thi, cũng không còn e ngại tiếng Anh hay mất
niềm tin vào SGK. Khi đó, mỗi đề thi mới thực sự là một cánh cửa mở, chứ không
phải một cánh cửa khép.
Nhận xét
Đăng nhận xét